Tự sự của một người đàn ông thích ăn thịt chó

Jolie

Member
Mấy ngày nay đọc các bài viết qua lại về việc ăn thịt chó hay không. Bản thân tôi thấy có quá nhiều ý kiến bình luận hoặc bài viết đưa ra theo hai hướng: (1) tấn công cá nhân những người trái ý mình (không phải tấn công luận điểm) và (2) xét nét câu chữ để phản biện một luận điểm và nâng tầm bao quát hóa cho cả vấn đề.
Mục đích tôi viết ra bài sau chỉ để tóm tắt toàn bộ ý kiến về cả hai phía và đưa ra nhận xét chủ quan của bản thân. Tôi sinh ra ở thành phố và rất thích ăn thịt chó (bây giờ nghĩ lại vẫn thích). Tôi ăn lần đầu tiên năm 18 tuổi và năm nay tôi 30 tuổi. Nói ra để các bạn có chút thông tin về tôi và có lẽ hiểu thêm chút ít về kết luận ở cuối bài.
Tạm thời có hai phe tạm gọi là phe A (cổ vũ ăn thịt chó) và phe B (phản đối ăn thịt chó). Thử điểm qua luận điểm do cả hai phe đưa ra trong cuộc tranh luận về thịt chó hay không thịt chó, tôi có kèm theo phân tích theo chủ quan và cố gắng không phạm phải hai điều nêu ra ở đầu bài.

1366425580_20130415170830-thitcho15.jpg

Ảnh minh họa
Phe A (tán thành):
- Ăn thịt chó là truyền thống ở Việt Nam: chuyện này có lẽ là không phải quá chính xác vì chưa ai đưa ra được khẳng định đây là truyền thống từ bao giờ? Vài trăm năm nay hay từ bao giờ? Theo thiển ý của tôi, cho dù có là truyền thống thì cũng không quá phù hợp ở thời hiện tại, minh chứng qua việc có nhiều người theo phe B. Điều này không có nghĩa là người theo phe A là sai, chỉ có điều nếu muốn nói là truyền thống thì nên đưa thêm dẫn chứng để bảo vệ ý kiến, không thể chỉ nói ra hòng thuyết phục người khác mà không có dẫn chứng. Ngoài ra, có thể ăn thịt chó chỉ phổ biến ở miền Bắc, và do vậy khó có thể tổng quát hóa cho đây là truyền thống cả nước.
- Ăn thịt chó là một nét văn hóa ở Việt Nam: người dễ tính có thể đồng ý với điều này vì chung quy văn hóa ẩm thực là một nét văn hóa. Tuy nhiên, một lần nữa yếu tố vùng miền lại nổi lên, chúng ta khó có thể tổng quát hóa truyền thống (còn đang bỏ ngỏ chờ sự chứng minh) của một khu vực cho toàn bộ cả nước. Do vậy luận điểm này không đủ mạnh.
- Ăn thịt chó vì chẳng có gì để ăn vào thời khốn khổ: như một bài viết tôi đã đọc, tác giả kể lại chuyện đây là việc bắt buộc phải làm vào những lúc quá đói kém và không còn gì khác để ăn. Lúc này chó được coi như một loại thực phẩm như các loài vật khác để phục vụ cho con người. Luận điểm này khó có thể phản bác được vì đa phần mọi người bây giờ không ở trong hoàn cảnh của tác giả lúc khó khăn. Ngoài ra, để tồn tại thì đôi khi con người còn phải ăn những thứ còn khủng khiếp hơn chó. Tuy nhiên, ai cũng có thể thấy việc ăn thịt chó ở thời điểm hiện tại được coi là thú (một kiểu hưởng thụ) chứ không do bản năng sinh tồn. Nói cách khác, mọi người đều có sự lựa chọn (không chó thì gà, bò, cừu v.v.) chứ không phải đường cùng.
- Chê bai du khách người Pháp đã phản đối việc ăn thịt chó: đây là việc làm thấp cấp khi tấn công cá nhân thay vì luận điểm cho nên miễn bàn về việc này.
- Hàn Quốc và một số nước Châu Á khác cũng ăn thịt chó: luận điểm này (mặc dù đúng) chỉ góp phần làm giảm tính thuyết phục của phe A. Nếu coi đây là nét truyền thống và văn hóa thì không cần phải quan tâm đến các nước khác.

