"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Victor Vũ mang đến cho khán giả cảm giác lưng chừng hơn là những xúc cảm trọn vẹn, đặc biệt là về tình yêu học trò.
Phải thú nhận ngay từ đầu, tôi đã "miễn cưỡng" đi xem phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Tôi bị vị đạo diễn gốc Việt mà tôi yêu thích nhất – Victor Vũ thúc ép. Sau những thể loại kinh dị, hài, anh bỗng quay ngoắt 180 độ sang làm phim… thiếu nhi. Tôi cũng bị chính mình thúc ép bởi nguyên tác truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thực sự hay. Ngoài ra, tôi cũng phải bằng bạn bằng bè vì họ liên tục “dội bom” về bộ phim trong nhiều ngày qua.
Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ vừa ra mắt khán giả vào ngày 2/10 vừa qua.
Sau khi xem, tôi thấy bộ phim của Victor Vũ khá hay và cảm xúc trong cách xây dựng tình cảm anh, em. Tuy nhiên, phim chưa thực sự xuất sắc. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh mang đến cho khán giả những lưng chừng cảm xúc hơn là một câu chuyện trọn vẹn về tình cảm gia đình, tình yêu học trò.
Những cung bậc cảm xúc trong tình anh em giữa Thiều và Tường được miêu tả rất sinh động trong phim. Đó là sự yêu quý, bảo vệ, vị tha hay sự nhỏ nhen, ích kỷ đều hiện lên qua từng khuôn hình, chi tiết phim. Tôi nhìn thấy tình cảm của tôi và em trai mình trong đó, về những ngày ấu thơ nhiều sai lầm và cũng rất nhiều yêu thương.
Tôi gần như tức giận với sự trẻ con và nhỏ nhen của Thiều khi ném đá vào đầu làm Tường chảy máu ở đầu bộ phim. Nhưng rồi chính tôi cũng rơi nước mắt khi thấy Tường nằm đau đớn trên sàn vẫn cố nói với theo “Đừng bảo ba là anh đánh em”; hay cảnh Thiều ngồi khóc giữa màn mưa vì những lỗi lầm cậu gây ra với người em trai.
Tôi cũng nhớ như in cảnh hai anh em đồng tâm hiệp lực đánh thằng Sơn rất láu cá; hay cái ôm đầy nương tựa khi cả hai cùng bị chú Đàn kể truyện ma.
Hứng thú và yêu thích câu chuyện tình anh em ra sao, tôi lại thất vọng bấy nhiêu khi Victor Vũ bắt đầu kể những câu chuyện tình yêu trong phim. Trong nguyên tác Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, tôi rất thích những đoạn Nguyễn Nhật Anh nói về tình yêu giữa các cặp đôi.
Tôi càng thất vọng hơn khi đạo diễn gần như bỏ qua một hướng khai thác gợi lên nhiều cảm xúc nhất chính là tình yêu học trò.
Tình yêu giữa Thiều và Mận được miêu tả chưa đậm nét trong phim.
Rất nhiều người đi xem phim về tỏ thái độ không hài lòng khi đạo diễn Victor Vũ đã “cắt xén” quá nhiều các câu chuyện tình yêu hồn nhiên của các nhân vật trong nguyên tác. Tôi đồng ý với ý kiến này. Tình yêu kiểu “làm theo người lớn” giữa Thiều và Xin hoàn toàn vắng mặt trong phim. Tình yêu kiểu công chúa – phò mã của Tường và Nhi hay bất chấp mà bỏ trốn của chú Đàn và chị Vinh lại được xây dựng quá nhạt nhòa và thiếu điểm nhấn.
Tôi không nghĩ rằng tình yêu thuở học trò của những cô bé, cậu bé trong độ tuổi 14, 15 lại.. nhạt như vậy. Hai câu thơ “Nắng mưa là bệnh của giời/Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” của nhà thơ Nguyễn Bính trở đi trở lại nhiều lần trong bộ phim nhưng khá vô nghĩa. Tôi và có lẽ nhiều người khác chưa thấy được tâm trạng tương tư “như đứng đống lửa như ngồi đống rơm” của nhân vật Thiều.
