Ngoại trừ “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, doanh thu phòng vé năm 2015 của phim Việt thất bại thảm hại so với năm trước.
Nếu năm ngoái, phim Việt bội thu từ những phim được xem là “tử tế” như Quả tim máu (đạo diễn: Victor Vũ), Đoạt hồn (đạo diễn: Hàm Trần), Hương ga (đạo diễn: Cường Ngô), Scandal 2 – Hào quang trở lại (đạo diễn: Victor Vũ) đến những phim sặc mùi thương mại: Tèo em, Để Hội tính… thì năm nay, cục diện lại hoàn toàn thay đổi, ngoại trừ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ) lập cú “hit” với khoảng 78 tỷ đồng sau 1 tháng phát hành tại thị trường Việt Nam (theo trang The Hollywood Reporter đưa tin).
Năm thất bát của điện ảnh Việt
Các tác phẩm điện ảnh mang tính nghệ thuật khác như Dịu dàng (đạo diễn: Lê Văn Kiệt) hay Quyên (đạo diễn: Nguyễn Phan Quang Bình) đều không vừa “được tiếng” vừa “được miếng”. Dịu dàng vừa ra rạp đã rút lui trong lặng lẽ, có nghĩa doanh thu không đủ trụ lại. Ông Trần Trọng Dần, Giám đốc Hãng phim Coco Paris (nhà sản xuất phim này), cho hay: “Nếu chỉ tính doanh thu phát hành trong nước thì không đủ vốn. Phải được phát hành thêm ở nước ngoài mới huề vốn”. Phim Quyên, với kinh phí sản xuất 22 tỷ đồng, lỗ nặng (theo tiết lộ của những người trong giới). Đại diện nhà sản xuất và phát hành BHD cũng thừa nhận đã lường trước được doanh thu phim sẽ thấp, khả năng thu hồi vốn rất khó nhưng không ngờ lại thấp đến như vậy.
Cảnh trong Hy sinh đời trai, một trong những phim Việt thất bại về doanh thu phòng vé.Ảnh: nhà sản xuất cung cấp.
Bước qua khoảng thời gian ảm đạm của điện ảnh Việt, từ 2 năm trở lại đây, dòng phim giải trí phát triển mạnh mẽ. Phim thương mại thiên về hài nhảm đa số không được khán giả đón nhận dù trước đó đã quảng cáo rình rang. Hy sinh đời trai (đạo diễn: Lưu Huỳnh) chết thảm ở phòng vé là một ví dụ điển hình cho sự thất bại đau đớn ấy. Đạo diễn Quang Tuyến xác nhận phim Cầu vồng không sắc không lỗ nhưng không lãi nhiều. Hàng loạt phim giải trí khác như Sơn đẹp trai, Bộ ba rắc rối, Kungfu phở, Tình + Tình, Ngủ với hồn ma,Cầu vồng không sắc… cũng chỉ dừng lại ở mức huề vốn (vì vốn đầu tư không nhiều).
Bà Ngô Bích Hiền, Giám đốc Công ty BHD tại TP HCM, nhận định: “Năm 2015, điện ảnh tư nhân phát triển rầm rộ, phim Việt ra rạp quanh năm, hệ thống rạp chiếu mở rộng nhưng không phải là năm bội thu về doanh thu phòng vé”. Trong khi năm ngoái, doanh thu “triệu đô” là chuyện thường thấy, đa phần đều từ 30-40 tỷ đồng trở lên. Chỉ tính riêng đạo diễn Victor Vũ đã có đến 3 phim hốt bạc là Cô dâu đại chiến 2, Quả tim máu, Scandal 2 – Hào quang trở lại. Trong khi đó, các kỷ lục doanh thu lại chủ yếu thuộc về các phim bom tấn ngoại: Fast & Furious 7 thu hơn 52 tỷ đồng tại Việt Nam sau 5 ngày, vượt xa thành tích trước đó của Để Mai tính 2; The Avengers cũng xác lập kỷ lục trở thành bom tấn cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng nhanh nhất chỉ trong 12 ngày và mới đây nhất là Điệp viên 007 cũng hứa hẹn sẽ càn quét tất cả phòng vé Việt.
