Tôi đã có một vé đi tuổi thơ với ‘Hoa vàng trên cỏ xanh’

KuteJac

Newcaster


 Bộ phim được làm từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh, chuyển thể gần như tinh thần của truyện, tuy nhiên, độc giả Nguyễn Văn Thắng không thích kết thúc được làm mới của phim.



Tôi đã đọc truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh khi còn là sinh viên. Hồi đó, mỗi lần vào siêu thị, tôi lại rón rén vào quầy truyện, đọc đến độ tê dừ hai chân, tối mò tối mẫm mới lê chân về ký túc xá.



Trở lại truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, hồi đó, tôi đọc đã thấy rất thích. Đến khi tôi được xem trailer, cảnh quay thật đẹp, cảm giác như được giới thiệu một tour du lịch trở về với tuổi thơ. Mỗi lần nhìn trailer, đọc lại truyện, lại mong ngóng đến ngày phim được công chiếu.



Ngày 1/10 phim công chiếu, tôi cần làm thỏa mãn nỗi mong ngóng của mình ngay lập tức.



Cảm giác đầu tiên khi xem phim là cảnh quay quá đẹp. Những cảnh thường ngày mỗi chúng ta gặp rất nhiều nhưng không mấy chú ý thì lên phim đẹp lạ lùng. Mỗi cảnh quay vừa có chút thân quen, vừa có gì lạ lẫm cần khám phá.



toi-da-co-mot-ve-di-tuoi-tho-voi-hoa-vang-tren-co-xanh-f7cf56.jpg



Ba diễn viên nhí trong phim.



Tôi như trở về tuổi thơ của chính tôi, với những trò chơi dân gian mà bây giờ, những bạn bằng tuổi tôi hồi đó, có những thú giải trí mới, hiện đại, thời thượng hơn, với iPad, iPhone hay những trò chơi điện tử.



Tôi nghĩ điều đó là đúng bởi xã hội hiện đại, con người cũng phải hiện đại hơn.



Có những cảnh phim, với nhiều người khác, họ chỉ thấy nên thơ, nhưng tôi như gặp chính mình, 17 năm về trước.



Khi đọc truyện, đến những đoạn đó, tôi cũng xúc động, nhưng khi những hình ảnh đó hiện ra trước mắt tôi trên màn hình lớn, tôi như gặp lại chính tôi của những ngày trẻ dại, như thấy bằng xương bằng thịt.



Tôi như thấy mình là đứa trẻ thường bị bắt nạt, bị trêu chọc vì nhiều lý do trong hình ảnh của Thiều. Hình ảnh Tường bị anh nện cho một gậy nằm bất động, rồi nhiều ngày sau đó chỉ nằm bất động, rên rỉ trên giường vì đau đớn. Gia đình có gì đều bán hết để lo chạy chữa cho Tường sao giống tôi quá.



Tôi không phải nằm bất động, rên rỉ như vậy nhưng gia đình tôi cũng phải bán hết tất cả những gì có thể, chạy vạy khắp nơi để lo chạy chữa cho tôi, vào 17 năm về trước.



Một năm ròng rã, kiên trì chạy chữa, kiêng khem rất nhiều thứ rồi cũng qua.



toi-da-co-mot-ve-di-tuoi-tho-voi-hoa-vang-tren-co-xanh-de1547.jpg



Bộ phim mang đến nhiều ký ức cho người xem về tuổi thơ.



Rồi mái nhà tranh, những bữa cháo loãng, những cánh đồng mía, cánh đồng ngô, đêm trung thu với đèn làm từ hộp sữa, nến là hạt bưởi (bòng) phơi khô trên màn hình lớn cứ nhòe đi trong mắt tôi.



Những hình ảnh giản dị, thân thương đó mất dần, mất dần trong xã hội hiện đại, đến khi thấy lại, ta chợt giật mình và nhẩm tính, đã bao lâu rồi.



Một điểm không thể không nói đến khi nhắc về bộ phim là dàn diễn viên nhí. Cả ba diễn viên đảm nhận ba nhân vật chính Thiều, Tường và Mận đều diễn rất xuất thần, cảm giác tất cả đều chân thực.



Những phân đoạn cảm xúc khó mà các diễn viên nhí diễn làm người xem sửng sốt vì không ngờ các bé diễn đạt đến như vậy. Điều này đóng góp một phần không nhỏ cho thành công của bộ phim.



Một điểm cộng nữa của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là nhạc phim rất tuyệt vời. Ca khúc Thằng Cuội được lồng hoàn hảo vào những phân đoạn buồn buồn, tạo cảm xúc đặc biệt cho người xem. Nhạc phim quá hay, quá xuất sắc.



Bộ phim được chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh, chuyển thể gần như tinh thần của truyện. Tuy nhiên, tôi không thích kết thúc được làm mới của phim.



Nếu như trong truyện, nhờ tiếng hét vang của Tường khi giải cứu công chúa Nhi khỏi vòng vây của đám trẻ trêu chọc, chế giễu, công chúa Nhi giật mình nhớ lại. Cũng tiếng hét như vậy của Tường nhiều năm về trước, cũng trong hoàn cảnh như vậy, mà tỉnh giấc mộng, trở về là Nhi của ngày nào.



Như miêu tả của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, công chúa Nhi là động lực để Tường sớm hồi phục, sớm đi lại được bình thường, và cũng nhờ Tường mà công chúa Nhi tỉnh mộng, trở về Nhi của ngày hôm qua, có đi có lại. Còn trong phim, Tường sớm bình phục vì công chúa Nhi, nhưng Nhi khỏi bệnh điên khùng là nhờ ngã đập đầu vào hòn gạch.



Kết thúc của truyện thi vị, lãng mạn bao nhiêu thì cái kết của phim lãng xẹt bấy nhiêu. Điều này làm nhiều người xem chưa đọc truyện cứ ngơ ngác, ngạc nhiên khi hết phim.



Tựu trung lại, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một hành trình trở về tuổi thơ nhiều xúc cảm, khiến cho người mua vé về tuổi thơ thỏa mãn với ký ức của mình.



Theo Zing









 
Back
Top