Trong nguyên tác, Thiều vì hạnh phúc đã để lộ bí mật cho chú Đàn khi cậu ngủ chung giường với Mận mà chỉ cách một chiếc gối. Nguyễn Nhật Ánh đã miêu tả được cái háo hức, niềm hạnh phúc của cậu khi nói “Sáng ra con Mận ôm con chặt lắm, trộm không khiêng đi được đâu”. Và chú Đàn nhẹ nhàng giãi bày “Bạn của con không sợ ma đâu. Bạn của con đang sợ sự trống trải. Con nên luôn ở bên cạnh bạn, nha con!”. Chỉ một cuộc trò chuyện ngắn giữa Thiều và chú Đàn, khán giả có thể cảm nhận được cái sự tương tư trong suốt nhiều ngày khó chịu.
Đạo diễn Victor Vũ không hoàn toàn bỏ qua các câu chuyện tình yêu nhưng lại chưa dẫn dắt đi đến đỉnh điểm mà chỉ dừng lại ở lưng chừng. Người xem thắc mắc liệu chuyện tình cảm sẽ ra sao khi Mận chia tay Thiều lên thành phố sinh sống. Câu chuyện của chú Đàn và chị Vinh liệu sẽ đi đến đâu sau một vài giây phút ngắn ngủi trên phim.
Với riêng tôi, đạo diễn đã xử lý khá vụng về khiến cho khán giả không thấy thỏa mãn. Cũng chính vì thế mà người xem không ngừng đặt câu hỏi về câu chuyện tình yêu trong phim.
Diễn viên nhí Thanh Mỹ chưa thực sự phù hợp với vai Mận của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Victor Vũ gần như đã “sai” khi chọn diễn viên cũng như đặt nhân vật này vào những bối cảnh phim. Với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Victor Vũ không nhất thiết phải chọn Thanh Mỹ vào vai Mận bởi ngay từ đầu, phim không cần ngôi sao để thành công khi ra rạp. Cái bẽn lẽn của Mận khi Thiều ngỏ lời “tao chỉ muốn chơi với mày thôi à” chưa thực sự là “mỏ neo” để khán giả thấy được câu chuyện tình tình yêu hiện diện trong phim.
Trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh, Mận đang ở tuổi 14 – 15, độ tuổi của một thiếu nữ bắt đầu dậy thì, nữ tính và trưởng thành hơn. Ở độ tuổi này, Mận cũng đã có nhiều sự thay đổi về mặt cơ thể. Thân hình cô bé sẽ ra dáng một người thiếu nữ xinh đẹp. Nhân vật này cũng sẽ biết những rung động đầu đời khi được khá nhiều các bạn trai để ý như Thiều, Sơn…
Tôi không phủ nhận diễn viên nhí Thanh Mỹ là gương mặt rất điện ảnh và có kinh nghiệm diễn xuất. Tuy nhiên, cô bé được lựa chọn vào vai Mận không hoàn toàn phù hợp. “Thiên thần nhỏ” của Victor Vũ chưa thể hiện được đúng những trạng huống của cảm xúc khi yêu, chệch tông trong bộ phim này.
Thịnh Vinh khá tròn vai trong phim.
Không chỉ riêng vai Mận của Thanh Mỹ, hai diễn viên nhí còn lại là Thịnh Vinh (Thiều) cũng chưa thực sự lột tả được nhân vật. Nhân vật Thiều được xây dựng hết sức rời rạc và thiếu logic. Một chàng trai 14 tuổi sẵn sàng đánh nhau với một người bạn cùng lớp để bảo vệ tình yêu sẽ ít khi ngắc ngứ trước một cô gái, vốn thân thuộc như Mận. Giá mà nhân vật Thiều mạnh mẽ và “láu cá” hơn, ít ra là trong cách thể hiện tình cảm với cô gái mà cậu cảm mến thì tôi sẽ thấy hài lòng hơn.
Là người cùng thời và gần như cùng tuổi nhân vật Thiều trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh nên tôi khắt khe hơn khi xem phim. Tuổi thơ tôi không chỉ đèm đẹp như trong phim mà gay cấn hơn nhiều. Tình yêu thuở học trò cũng không nhàn nhạt như những gì mà Victor Vũ thể hiện trong bộ phim?
Theo Zing