Sởn gai ốc với tục chôn người chết sát vách nhà

Jolie

Member
(ĐSPL) Không chỉ người miền Tây, người dân xứ Quảng cũng có tục chôn xác người thân ở ngay trong phần đất của gia đình. Tục lệ này đã có từ lâu đời, và cho đến nay người dân trong vùng cũng không có ý định thay đổi. Một phần do thói quen, một phần do tâm lý muốn được gần gũi người thân của những người còn sống.
Ansinhxahoi-huyen1.jpg

Nơi "sống cùng người chết" với những ngôi mộ được chôn cất ngay sát nhà.
Hãi hùng những xác chết quanh nhà
Ở những ngôi làng trong vùng huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam), người dân chỉ chôn xác người chết ngay sát nhà hoặc phía trước sân. Họ cho rằng chôn người chết gần nhà vì muốn được hằng ngày nhìn thấy những người thân của mình. Ông Nguyễn Hai, một người cao tuổi sống ở xã Quế Thọ cho hay: "Trước đây ở trong vùng còn nhiều núi rừng rậm rạp, lo sợ có những loài thú dữ sẽ ăn xác chết nên người dân chúng tôi mới chôn gần nhà để cho người thân của chúng tôi nằm yên. Ai cũng sợ sẽ có thú dữ tới ăn thịt người mất, vì trước đây có nhiều xác chết chúng tôi đem chôn ở trên núi nhưng sáng hôm sau lên thấy đất đai xung quanh đám mộ có dấu chân của thú dữ bới tung. Lúc bấy giờ người dân trong vùng đã đi tìm vết tích của những loài thú ăn xác chết nhưng không tìm ra, lo sợ sẽ bị ăn mất xác nên dân làng trong vùng quyết định không chôn ở trên núi xa nữa, mà đem về chôn ở gần nhà. Cho đến bây giờ người dân nơi đây vẫn giữ tục chôn gần nhà này".
"Vì lúc xưa còn nghèo, người chết chỉ có bọc trong những chiếc lá hoặc chiếc chiếu đơn giản chứ không như bây giờ là có quan tài, nên việc chôn người chết ở xa dễ bị thú dữ đến phá. Chính những lo sợ như vậy nên người dân chúng tôi quyết định chôn người chết gần nhà. Trước đây cuộc sống còn đơn giản nên chúng tôi cũng chôn người chết đơn giản như vậy", ông Hai lý giải thêm. Ngoài lý do vì thú dữ người dân ở đây còn muốn chôn những người thân của mình gần nhà vì muốn chăm sóc hương cúng hằng ngày cho họ. Vì muốn được những người thân đã mất của mình có thể chứng kiến được sự thay đổi của con cháu họ hiện tại. Với quan niệm người chết và người sống cũng có những mối liên hệ thân mật với nhau.
Đi vòng quanh những khu vực của xã Quế Thọ, chúng tôi bắt gặp những ngôi mộ được chôn san sát trước cửa của nhà dân. Người dân ở đây kể lại, trước đây không có đất, chỉ có địa chủ mới đất nhiều. Khi người nhà họ mất xin địa chủ đất họ không cho, bí quá nên dân làng phải chôn ngay trong nhà mình, vì chôn ngoài núi lỡ thú dữ đến phá rồi ăn mất xác thì tội. Hiện tại do nhà ai cũng có đất đai rộng nên việc chôn người chết gần nhà là cho tiện. Chỉ những ai không có đất mới đem chôn ở nghĩa địa.
Lệ quen không muốn thay đổi
Giờ tuy không còn thú dữ, không còn những điều làm người dân lo lắng nhưng họ vẫn không muốn chôn xác người mất xa nhà, điều này như đã trở thành một tục lệ của làng. Những người già trong làng cho biết hiện nay con người đông hơn trước, thú dữ cũng không còn thấy nữa nên không cần phải lo việc chôn cất xa sợ thú dữ phá nữa. Bà Trần Thị H. (85 tuổi, ngụ xã Quế Sơn) cho biết: "Giờ chúng tôi cũng biết không nên chôn gần nhà nhưng mà thành thói quen, không thể bỏ được. Có lúc chúng tôi cũng khuyên bà con trong vùng nên chôn người chết xa nhà, nhưng họ không chịu. Vì họ cho rằng chôn người chết gần nhà cho an toàn không phải lo như trước đây. Trước đây chôn ở rừng mình không quản được thì thú dữ sẽ tìm cách ăn thịt hoặc phá phách, làm như vậy mình có lỗi với người đã khuất".
