Bạn bè mến Quý Bình vì thật thà, đồng nghiệp nể anh vì tính nghiêm túc, người già thương anh vì sự lễ phép, người trẻ kính anh vì thấy gần gũi…Phụ nữ mê Quý Bình vì nhiều thứ.
Nghe Quý Bình vừa hoàn thành vai Minh Phạm – một bệnh nhân tâm thần phân liệt – trong phim truyền hình Án mạng cô nhi viện (đạo diễn: Bùi Ngọc Phương Nam), nhiều người đều tò mò. Dường như hễ có những vai tâm lý phức tạp, khó đoán, khó lường với khán giả, khó “nuốt” với diễn viên thì đạo diễn luôn nhắm đến Quý Bình.
“Vai gai góc, xù xì, khù khờ, bệnh hoạn gì cũng được, miễn đó là vai diễn mới lạ, hay và tôi sẽ sống chết với nó” – anh quả quyết. Lần này, coi như Quý Bình được… toại nguyện.
Muốn ác trên gương mặt hiền
Giữa một nỗi sợ mang tên “lặp lại chính mình, làm không tới sẽ trở thành chế nhạo người bệnh” và sự háo hức “sống một cuộc đời đầy mới mẻ”, Quý Bình đã chọn điều thứ 2 sau nhiều lần đắn đo. Lâu thật lâu mới xuất hiện trên phim nên có thể gọi lần này là khát vọng muốn sống với những số phận mà anh cho là “kỳ lạ nhất”.
Diễn viên Quý Bình trong đời thường. Ảnh: Hoàng Triều.
Không phải là kẻ nhận được kịch bản thì nhảy cẫng lên sung sướng, Quý Bình bình tĩnh, điềm đạm, thản nhiên nhưng âm thầm thâu tóm hết nhân vật. Phim chưa phát sóng, mọi sự nhận xét e còn quá sớm. Nhưng khi máy vừa đóng, diễn viên Anh Thư (bạn diễn) đã thốt lên: “Nếu Quý Bình không đóng vai này thì không biết còn ai có thể đóng được nữa!”.
Cũng như lần đóng Quả tim máu, đạo diễn Victor Vũ đứng bật dậy, cầm điện thoại gọi ngay về cho nhà sản xuất lúc nửa đêm chỉ để thông báo rằng Quý Bình đã “xuất sắc” trong phân đoạn khó nhất.
Nhìn bề ngoài, anh cực kỳ phong trần: đen giòn và rắn rỏi. Bên trong, anh mạnh mẽ, có lúc lại mềm mại đến nghẹn ngào.
Đóng những vai ban đầu hiền, sau đó ác hoặc ngoài hiền, trong ác mới khó làm sao! “Chỉ có Quý Bình mới “hứng” được những “ca” khó như thế” – một nhà báo nhận xét. Thật vậy, từ Trí trong Cá rô, em yêu anh đến Nhân Lỳ trong Bước quá bóng tối, Lâm - Đường đua, Tâm - Quả tim máu, Nin - Tốc độ và đường cong, Quý Bình luôn nhập cuộc với hình ảnh rất điềm tĩnh, lạnh lùng. Nhưng đó chỉ là “màn dạo đầu”. Hãy từ từ xem cách Tâm, Nin của Quý Bình cư xử mới thấy kinh hoàng. Kẻ thì giết người yêu cũ, nhốt vợ; kẻ thì bệnh hoạn, cưỡng hiếp em gái. Kịch bản chủ ý xây dựng nhân vật là vậy nhưng làm thế nào để giữ bí mật, không bị “lộ tẩy”? Quý Bình thắt – mở tình huống nhân vật từ tốn, tài tình như “bóc tách củ hành”.
