Phim Việt dự Oscar: Tranh cãi không hồi kết

KuteJac

Newcaster


 "Đập cánh giữa không trung" từng tham dự nhiều LHP Quốc tế trong suốt một năm qua, được chính LHP Quốc tế Hà Nội lần II vinh danh, nhưng lại trở thành "bại tướng" trước "Trúng số".



Trước ngày 1/10 hàng năm, Hội đồng tuyển chọn phim tham dự giải Oscar sẽ đưa ra quyết định chọn một tác phẩm để đại diện cho điện ảnh Việt Nam tranh tài tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc. Quy định của Viện Hàn lâm nước Mỹ bao gồm: phim được phát hành trong khoảng thời gian từ 1/10 năm trước tới 30/9 năm đó, cũng như phải được trình chiếu thương mại liên tục ít nhất 7 ngày tại thị trường nội địa.



phim-viet-du-oscar-tranh-cai-khong-hoi-ket-1e15c5.jpg



Mùi đu đủ xanh (1993) là một trong năm phim lọt vào vòng đề cử cuối cùng tại hạng mụcPhim nói tiếng nước ngoài xuất sắc của Oscar 1994.



Tính đến năm 2015, điện ảnh Việt Nam có 12 lần gửi phim đi tranh Oscar, nhưng mới chỉ có một lần duy nhất lọt vào vòng đề cử 5 phim cuối cùng. Đó là trường hợp của Mùi đu đủ xanh đến từ đạo diễn Trần Anh Hùng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây là tác phẩm do Pháp và Việt Nam hợp tác sản xuất, chứ chưa phải là một phim “thuần Việt”.



Có năm chỉ duy nhất một phim nộp hồ sơ tuyển chọn, nhưng cũng có năm có vài ba phim. Việc “so bó đũa chọn cột cờ” thường gây ra tranh cãi trong giới chuyên môn và công chúng khi tác phẩm được chọn đi tranh tài không thể làm hài lòng tất cả.



Chẳng hạn như năm 2011, Khát vọng Thăng Long, một bộ phim do tư nhân thực hiện để chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long, giành chiến thắng sít sao trước hai đối thủ “nặng ký” là Long thành cầm giả ca và Cánh đồng bất tận. Nhưng nếu nhìn từ góc độ công chúng, Khát vọng Thăng Long dường như yếu thế hơn hai đối thủ.



phim-viet-du-oscar-tranh-cai-khong-hoi-ket-26cc6d.jpg



Có ý kiến cho rằng Long thành cầm giả ca (2011) xứng đáng đại diện cho Việt Nam đi Oscar hơn là Khát vọng Thăng Long.



Nhiều người đặt hy vọng vào Long thành cầm giả ca vì đây là một bộ phim nhân văn, mang đậm hồn Việt. Song, Hội đồng xét duyệt lại cho rằng tác phẩm của đạo diễn Đào Bá Sơn sa vào tiết tấu chậm, cách dẫn giải câu chuyện tình trong phim thiếu điểm nhấn, dễ khiến người xem thấy sốt ruột, khó hiểu.



Trong khi đó, Cánh đồng bất tận của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình dù ghi điểm nhờ cảnh quay đẹp, cốt truyện cuốn hút dựa trên nguyên tác của Nguyễn Ngọc Tư, nhưng cách dàn dựng còn thiếu tinh tế, dẫn đến phim bị “sạn” và có cái kết chưa thỏa đáng.



Nhưng chỉ một năm trước đó, Cục điện ảnh Việt Nam thậm chí còn… từ chối gửi phim tham dự Oscar, dù có đến 9 phim đạt tiêu chuẩn mà Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) đề ra. Đặc biệt, Trăng nơi đáy giếng và Chơi vơi là hai tác phẩm tiềm năng, hội tụ nhiều yếu tố có thể “làm nên chuyện” trên đường đua Oscar. Không ai hiểu tại sao đáp án của Cục điện ảnh năm ấy chỉ là con số 0 tròn trĩnh.



phim-viet-du-oscar-tranh-cai-khong-hoi-ket-a77091.jpg



Cùng Chơi vơi, Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn mất đi cơ hội tham gia Oscar 2011 mà không ai hiểu lý do tại sao.



Có ý kiến cho rằng đó là năm các thành viên của Hội đồng xét duyệt bận rộn với hai sự kiện lớn: Đại lễ 1.000 năm Thăng Long và Liên hoan phim quốc tế tại Hà Nội nên thậm chí… không có thời gian xem phim ứng tuyển. Tuy nhiên, dù lý do thực sự có là gì đi nữa, điện ảnh Việt Nam cũng đã mất đi một cơ hội, dù rất nhỏ nhoi, đưa hình ảnh đất nước đến gần hơn với công chúng quốc tế.



  'Trúng số' cạnh tranh với 80 phim tại Oscar 2016 Bộ phim hài của Dustin Nguyễn là một trong 81 tác phẩm dự tranh hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc" của giải thưởng điện ảnh danh giá nước Mỹ năm nay.



Mới đây, Hội đồng xét duyệt phim Việt tiếp tục làm dấy lên một cuộc tranh cãi khi quyết định gửi một tác phẩm hài đi dự tranh Oscar 2016: bộ phim Trúng sốcủa Dustin Nguyễn.



Từ trước đến nay, điện ảnh Việt chưa có tiền lệ gửi phim hài đến một sân chơi lớn như Oscar. Hầu hết các phim từng được cử đi đều là những tác phẩm gây chú ý về mặt nghệ thuật hoặc phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất như Mùa len trâu, Áo lụa Hà Đông, Chuyện của Pao, Đừng đốt, Mùi cỏ cháy…



Bộ phim của Dustin Nguyễn khởi chiếu dịp Tết Nguyên đán 2015, lấy cảm hứng từ câu chuyện cô Lành bán vé số tại Long An “chê” 6,6 tỷ đồng khiến báo chí xôn xao cách đây bốn năm. Dù thuộc thể loại hài hước, Trúng số được giới truyền thông trong nước đánh giá khá cao khi có nội dung nhân văn và mang đậm không gian truyền thống Nam Bộ.



phim-viet-du-oscar-tranh-cai-khong-hoi-ket-cf9552.jpg



Đập cánh giữa không trung từng tham dự nhiều LHP Quốc tế trong suốt một năm qua, được chính LHP Quốc tế Hà Nội lần II vinh danh, nhưng lại trở thành "bại tướng" trướcTrúng số trong cuộc đua tới Oscar 2016.



Tuy nhiên, nếu so với một ứng cử viên nặng ký khác là Đập cánh giữa không trung, nhiều người vẫn không khỏi ngạc nhiên trước chiến thắng của Trúng số. Bên cạnh đó, rất đáng tiếc khi bộ phim Cha và con và… của đạo diễn Phan Đăng Di, tác phẩm từng tham dự Liên hoan phim Berlin 2015, không đủ tiêu chuẩn tuyển chọn do chưa được trình chiếu thương mại ngoài rạp trong khoảng thời gian cần thiết.



Cũng có người tiếc nuối khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ra rạp chậm đúng một tuần lễ so với khoảng thời gian quy định. Bởi nếu không, bộ phim của Victor Vũ có lẽ sẽ không phải chờ tới tận Oscar 2017.



Với Trúng số, chính đạo diễn Dustin Nguyễn đã nhận định rằng thật khó để kỳ vọng bộ phim có thể làm được điều gì tại đường đua điện ảnh danh giá nhất hành tinh năm nay.



Theo Zing









 
Back
Top