Nhiều người dân trong vùng còn cho rằng việc chôn người mất ngay sát nhà tạo cho họ cảm giác được che chở, bao bọc chứ không có những cảm giác sợ hãi hay có điều gì cấm kỵ. Họ cho rằng giờ quen với việc nhìn người mất chôn sát nhà nên không có vẻ gì sợ hãi. Thêm nữa, giờ chôn cất cũng được xây bằng xi măng nên cảm thấy bình thường. Chúng tôi gặp cô Bùi Thị T., khi cô đang thắp hương lên mộ của chồng mình. Cô cho hay: "Nhiều người cũng nói việc chôn người mất gần nhà là ô nhiễm, nhưng những việc này giờ chúng tôi đã quen. Tôi cũng thấy tiện vì sớm hôm lúc nào cũng có thể thắp nén hương cho chồng, mà không phải đi đâu xa. Người đã khuất cũng thấy gần gũi, không phải cô đơn một mình".
Trường hợp của bà K. thì khác một chút, trước đây bà chôn người con trai của mình ở trên núi nhưng không thấy yên tâm, lúc nào cũng thấy cảm giác khó chịu. Vì vậy bà mới cùng con cháu đem người con xấu số của mình về chôn sát nhà. Kể từ đó ở trong họ hàng của bà không ai đem chôn người ở xa nữa. Tuy nhiên, với những người từ nơi khác đến sinh sống, nhìn những ngôi mộ của người đã khuất thường mang lại cho họ cảm giác lạnh lẽo và sợ hãi. Chị H., một giáo viên tiểu học từ nơi khác tới, thấy khắp nơi là những ngôi mộ sát nhà cũng thấy sợ, nhưng vì ở lâu cũng quen dần. Chị tâm sự: "Lúc đầu mới về đây công tác, nhìn khắp nơi toàn là mộ nên không dám đi ra ngoài. Có lúc buổi tối không ngủ được vì thấy cảm giác rùng rợn, nhưng giờ vì quen với tục lệ nơi đây nên cũng không thấy sợ lắm".
Những người già khi gặp chúng tôi, họ đều cho biết mình đã chuẩn bị được nơi sau này mình nằm rồi, không lo nữa. Con cháu được dặn dò kỹ về việc ngôi mộ đặt ở đâu trong vườn để họ nằm xuống sau khi mất. Nhìn xung quanh khu vực này chúng tôi thấy khắp nơi là những ngôi mộ. Có lẽ những ai lần đầu tiên đến đây sẽ có cảm giác rùng rợn, sợ hãi. Cuộc sống lẫn lộn của người sống với những ngôi mộ người chết nằm bên cạnh nhau ở vùng gây nên một cảm giác lạ cho những ai đặt chân đến vùng đất này. Trong suy nghĩ của những người trẻ, nếp văn hóa tang ma này cũng ăn sâu vào tâm trí họ. Họ không hề có ý định thay đổi tục lệ có từ lâu đời mà ông bà mình để lại.
Tích cực tuyên truyền cho người dân nhận thức vấn đề
Nhiều câu chuyện xung quanh việc chôn người chết gần nhà, chúng tôi quyết định tới cơ quan chính quyền tìm hiểu rõ hơn. Ông Nguyễn Mậu Hẹn, Chủ tịch xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức cho biết: "Trước đây, người dân không có đất, vì đất nằm trong tay địa chủ nên họ mới chôn sát nhà. Bởi lúc bấy giờ nghe lời đồn về thú dữ quậy phá những ngôi mộ trên núi nên không ai dám đem xác lên đó chôn. Chính những điều đó tạo thành thói quen của người dân trong vùng cho đến ngày nay. Hiện nay chúng tôi cũng đang trong quy trình thực hiện tuyên truyền người dân chôn theo nghĩa địa. Giờ chỉ có biện pháp tuyên truyền cho người dân nhận thức được vấn đề, vì dù sao những điều đó cũng đã in sâu trong đời sống của họ, nên chưa thể áp dụng những biện pháp mạnh".
Đinh Hiền

Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn



 
Back
Top