Nghe cha mẹ bảo ngày Tết muốn con trai đóng vai gì vui vui, Quý Bình nhận lời đóng phim hài. Phim vui thật nhưng anh đâu có vui vì thấy mình lọt thỏm giữa một rừng sao hài chẳng ăn nhập gì. Thế là sau phim đó, Quý Bình tuyên bố: “Năm sau con không đóng phim nữa!”. “Đóng hài cứ bị… văng ra hoài. Giờ nếu được mời vai hài, chắc chắn tôi sẽ suy nghĩ lại” – anh nhìn nhận giới hạn của mình.
Nỗi sợ “không giữ được mình”
Tám Được (tên cha mẹ đặt của Quý Bình) là con thứ 8 của đôi vợ chồng nghèo có 9 người con ở huyện Hóc Môn, TP HCM. Trong ký ức của anh luôn là hình ảnh cha mẹ phải bươn bả thuê đất, thuê vườn rồi nai lưng ra làm nuôi 9 miệng ăn.
“Nhà tôi nghèo lắm, 9 anh em được sinh ra trên mảnh đất nghèo. Ba mẹ làm thuê đong gạo từng bữa nhưng không cho đứa nào bỏ học ngang. Hàng xóm, người ngoài hay nói ba mẹ tôi con cái đông, sao không để chúng đi làm kiếm tiền mà cứ lo ăn học làm chi cho cực. Mẹ nói muốn con mình đứa nào cũng có chữ nghĩa không thua chúng bạn” – Quý Bình nhớ lại.
Ám ảnh nhất với Quý Bình là những bữa ăn thiếu thốn, những giấc ngủ chập chờn, những ngày đi học không có sách vở, quần áo để mặc. “Có năm, 8 anh em cùng đến trường, chúng tôi cứ thay phiên nhau mặc chung quần áo” – anh kể.
Ngày còn bé, Quý Bình là một cậu nhóc nhỏ xíu, đen thui, đi học về bỏ cặp sách xuống là ra đồng với cha mẹ và các anh chị… Khi nghe con trai kể về một ước mơ lạ lùng là làm diễn viên, người mẹ đã cười đến chảy nước mắt. Sợ con mình quen cái tính giản dị, thật thà, chân chất của nhà nông, làm sao sống được cuộc đời nghệ sĩ, bà hướng Quý Bình đi bộ đội, làm lính biên phòng cho yên thân.
Quý Bình và ca sĩ Ánh Tuyết. Ảnh: Lê Thạch.
Không biết lúc ở trong quân đội, Quý Bình có được ai khuyến khích đi làm diễn viên không nhưng việc anh đăng ký thi và đậu vào ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM năm 2003 là một “cú sốc” với cả dòng họ. Cha mẹ anh đã triệu tập cả gia đình gần 30 người để “xin ý kiến”. Chấp nhận để con được theo đuổi đam mê nhưng trong lòng ông bà chưa một phút giây nào thôi dậy sóng…
Nếu có một nỗi sợ lớn nhất với Quý Bình từ lúc bước chân vào nghề cho đến tận bây giờ, ấy là làm cha mẹ, gia đình, người thân buồn và lo lắng. “Điều tôi tự hào nhất chính là có một đại gia đình sống vui vẻ và hạnh phúc – “tài sản” quý giá nhất và không có bất cứ lý do gì để đánh đổi” – anh quả quyết.
Làm sao để bù đắp cho cha mẹ là niềm mơ ước khôn nguôi của Quý Bình. Thành ra, làm nghề gần 10 năm, gọi là tích cóp riêng cho mình cái gì thì anh vẫn chưa có. Làm được đồng nào, anh đều dành dụm cho gia đình lớn chứ chưa hề nghĩ đến gia đình nhỏ của riêng mình. Song, chẳng phải là sắm nhà, sắm xe, rước mẹ lên trung tâm thành phố sống.