Tư duy làm phim tụt hậu
Phim nghệ thuật kém thu hút khán giả là điều dễ dàng lý giải, ngoại trừ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có quá nhiều yếu tố nền tảng để “bật” lên như tên tuổi đạo diễn, tên tuổi nhà văn, kịch bản, thể loại… Với Dịu dàng và Quyên, Dustin Nguyễn hay Trần Bảo Sơn chưa bao giờ thực sự là cái tên để bán vé dù không ai có thể phủ nhận tài năng của họ. Cái quan trọng không kém là câu chuyện và cách kể chuyện của các đạo diễn. Ông Trần Trọng Dần cho rằng phim quá nặng tính nghệ thuật, không nhiều tính giải trí cho lớp khán giả trẻ dưới 20 tuổi vốn là công chúng chính của điện ảnh Việt hiện nay. Hơn nữa, dù giàu ngôn ngữ điện ảnh nhưng màu sắc phim quá u ám và căng thẳng. Bà Ngô Bích Hiền lý giải sự thất bại của Quyên là tổng hợp của nhiếu yếu tố như thời điểm phát hành, bị cạnh tranh bởi phim ngoại, câu chuyện và bối cảnh quá cách xa thời hiện tại khiến khán giả trẻ khó đồng cảm.
Trước khi Quyên công chiếu, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình từng bảo: “Để phim này thu hồi vốn là một thử thách không nhỏ. Tôi chỉ hy vọng phim hút được khán giả miền Bắc vì nhiều gia đình miền Bắc có người ra nước ngoài sống và làm việc”. Nhưng rõ ràng là nhu cầu cầu giải trí của khán giả miền Bắc vốn thấp hơn rất nhiều so với miền Nam nên nếu chỉ “cô lập” bộ phận khán giả như vậy thì phim vắng khách cũng là điều dễ hiểu.
Tương tự, Trót yêu - phim tình cảm gia đình tử tế giữa dòng phim hài nhảm tràn ngập nhưng câu chuyện tình yêu tay 3 vốn đầy rẫy trên phim truyền hình thì ra rạp còn gì mới mẻ, hấp dẫn. Phim này rất “hợp gu” với đối tượng khán giả là những bà nội trợ. Việt Trinh sau hàng chục năm “ở ẩn” không còn là cái tên đủ sức lôi kéo khán giả tới rạp. Vì thế, thất bại doanh thu của Trót yêu là khó tránh.
Những phim giải trí đơn thuần như hài, kinh dị, giới tính… thất bại là do tâm lý quá chủ quan của nhà sản xuất. “Họ nghĩ chỉ cần có vài tên tuổi đủ độ “hot” và chiến dịch quảng bá rầm rộ là ăn khách, mặc kệ câu chuyện phim và cách làm ra sao. Ngoại trừ trường hợp cá biệt như Để Mai tính 2 có sự bảo chứng tên tuổi ăn khách từ Thái Hòa thì Hy sinh đời trai, Con ma nhà họ Vương và vô số phim khác được làm cẩu thả, hài nhảm, sặc mùi câu khách đã bị khán giả quay lưng không thương tiếc” – một đạo diễn phân tích. Đa phần khán giả ngày càng giàu hiểu biết nhưng tư duy của các nhà làm phim Việt lại tụt hậu, quay về thời kỳ làm phim “mì ăn liền” của những năm 1990. Trong khi phim ngoại hay, hấp dẫn đang tràn ngập đã khiến phim Việt thất thế ngay trên rạp nhà.
Đạo diễn Vinh Sơn cho rằng làm phim giải trí không bị chê nhảm mà đoạt doanh thu cao cũng không quá khó. Thực tế là khán giả vẫn thích phim giải trí dù không quá hay nhưng không được làm quá nhảm hay quá tệ. Bằng chứng là phim 49 ngày vẫn là phim giải trí nhưng thu hút khách nhờ sự tiết chế vừa phải và quan trọng là nội dung phim mới lạ, cách kể hay, không hời hợt, qua loa. Sự giảm sút của doanh thu phòng vé năm nay cũng là lý do để các nhà sản xuất nhìn lại sự phát triển ồ ạt nhưng không căn cơ của điện ảnh thời gian qua. Không phải cứ phim ra rạp là ăn chắc phần thắng.
Quảng cáo không dụ được khán giả
Nhiều người trong giới phát hành cho rằng ngày trước, những bài viết trên báo thường là cơ sở để khán giả quyết định có nên đi xem phim nào đó hay không. Nhưng hiện nay, giới trẻ – đối tượng khách hàng chính của phim ảnh – đang chịu tác động từ những nhận xét trên mạng cá nhân Facebook. Thực tế cho thấy những phim nào được khán giả khen ngợi trên Facebook là phim đó hút khách và ngược lại. Sức lan tỏa của mạng xã hội cao hơn các bài báo gấp nhiều lần. Vì vậy, dù có đủ chiêu trò quảng cáo nhưng các nhà sản xuất phim khó lừa được khán giả.
Theo Hạ Nguyên/Người Lao Động