TS. Trần Đình Bá, trong báo cáo gửi lên các cơ quan chức năng mới đây, cho rằng, giá vé máy bay chặng Sài Gòn - Côn Đảo đang quá cao, móc túi người tiêu dùng. Ông lý giải, đi đường biển bằng tàu hiện đại chỉ mất một đêm giá có 150.000-200.000 đồng, còn đi máy bay từ sân Tân Sơn Nhất lại có giá vé cao ngất, lên tới 1,705 triệu đồng. Trong khi đó, tính theo đường chim bay, quãng đường dài chỉ 253 km, bằng 1/6 so với bay đến Hà Nội, 1/4 so với đến Đồng Hới, 1/3 so với đến Đà Nẵng, 2/3 so với đến Nha Trang, ngắn hơn đến Phú Quốc 50 km, bằng Buôn Ma Thuột....
Về giá vé, bay TP.HCM - Hà Nội chỉ 1,8 triệu (Vietnam Airlines), 1,2 triệu (VietjetAir) và 1,3 triệu (Jetstar Pacific); đi Đà Nẵng lần lượt là 1,2 - 0,878 - 0,95 triệu đồng... Hay đường bay đi Phú Quốc tới 300 km mà giá vé VietjetAir chỉ 0,68 triệu, Jetstar Pacific chỉ 0,79 triệu và Vietnam Airlines là 1,2 triệu đồng.
Như vậy, theo ông Bá, ngay trong bảng giá vé của Vietnam Airlines, giá máy bay đi Côn Đảo đang đắt gấp 1,5 lần so với bay Phú Quốc - cho thấy sự trắng trợn “ móc túi” người tiêu dùng.
Hy vọng sắp tới, sẽ có nhiều hãng tham gia đường bay này nhằm tăng tính cạnh tranh về giá vé, người tiêu dùng được hưởng lợi. |
Chưa kể, khi mua vào mùa biển động thường gặp tình trạng hết vé, nếu muốn phải trả thêm 300.000 đồng cho phí “đặt chỗ”.
Phản bác ý kiến trên của TS. Trần Đình Bá, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho rằng chính sách quản lý vận tải hàng không là bình đẳng giữa các hãng.
Trên thực tế, đã có hai hãng hàng không Việt Nam được cấp quyền khai thác thường lệ đối với đường bay từ Sài Gòn đi Côn Đảo VASCO (thành viên của Vietnam Airlines) và Air Mekong (đã dừng bay từ 1/3/2013). Hiện duy nhất chỉ còn VASCO đang khai thác đường bay này, sử dụng ATR-72 - loại tàu bay phù hợp mà VietJet Air và Jestar Pacific Airlines không có.
Về việc thiết lập và quản lý giá vé, Cục Hàng không Việt Nam giải thích, theo quy định về khung giá do Bộ Tài chính ban hành năm 2012, mức giá trần chặng Sài Gòn - Côn Đảo và ngược lại (thuộc nhóm đường bay dưới 500 km) hiện là 1,7 triệu đồng (chưa gồm thuế, phí). Mức giá này, theo cơ quan quản lý, là đã được tính toán cụ thể và hợp lý.
Ngoài ra, đặc điểm khai thác đi/đến Côn Đảo cũng gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng, yếu tố thời tiết, đặc biệt là tính mùa vụ theo ngày (từ Sài Gòn đi thì quá tải, rỗng chiều về và ngược lại vào Chủ nhật) cũng làm gia tăng chi phí.
Hiện nay, theo hồ sơ kê khai giá vận chuyển hàng không nội địa của Vietnam Airlines (áp dụng từ 3/1/2013) gửi Cục Hàng không Việt Nam thì chặng bay Sài Gòn - Côn Đảo đang có các mức giá: 1,45 triệu - 1,2 triệu - 1 triệu - 750.000 đồng (chưa bao gồm thuế, phí), với tỷ lệ vé theo giá bán trong năm 2013 lần lượt là 65,73%, 2,61%, 22,87% và 4,15%... và vẫn duy trì ngay cả khi Air Mekong dừng khai thác.
Mức giá cao nhất 1,45 triệu đồng cũng được áp dụng chung cho tất cả các đường bay cùng nhóm (dưới 500 km như từ TP.HCM đi Phú Quốc, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột... ).
Cục Hàng không Việt Nam kết luận, như vậy, giá vé máy bay chặng Sài Gòn - Côn Đảo của VASCO là đúng quy định.
Ngoài ra, Cục Hàng không cũng khuyến cáo các hãng hàng không rà soát chính sách, quy trình bán vé nhằm hạn chế, phòng ngừa hiện tượng lừa đảo, môi giới thu lợi bất chính trong việc mua, bán vé máy bay, bảo đảm cho hành khách tiếp cận được với mọi loại giá vé. Thanh tra Bộ GTVT tới đây cũng sẽ công khai kết luận thanh tra Vietnam Airlines và VASCO về công tác bán vé.
Ngọc Hà
Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn