Tóc nối rước phiền hà

G

Guest

Guest
Có một mái tóc dài thướt tha bồng bềnh là mơ ước của phái đẹp. Cùng với các phương pháp làm đẹp hiện đại, nối tóc có thể giúp chị em biến mái tóc ngắn thành mái tóc dài.


toc-noi1.jpg
Hiện nay, nối tóc ngày càng phổ biến và trở thành trò phù thủy bình dân, gần gũi hơn với mọi người. Tuy nhiên, ít ai biết rằng tóc nối xong là cả những câu chuyện dài dòng, phức tạp, thậm chí,… rùng rợn nếu nghe qua sẽ chẳng ai dám nối tóc…


Đẹp thì có đẹp…

Nhiều lần cắt tóc nhưng vẫn không hài lòng, đột nhiên sau một tuần không gặp, H - cô bạn tôi bỗng dưng xuất hiện với mái tóc dài ngang lưng, đen, bóng mượt. Vài ngày sau lại thấy nhuộm vàng, uốn lọn trông rất quý phái. Hỏi ra, H tiết lộ mới đi nối tóc.

Muốn có một mái tóc dài bằng kỹ thuật nối tóc, bạn phải ngồi một chỗ khá lâu, khoảng từ 5-7 tiếng tùy theo số tóc nối ít hay nhiều. Nối một bộ tóc rất công phu và tốn kém, nối một bộ tóc ngắn phải mất ít nhất 1,5 - 2 triệu đồng, còn nếu nối tóc vừa dài vừa dày mất khoảng 3-5 triệu đồng. Thợ nối tóc phải có tính kiên trì và khéo léo để làm sao cho tóc nối lẫn vào với tóc cũ mà khó thấy sự khác biệt.

Còn việc nuôi dưỡng mái tóc đó sao cho đúng cách thì rất cầu kỳ. Bạn Bùi Trúc Linh, sinh viên trường ĐH Ngoại thương than phiền: “Em thấy tóc dài rất đẹp nhưng khi vừa nối tóc về cảm thấy hơi cộm, rối, gây khó chịu, đặc biệt là việc chăm sóc tóc rất tốn thời gian. Mỗi ngày thay vì 3 phút để chải tóc thì em mất đến nửa tiếng để trau chuốt trước khi ra đường và khoảng 3-5 tháng thì phải thay lớp tóc mới”.

Bạn M, sinh viên trường ĐH Luật rùng mình kể lại: “Vừa nối tóc xong, em được mấy đứa bạn cùng khoa rỉ tai, thấy bảo tóc để nối cho khách được cắt từ người chết và người bệnh phải phẫu thuật đầu từ các bệnh viện, thậm chí còn có tóc của người nhiễm AIDS, nếu nối vào không chừng sẽ bị lây bệnh. Sợ quá, ngay hôm sau em ra hiệu uốn tóc tháo ra luôn, thế là mất toi 2 triệu đồng.

Nhưng có ngày tóc không còn!

Nối tóc tuy đáp ứng được nhu cầu làm đẹp một cách siêu tốc của nhiều chị em song nó cũng mang lại khá nhiều phiền hà. Các mối nối nổi cộm lên không chỉ gây khó chịu cho da đầu mà mỗi tháng tóc dài thêm đẩy phần chân tóc giả dài ra khiến chúng trở lên lộn xộn, buộc phải cắt sửa lại.

Bên cạnh đó, việc chăm sóc mái tóc nối cũng không hề đơn giản. Khi chải đầu phải có lược riêng và không được chải vào các mối nối, khi gội không được vò mạnh mà chỉ đập nhẹ vào tóc nên tóc khó có thể sạch. Việc nối tóc khiến người gội đầu ít hơn bình thường. Do vậy, lượng bụi trên đầu sẽ tập trung nhiều hơn, đặc biệt là tại các mối nối nên sẽ làm tăng nguy cơ tóc bị chấy, nấm và mắc các bệnh nhiễm trùng khác.

Theo các bác sỹ Bệnh viện Da liễu Trung ương, việc nối và ép tóc là những tác động thô bạo đến cấu trúc tự nhiên của tóc, có thể gây chấn thương sợi tóc, làm tóc yếu và rụng nhiều. Bên cạnh đó, việc dùng hóa chất như keo có thể làm xơ tóc, gây dị ứng, viêm nang lông.

Với những người có mạch máu da đầu lưu thông không tốt hoặc bị bệnh viêm mũi, viêm xoang, hóa chất sử dụng nối tóc sẽ làm bệnh trở lên nghiêm trọng hơn. Nối tóc có 2 kiểu là dùng keo và chốt. Khi sử dụng keo, sau một thời gian tóc sẽ bị phồng tại các mối nối, ảnh hưởng đến sợi tóc tự nhiên và da đầu.

Đặc biệt khi mái tóc dài ra, các ngọn tóc bị chẻ, các mối nối sẽ bị gãy nên việc sửa lại sẽ gây hại rất nhiều cho tóc. Còn với cách nối bằng kẹp chì, khi sử dụng các hóa chất chăm sóc tóc như hấp nóng hay ép sẽ làm nóng chảy chì, gây nguy hiểm đến da đầu. Khi tháo kẹp chì ra chân tóc sẽ yếu và dễ gãy…

Không chỉ mang lại nhiều phiền hà, việc nối tóc cũng khá tốn kém. Chi phí cho mỗi lần nối tóc lên đến hàng triệu đồng và phải mất khá nhiều thời gian. Thông thường, khoảng 3 tháng là phải thay tóc mới. Bên cạnh đó, lớp tóc cũ cũng cần được thường xuyên bổ sung dưỡng chất bằng cách hấp hay xả khô, khiến chủ sở hữu mất khá nhiều thời gian…

Do đó, mỗi chị em trước khi quyết định nối tóc hãy suy nghĩ kỹ, để tránh vừa tốn tiền, mất thời gian mà còn có nguy cơ rước bệnh vào người…



Theo An ninh Thủ đô​
 
Back
Top