Họ chỉ xuất hiện khi biển đông khách. Trong lúc nhiều người hòa vào dòng nước mát đùa vui với những con sóng vỗ bờ thì họ mải mê kéo, cào. Lần đầu đến tham quan, nghỉ dưỡng ở bãi sau, khách cứ ngỡ họ cào nghêu đẩy ốc. Ai ngờ họ đang mê mải sục biển tìm… vàng do các du khách trong lúc tắm biển đánh rơi với đủ món trang sức đắt tiền như hoa tai, dây chuyền, nhẫn kim cương, cà-rá…
Nghề mong sóng to gió lớn
Biển Vũng Tàu có nhiều bờ bãi như Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dâu, Bãi Dứa nhưng chỉ có Bãi Sau với doi cát vàng uốn cong hình chữ S mới được du khách gần xa xem là thiên đường nghỉ dưỡng. Đang còn trong "tháng ăn chơi" nên ngày nào bờ bãi nơi đây cũng đặc ken bóng khách đến nhảy sóng gội nắng.
Tay cầm "cần câu" cào vàng là một lưỡi thép được uốn cong hình lưỡi liềm với hàm răng cưa nhấp nhô như hàm cá mập, anh thanh niên tên Vàm đậm người, da đen nhẻm, tóc cháy vàng, nheo mắt nhìn về phía biển tặc lưỡi: "Hôm nay gió lớn, sóng to nên dễ cào". Dứt lời, Vàm cầm "cần câu" xông thẳng về phía trùng dương, nơi có hơn chục người đang nhảy sóng nuôi hy vọng "nhặt vàng, thấy ngọc".
Giới thiệu mình tên Hùng, 36 tuổi, có thâm niên mót vàng hơn 4 năm qua, người đàn ông cho biết, sóng to gió lớn sục vàng hơi cực nhưng dễ dính vàng: "Sóng lớn sẽ khiến không ít khách đi tắm biển bị rớt nữ trang. Sóng lớn cũng sẽ khiến mọi vật dưới đáy biển, trong đó có vòng vàng trôi nổi lập lờ giữa dòng chảy. Khi ấy mình chỉ việc quo lưỡi cào cầu may. Chứ bình thường sóng êm, mọi thứ đều nằm lẫn trong cát chẳng thể sục vớt gì được".
Anh thanh niên tên Toàn chia sẻ: "Nghe qua tưởng ngon ăn nhưng để có được vàng chằn ăn lắm! Trên bờ cái lưỡi cào chỉ nặng khoảng 2kg nhưng xuống nước, khi phải quơ trước quơ sau bị sức nước cản, bị sóng níu mà nó nặng hơn gấp chục lần, sục đến rã bả vai".
Kẻ trúng đậm – người đói meo
Sóng mỗi lúc một lớn vẫn không thể cản ngăn hy vọng tìm được vàng của dân sục biển. Cứ sau mỗi con sóng, từng người trong họ lần lượt thu lưỡi cào, dùng tay nâng mẻ lưới lổn ngổn vỏ sò, rong biển… xem trong ấy có lẫn sợi dây chuyền, chiếc nhẫn vàng nào không. Tiếc là hôm nay chẳng có ai được thủy thần biệt đãi, chẳng bù cho ngày hôm qua và những ngày trước đó, có người như ông Mai, anh Bường, anh Hoảnh trúng hết bông tai đến dây chuyền, chỉ trong vài ngày sục biển mà kiếm được mấy triệu bạc. Anh chàng "thợ sục" tên Toàn thở dài: "Nghề này vậy đó ông ơi, lúc trúng ào ạt, khi đói meo râu. Người may mắn thì trúng hoài, có kẻ sục biển mấy tháng trời nhưng tay trắng vẫn hoàn tay trắng".
Một nhóm người đang nỗ lực sục biển mót vàng
Toàn là một trong nhiều kẻ không may ấy. Toàn tâm sự: "Trước đây tui kiếm sống bằng nghề khuân vác nước đá cho chủ thuyền đi đánh bắt cá ngừ đại dương ở cảng Bến Đá. Trong một lần vác mang, tôi bị trượt chân, toàn thân đập mạnh vào mạn tàu bị chấn thương đốt sống lưng nên không thể vác nặng được, đành chuyển sang nghề nạy hàu ở khu Bãi Trước. Làm được hơn năm nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, hôm nào nạy giỏi lắm cũng chưa được trăm ngàn (100.000 đồng), đang lúc chán nản thì nghe có mấy người trong lúc cào sò dính dây chuyền, lắc vàng nên tôi cùng nhiều người khác đổ xô xuống biển cầu may. Riết rồi thành nghề. Nhưng số tui hẩm hiu lắm".
Cậu nói mà giọng run run vì tủi thân: "Tui sục biển gần hai năm. Trong khi nhiều người nhờ trúng vàng mà tậu xe máy, sắm sửa vật dụng gia đình đàng hoàng thì tui nợ nần chồng chất, lúc may lắm chỉ dính được vài cái hoa tai bằng vàng tây bé xíu xiu. Lắm lúc hận quá tôi đập gãy lưỡi cào quyết bỏ nghề nhưng sau lại lần xuống biển cố kiếm vận may. Ở đây từng có người trúng dây chuyền vàng nặng đến hai lượng đó".
Ngồi rít thuốc liên tục để xóa tan cái lạnh cắt da cắt thịt sau hơn 3 giờ đồng hồ trầm mình dưới nước, một thợ sục tên Quân trò chuyện: "Bên cạnh canh bạc may ít rủi nhiều, dân sục biển tụi tui thi thoảng nhận được những "đơn đặt hàng" của du khách khi lỡ đánh mất kỷ vật thiêng liêng lúc đùa vui với sóng nước. Thù lao cho những thương vụ này bao giờ cũng vượt xa giá trị thật của món đồ được tìm lại. Chính tôi có lần được một đại gia ở TP HCM thưởng nóng 5 triệu đồng cùng sợi dây chuyền vàng 3 chỉ vì đã giúp ông này tìm lại mặt của sợi dây chuyền bạc vốn là kỷ vật do cụ thân sinh để lại".
Vì vàng… biển khổ!
Lúc cao điểm của mùa du lịch, đặc biệt vào những ngày cuối tuần, hoạt động sục biển tìm vàng của những người như Quân, Toàn, Hùng, Vàm… trở thành điểm nhấn khá thú vị, thu hút nhiều khách du lịch đứng xem và thi nhau chụp hình. "Ngó lãng mạn vậy chứ nạn sục vàng để lại nhiều mối nguy cho khách tham quan. Tuy không trực tiếp nhưng hoạt động này đã gián tiếp khiến không ít du khách phải chết oan mạng đấy" – một người dân ở thành phố biển, bỏ nhỏ.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, do có quá nhiều người sục biển mà bờ bãi ở khu vực Bãi Sau bị biến thành những ao sâu có đoạn kéo dài hàng trăm mét. Thực trạng này đã làm thay đổi dòng chảy, tăng nguy cơ lở lói làm ảnh hưởng tới cảnh quan du lịch và đặc biệt gây nhiều hiểm nguy khôn lường cho khách tắm biển. Trước thực trạng này, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh cùng các ban, ngành liên quan sớm có biện pháp chấn chỉnh hoạt động xâm chiếm bãi biển của những nhóm người sục biển tìm vàng.
(theo tintuconline)