Tâm sự của nữ đạo diễn làm khán giả rơi nước mắt

KuteJac

Newcaster


"Có nhiều câu thoại trong phim mà khi xem lại nó vẫn khiến tôi rơi nước mắt. Đó là những câu tôi rút ra từ tâm can', đạo diễn Thái Huyền tâm sự.



Thực ra tôi cũng có hoang mang



- "Người trở về" là một phim nhiều cảm xúc và đã gây sốt rạp chiếu ngay khi ra mắt. Đây cũng được coi là bước đột phá của dòng phim chiến tranh với màu sắc nữ tính. Khi làm phim này, chị có ý định tạo nên màu sắc rất phụ nữ cho phim?



- Cũng đồng thời là biên kịch của Người trở về nên đôi chỗ mình viết không hề chủ động tạo nên một màu sắc nữ tính nào đâu. Cái đồng cảm về giới tính, số phận và chính cuộc sống của mình được gửi gắm rất nhiều trong bộ phim này. Nó gần như là sự vô thức.



Tôi nghĩ nếu muốn khán giả đồng cảm với phim thì đầu tiên mình phải làm cho mình cảm thấy bộ phim là tấm lòng của mình, rút ra từ bản thân mình, ít nhiều chạm vào cảm xúc khán giả. Có nhiều câu thoại trong phim mà khi xem lại nó vẫn khiến tôi rơi nước mắt. Đó là những câu tôi rút ra từ tâm can, từ những gì trải qua trong cuộc sống mà không phải lúc nào cũng có cơ hội bày tỏ. Do vậy khi xem xong phim dù ít dù nhiều khán giả sẽ cảm nhận được đời sống nội tâm người đạo diễn gửi trong đó.



- Khi phim công chiếu, chị có đo được việc phim tạo ra một cơn sốt như vậy, đến độ các phòng chiếu phải kê thêm ghế nhựa còn khán giả thì lên mạng để khoe là họ khóc hết nước mắt về phim của chị?



- Khi phim ra rạp là có nghĩa nó đã vượt qua tầm kiểm soát của mình, nghĩa là mình phải đón nhiều luồng dư luận khen chê. Mà Người trở về thực chất là phim cúng cụ và chiếu trong toàn quân, tức là không mở rộng biên độ chiếu. Vì vậy mình không thể khống chế sự an toàn của nó, nếu xét về sự an toàn với dòng phim chính trị. Bản thân tôi khi đưa phim ra chiếu là đã có sự tự tin ít nhiều rằng nó sẽ giành được thiện cảm của khán giả.



Nhưng quả thật là việc Người trở về được đón nhận trong thời gian qua là vượt quá sức tưởng tượng của mình. Các ngày chiếu sau đông hơn ngày trước và càng về sau càng không thể tưởng tượng được, đến mức không kịp chuẩn bị rạp chiếu. Cuối cùng là cụm rạp Kim Đồng quyết định mở phòng lớn nhất 450 chỗ chuyên chiếu phim bom tấn mà rất ít khi dùng tới để dành choNgười trở về, và kín chỗ. Đó là hạnh phúc ngoài sức mong đợi của tôi.



tam-su-cua-nu-dao-dien-lam-khan-gia-roi-nuoc-mat-c25121.jpg



Người trở về đã chính thức được chọn tranh giải Bông Sen Vàng tại LHP VN 19 diễn ra tại TP  HCM vào tháng 12 tới.



Làm những gì mình cảm thấy sướng



- Ngay phim điện ảnh đầu tay chị đã chọn phim chiến tranh, chưa kể đây là dòng phim khó bán vé trong bối cảnh phim thương mại tràn lan và luôn bám vào mấy chuyện giật gân rẻ tiền để câu khách. Làm phim tử tế trong bối cảnh đó chị có oải không?



- Nói là oải thì có. Phim của đồng nghiệp nào ra rạp gần đây mình cũng đi xem hết, xem để ủng hộ và để xem tại sao những phim giải trí mà người ta gọi là nhảm lại bán được vé và thu lợi nhuận cao. Thực ra tôi cũng có hoang mang. Có lúc thấy chuệch choạc trên con đường đi của mình. Bởi tôi cũng nhận được một số lời mời tham gia làm các phim giải trí và bị lay động. Bị lay động ở chỗ nếu làm phim giải trí thì sẽ tiếp cận với khán giả tốt hơn.



Tiếp theo đó, khi làm phim giải trí thì tên tuổi mình cũng được khán giả biết đến nhiều hơn, nói trắng ra kinh tế cũng tốt hơn nhiều. Nhưng không phải là sáo rỗng, mỗi lần đi thăm thầy Khắc Lợi của tôi, nghe thầy nói về các phim thầy đã làm, về những hoài bão thầy chưa làm được nên tôi nghĩ nếu không có một thế hệ trẻ tiếp tục làm điều đó mà cứ mải mê chạy theo đề tài giải trí thì sẽ ra sao? Đã đến lúc cần có 1 thế hệ tiếp nối, nên dù có không tự tin mình cũng phải làm thôi.



