Khi tiết trời nắng ấm, từng đàn chim én lại bay về vùng ven biển miền Trung trú ngụ. Nhưng tại đây chúng lại đang bị săn lùng, trở thành món nhậu.
Sau đợt rét nàng Bân ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ, chim én bay về rợp trời vùng biển bãi ngang các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc (Nghệ An), Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà (Hà Tĩnh). Cũng từ đây, người dân miền Trung bắt đầu vào mùa săn én, dân nhậu có thêm món khoái khẩu từ loài chim được coi là sứ giả của mùa xuân.
Sau đợt rét nàng Bân ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ, chim én bay về rợp trời vùng biển bãi ngang các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc (Nghệ An), Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà (Hà Tĩnh). Cũng từ đây, người dân miền Trung bắt đầu vào mùa săn én, dân nhậu có thêm món khoái khẩu từ loài chim được coi là sứ giả của mùa xuân.
Kỹ thuật đánh bẫy chim én của người dân vùng biển Nghệ An, Hà Tĩnh được hình thành từ hàng chục năm nay và ngày càng hoàn thiện. Bẫy én được làm từ những cây tre khô có nhiều cành, sau khi quét lên cành tre những lớp keo dính, người làm bẫy sẽ gắn thêm một số con én mồi rồi chôn xuống những cánh đồng lúa, bờ kênh.
Dưới mỗi cây tre là một chòi nhỏ được lợp bằng lá cọ, lá chuối hay cành phi lao. Trong mỗi chòi có từ 2 đến 3 người ngồi cầm sào phục sẵn. Trên đầu mỗi chiếc sào này cũng được bôi một lớp nhựa đậm đặc. Đặc điểm của chim én là chao liệng theo từng đợt gió biển. Sau mỗi đợt gió biển, trông thấy chim mồi đậu trên cành tre, hàng chục con én không ngần ngại sà vào và dính phải bẫy keo.
Bẫy chim én có khắp nơi vùng bãi ngang, cửa sông, cửa biển của Nghệ An, Hà Tĩnh. Ảnh: Trường Long.
Thấy chim én mắc bẫy, những người ngồi trong chòi canh sẽ nhanh chóng dùng sào chọc khiến chúng rơi xuống đất và công việc còn lại chỉ là nhặt én cho vào bao tải và chờ đợt gió tiếp. Thường mỗi đợt gió biển cách nhau 30-60 phút tùy thời tiết, theo đó lượng én mà những người thợ săn bắt được cũng nhiều hay ít. Trung bình mỗi ngày một căn chòi có thể bắt được hàng trăm con chim én.
Nhiều nơi người dân còn giăng cả lưới trên các cánh đồng, cửa sông, cửa biển để đón bắt chim én. Thường các đầu nậu đến tận chòi canh để mua với giá 1.500-2.500 đồng một con tùy thời điểm. Sau đó, én được vặt lông, nướng và bán cho các quán nhậu với giá 3.500-5.000 đồng một con.
Anh Thùy, một thợ săn chim én ở vùng biển Nghi Xuân cho biết, nghề săn chim én có từ cách đây gần 10 năm, khi đó giá không cao nhưng số lượng bắt được lại rất nhiều. “Hồi trước én nhiều vô kể, cả gia đình chúng tôi đánh bắt cả ngày cũng không hết, nhưng mấy năm gần đây lượng chim về giảm hẳn, bởi số người hành nghề săn bắt ngày càng nhiều, kỹ thuật bắt ngày càng hiệu quả. Tính sơ sơ, trên các cánh đồng ven biển ở huyện Nghi Xuân đã có gần 100 người tham gia vào việc săn én”, anh Thùy nói.
Sau khi được giết thịt, mỗi con chim én được bán với giá 3.500-5.000 đồng. Ảnh: Trường Long.
Chỉ xuất hiện nhiều vào mùa xuân nên nghề săn chim én chỉ phát triển vào mùa này. “Hôm nào thời tiết thuận lợi, mỗi tổ thợ săn có thể kiếm được cả triệu đồng. Vì thu nhập cao nên ngày càng nhiều người tham gia đánh én”, một thanh niên đang đánh én ở cánh đồng của xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, cho biết.
Nhìn những căn chòi săn én dọc lối đi giữa cánh đồng xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, một cụ già thở dài nói: "Với tốc độ tận diệt như thế, không biết một vài năm nữa, có còn chú én nào 'đưa thoi' nữa hay không? Sâu bọ trên cánh đồng sẽ phát triển vì không còn bị chim én tiêu diệt".
Chim én rất có lợi đối với con người vì chúng ăn các loài côn trùng bay, tác nhân gieo rắc nhiều bệnh đặc trưng tại vùng nhiệt đới. Edward Mayer, Chủ tịch Tổ chức Bảo tồn chim én thế giới từng lo ngại, nếu én tuyệt chủng, sốt rét, sốt xuất huyết và nhiều bệnh khác sẽ hoành hành khắp toàn cầu.
Trường Long
vnxpress