Nếu đong đếm lượng khán giả tới xem tác phẩm “Hai thế giới” – phim truyện của đạo diễn Phạm Văn Nhận trong 2 buổi chiếu miễn phí ước chừng 500 – 600 người.
Nhưng, lượng xúc cảm bộ phim để lại trong khán giả, trong đó có một số diễn viên, đạo diễn và cả một số những tay chuyên viết về phim ảnh của TP HCM, có thể nói, là nhiều, khó đếm được. Người xem bị chinh phục bởi vẻ tao nhã, tươi tắn, sự tự nhiên, và cao hơn là tinh thần dân tộc của du học sinh Việt Nam tại Pháp (những nhân vật trong phim) những năm 1950 thế kỷ trước.
Khi cảm xúc lắng lại, người xem tỉnh trí, và quan tâm tới vấn đề thực tế của phim: Phạm Văn Nhận – một người không được học hành bài bản về điện ảnh, cách nay hơn 60 năm, với những thiết bị đơn giản đã làm ra bộ phim ấy như thế nào.
Từ cuộc chuyện trò với đạo diễn Việt Linh, ông Trần Hải Hạc (chồng Việt Linh, người gọi ông Phạm Văn Nhận là cha dượng) ngay sau buổi chiếu tối 28/11, khán giả nhận được một núi thông tin thú vị về kỹ thuật (kịch bản, dựng phim, thoại, nhạc, diễn xuất…) cũng như những chiến thuật lém lỉnh của một người Việt làm phim ở Paris theo lối tay không bắt giặc với vốn liếng nhiều nhất là lòng say mê điện ảnh. Ắt hẳn, câu chuyện về cách làm phim của Phạm Văn Nhận là khối kiến thức quý với những người làm phim của TP HCM hiện thời.
Đạo diễn Việt Linh là người được ông Phạm Văn Nhận tin tưởng giao phó cho bộ phim, mang về chiếu tại Việt Nam, sau khi phim được Trung tâm quốc gia điện ảnh Pháp CNC cho phục chế và số hóa. Một khía cạnh thiết thực khác của phim, đó chính là việc chiếu rộng rãi, đặc biệt chiếu có thu của phim. Cần phải ghi nhận sự đóng góp của Chi nhánh Cty TNHH Hãng phim Xanh (Blue Productions), Công ty CP Công nghệ giải trí Hồng Hạc – hai đơn vị giới thiệu phim tại Việt Nam. Diễn viên Hồng Ánh – Giám đốc Blue Productions cho biết: Trong kế hoạch, Blue Productions sẽ chiếu thêm hai phim của ông Phạm Văn Nhận là Giá hạnh phúc (1953), và Vì đâu nên nỗi (1954, dựa theo tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh) – hai phim cũng vừa được CNC Pháp phục chế, số hóa. Ngoài ra, trong kế hoạch, sắp tớ đơn vị này dự kiến chiếu lại, chiếu có doanh thu một số phim xưa, và cả phim tài liệu được nhiều người xem, như Chuyến đi của chị Phụng”của đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm…
“Chúng tôi nhận thức được rằng, việc phát hành thương mại những phim như phim của ông Phạm Văn Nhận nói riêng, và một số phim truyện, tài liệu thuộc diện phim xưa hay phim của những người làm phim độc lập không tạo được hiệu ứng đám đông khán giả. Những phim như vậy có khán giả riêng của nó…” – Hồng Ánh nói.
Không là chuyện ôn cố tri tân. Được xem lại phim xưa, để thấy một điều: Kỹ thuật làm phim, rõ ràng, mỗi ngày một tân tiến, và dễ sở hữu được, nhưng làm được một bộ phim để lại xúc cảm cho khán giả, không dễ, đó phải là một món quà của tài năng…
Theo Thuỳ Ân/Báo Lao Động