T
T$
Guest
Quân đội được điều động giúp thành lập trung tâm chống cảm nắng
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif kêu gọi có biện pháp khẩn để đối phó với đợt nắng nóng ở tỉnh Sindh, nay đã làm 700 người chết.
Quân đội đã được điều động để thiết lập các trung tâm chống cảm nắng, trong khi nhiệt độ bên ngoài lên tới 45 độ C.
Giới chức đã bị chỉ trích là chưa nỗ lực giải quyết khủng hoảng.
Hiện người dân đang hết sức giận dữ về tình trạng mất điện.
Trong lúc tháng chay Ramadan diễn ra người ta cũng không được uống nước ban ngày khiến tình hình càng thêm khó chịu.
[h=2]Biểu tình phản đối[/h]Hôm thứ Ba 23/6, cơ quan phòng chống thiên tai của Pakistan (NDMA) cho hay đã nhận lệnh của Thủ tướng Sharif yêu cầu phải có hành động khẩn để giải quyết khủng hoảng.
Người đứng đầu sở Y tế tỉnh Sindh Saeed Mangnejo nói 612 người đã tử vong tại các bệnh viện của nhà nước ở thành phố Karachi trong bốn ngày qua. 80 người khác qua đời trong các bệnh viện tư.
Nhiều nạn nhân là người có tuổi
Nhiều nạn nhân là người già, thu nhập thấp.
Hàng nghìn người cũng phải nhập viện và một số trong tình trạng nguy kịch.
Thời tiết nóng không phải chuyện lạ trong những tháng hè ở Pakistan, nhưng tình trạng mất điện khiến cho người dân vô cùng bức xúc.
Một số cuộc biểu tình đã nổ ra ở một vài nơi tại Karachi, người biểu tình chỉ trích chính phủ cũng như công ty điện.
Một người dân Karachi tên là Iqbal nói với BBC rằng người nhà của ông không ai dám ra đường đi làm vì quá nóng.
Ông này than phiền: "Trong khu vực của chúng tôi, không có điện từ sáng. Chúng tôi nói nhiều lần nhưng không có phản hồi gì từ công ty điện K-Electri".
Theo cơ quan dự báo thời tiết Pakistan, nhiệt độ sẽ giảm từ thứ Ba trở đi.
Năm 1979 là năm nóng nhất ở Karachi, với nhiệt độ lên tới mức kỷ lục 47 độ C.
Tháng trước, gần 1.700 người tử vong vì nắng nóng ở Ấn Độ.
Theo BBC Vietnamese