- Không chỉ Việt Nam mà trên thế giới cũng không có nhiều nữ đạo diễn thử sức với dòng phim chiến tranh, chị quá mạnh mẽ hay quá liều khi chọn làm "Người trở về'" để chào sân điện ảnh?



- Đó một phần là nhiệm vụ. Thứ hai, là đạo diễn, ai cũng muốn thử sức, muốn làm cái gì mình chưa làm. Tôi cũng nhận được khá nhiều lời mời làm phim cả về điện ảnh và truyền hình. Nhưng tôi không vội vã nhận lời vì cảm thấy kịch bản chưa phù hợp, hoặc lặp lại những đề tài tôi đã từng làm trước đây. Tôi muốn thử sức mình ở nhiều mảng đề tài khác nhau. Người trở về giống như một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp mà lãnh đạo ĐAQĐ đã giao cho tôi. Lần đầu tiên tôi được làm phim chiến tranh mà lại trên chất liệu phim nhựa. Mọi người nói tôi quá liều và mạo hiểm. Nhưng tôi thì cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời để tôi thử thách tay nghề.



- Do vậy sắp tới chị đột ngột chuyển qua phim kinh dị để thử thách bản thân?



- Đó cũng là một lý do. Thực ra làm mới đồng nghĩa với mạo hiểm vì nó không phải là thứ mình quen thuộc. Nhưng mình phải tự thuyết phục mình có thể làm tốt những dòng phim đó như những gì mình đã thể hiện. Còn cứ mãi làm phim chiến tranh thì có nghĩa mình mặc định chỉ có thể làm những phim như vậy. Đáng lẽ với đà thành công Người trở về tôi nên tiếp tục với đề tài này. Tuy nhiên, con người làm nghề được bao lâu đâu nên hãy làm những gì mình cảm thấy sung sướng và biên độ an toàn thấp thôi để thử sức mình.



Chồng thì càng không bao giờ độc quyền



tam-su-cua-nu-dao-dien-lam-khan-gia-roi-nuoc-mat-8559f5.jpg



Đặng Thái Huyền trao đổi công việc với Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn chuyên về phim chiến tranh.



- Nghe nói nhiều hãng phim muốn ký hợp đồng làm phim độc quyền vài năm với Đặng Thái Huyền, sao chị không nhận lời?



- Có khá nhiều nhà sản xuất muốn mời độc quyền và tôi coi đó là tín hiệu vui vì họ có trân trọng khả năng của mình, yêu quý mình thì mới dành cho mình sự ưu đãi và thịnh tình như vậy. Sau này chưa biết thế nào nhưng trước mắt tôi sẽ không nhận lời. Vì nếu độc quyền mình sẽ phải làm theo kịch bản họ đưa, theo định hướng chiến lược phục vụ kinh doanh của họ và mình sẽ phải thỏa hiệp.



Nhu cầu vật chất của tôi có nhưng không quá nhiều đến độ phải làm như vậy. Tôi muốn làm những kịch bản mình thích, mình say mê với nó chứ không phải theo định hướng của người khác. Tuổi thọ người đạo diễn thực ra không cao nên tôi muốn làm những gì mình thích. Nếu ký hợp đồng độc quyền với hãng phim, bị vắt như quả chanh trong vài năm rồi đến khi muốn quay lại làm những gì mình muốn thì đã qua mất thời kỳ sung sức nhất rồi. Đó là lý do tôi tuyên bố: "Đừng ai mời tôi độc quyền".



- Chỉ có chồng được độc quyền thôi phải không?



- À chồng thì lại là thứ không bao giờ được độc quyền (cười). Tôi nghĩ đàn ông là khó độc quyền nhất trên đời. Mà có lẽ có muốn cũng không được.



- Sở hữu một bà vợ cá tính và cứng tính như thế này chắc ông chồng nào cũng mệt nhỉ?



- Bạn nghĩ là có mệt không? (cười). Thực ra tôi không bao giờ lầm lẫn hai khái niệm công việc và gia đình.



- Ở nhà chị vẫn làm tốt vai trò một người phụ nữ?



- Tôi không cho là mình làm tốt. Ai nói rằng mình làm tốt tất cả mọi thứ là nói dối. Tôi cho rằng nếu có bất cứ sự thiệt thòi nào đó nếu có thì mình phải chấp nhận thôi vì phụ nữ sinh ra vốn đã thiệt thòi. Và đừng hy vọng có cuộc sống tròn trịa về mọi thứ, công việc hoàn hảo, gia đình viên mãn, công danh sự nghiệp rực rỡ… Tất cả những thứ đó đàn ông có thể có nhưng với phụ nữ thì hơi khó, và mình phải chấp nhận thôi. 



Theo Hoàng Vy/VietNamNet









 
Back
Top