“Cả đời ba mẹ quen dãi dầu mưa nắng, quen cảnh quê nhà, dễ gì chịu đi đâu. Tôi chỉ muốn mua thêm đất để vườn rộng thêm, mẹ trồng thêm luống rau, ba nuôi thêm con bò sữa. Hoặc mua cho mẹ chiếc vé máy bay đi sang Mỹ thăm người dì, để lần đầu tiên trong đời mẹ biết ngồi máy bay là gì” – anh bộc bạch.
Sống khép kín, giản dị
Quý Bình là người không dành phần lớn thời gian để lao theo công việc. Anh “khát” làm nghề đấy nhưng với mỗi vai trò đều luôn cẩn trọng và tỉnh táo tiến, lùi, tiếp, dừng… hợp lý. Chẳng hạn mới đây, anh ngừng đóng phim để tập hát, tham gia chương trình Những bài hát còn xanh và chuẩn bị ra album nhạc trữ tình mang tên Ru con tình cũ.
Quý Bình trong phim Án mạng cô nhi viện.
Quý Bình cũng không dành phần nhỏ thời gian để cà phê, nhậu nhẹt, tụ tập bạn bè. Nếu rảnh, anh phóng xe về quê, ra đồng bắt cá, tắm heo, cho gà vịt ăn. Hoặc anh vào nhà, thò đầu ra cửa sổ nhìn khu vườn xanh mướt của mình rồi lại nhảy ra nhổ cỏ, tưới cây. “Tôi có là ai trên màn ảnh, sân khấu đi nữa thì khi về nhà vẫn là thằng Tám Được nông dân, sẵn sàng xắn quần vác cày cuốc ra đồng” – anh bày tỏ.
Quý Bình tự nhận mình không phải là người bưng bít cái xấu, cũng không phô trương cái tốt và cũng chưa thấy ai phàn nàn về anh. Bạn bè mến anh vì thật thà, đồng nghiệp nể anh vì nghiêm túc, người già thương anh vì lễ phép, người trẻ kính anh vì gần gũi, nhà báo quý anh vì khiêm tốn. Riêng phụ nữ mê Quý Bình vì nhiều thứ.
Nhìn bề ngoài, anh cực kỳ phong trần: đen giòn và rắn rỏi. Bên trong, anh mạnh mẽ, có lúc lại mềm mại đến nghẹn ngào. Anh có chút hồi hộp, run rẩy, bối rối khi chia sẻ điều này: “Nếu có một cái gì đó là xấu thì là tôi hay làm người khác… cảm mến mình”. Ca sĩ Ánh Tuyết từng gào lên: “Đừng có đi tới đâu là… gieo rắc tình cảm đến đó”. Quý Bình mắc cỡ, gãi đầu không giải thích hết ngọn nguồn. Cũng chẳng phải anh đa tình nhưng đó là sống thật, cởi mở, thân thiện và không ngại chia sẻ.
Tử tế với nghề
Quý Bình làm nghệ thuật y hệt tác phong người lính. Diễn viên thời nay có người làm việc cẩu thả, có người qua loa, chiếu lệ còn anh thì rất nghiêm túc. Người ta muốn có thời gian rong chơi, anh lại luôn đúng giờ. Nhiều người chỉ muốn nhân vật có ngoại hình, anh lại muốn có nội tâm. Ngoài phim ảnh và sân khấu, anh còn dành nhiều tâm huyết cho ca hát và làm MC. Anh không muốn xem 2 nghề đó chỉ là cú tạt ngang.
Có kiến thức sâu, lòng đam mê vô hạn, thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc và sự khắt khe với chính mình, Quý Bình hay ví von việc giữ mình trong môi trường nghệ thuật đầy thị phi cũng khó khăn như phải “trồng rau cải trên đất mặn”. Gần 10 năm qua, anh là một diễn viên mà tên tuổi không dành cho những ai quan tâm đến scandal. Trông anh lúc nào cũng ngơ ngác và hồn nhiên với mọi việc xảy ra quanh mình.
Theo Minh Nga/Người Lao Động