Phe B (phản đối):

- Ăn thịt chó là dã man: cảm tính vì ăn bất cứ loài động vật gì cũng đều dã man (còn tùy thuộc đĩnh nghĩa của dã man). Hơn nữa, nếu bạn từng chứng kiến việc giết mổ bò, lợn, gà thì có lẽ bạn cũng thấy ghê sợ như giết mổ chó thôi. Có bạn theo phe A còn chi tiết trình bày quy trình giết mổ các loài động vật để cuối cùng đi đến kết luận độ dã man của giết chó còn kém hơn giết các con vật khác [4]. Tóm lại, đây là luận điểm yếu nên dễ bị phe A phản bác lại.
- Chó là loài vật dễ thương: điều này quá cảm tính vì loài vật nào cũng dễ thương. Tôi tin nếu bạn nào nuôi chuột hoặc lợn lúc nó còn bé con thì cũng thấy vô cùng đáng yêu. Đây có lẽ là luận điểm yếu nhất.
- Chó là bạn của con người: điều này chỉ đúng với một số người nhất định (những người nuôi chó hoặc có tiếp xúc). Với những người chẳng có kinh nghiệm nào (ví dụ tôi) thì mối quan hệ giữa người và chó là rất hạn hẹp. Đối với tôi, chó và lợn chẳng khác gì nhau. Do vậy, luận điểm này có thể đúng hoặc sai (tùy vào người tiếp nhận), và do đó dùng luận điểm này sẽ không thuyết phục được toàn bộ (hoặc phần lớn) người ở phe A.
- Chó là loài thông minh: có rất nhiều loài vật thông minh và con người vẫn tiêu diệt. Ví dụ: cá mập cũng là loài khá thông minh, và hiện giờ chúng đang bị giết hàng trăm triệu con một năm chỉ để lấy vây. Thế nên thông minh không có nghĩa là không bị tiêu diệt. Ở đây không có ý cổ vũ cho việc giết hại cá mập hay bất cứ loài vật nào, chỉ muốn nhấn mạnh thông minh mang tính trừu tượng và khó có tính thuyết phục.
- Để văn minh thì không nên ăn thịt chó: văn minh ở đây có lẽ là định nghĩa thừa hưởng từ các giá trị do phương Tây đặt ra. Chính vì vậy khó có thể thuyết phục toàn bộ người Việt Nam vì sự khác biệt văn hóa.

Sau khi thống kê ý kiến của cả hai bên thấy mọi thứ nửa đúng nửa sai và rất dễ cuộc tranh luận rơi vào thế bế tắc vì chẳng ai chịu ai. Sau đây là quan điểm chủ quan của tôi, một người từ phe A và muốn đi sang phe B:

Tôi không ăn nổi thịt chó (hay rộng ra là các loài động vật khác) nếu biết rằng thứ mình đang ăn có thể là người bạn tâm giao của một ai đó. Hãy thử tưởng tượng một chú chim cảnh hay chó cảnh mình nuôi và hôm sau đã trên bàn tiệc. Hẳn những người chủ của vật nuôi đó sẽ đau buồn lắm. Tôi không có kinh nghiệm bản thân với các loài vật nuôi, nhưng tôi có thể hiểu được tình cảm giữa người và vật và tôi chọn cho mình việc tôn trọng chuyện này. Nếu chó là loài vật nuôi công nghiệp như gà, lợn, bò v.v. và người nuôi và loài vật không có nhiều quan hệ tình cảm, tôi cũng không đắn đo gì mà không gia nhập phe A. Có thể có người coi đây là nâng tầm quan điểm hay bản thân những người nuôi chó cũng ăn thịt chính loài vật mình nuôi. Nhưng xin nhấn mạnh rằng đây là ý kiến cá nhân tôi và tôi có thể khẳng định có rất nhiều người có tình cảm với loài vật mình nuôi và sẽ không bao giờ muốn chúng bị ăn thịt.
Nguồn gốc của thịt chó: Trước đây tôi vẫn ăn thịt chó và thấy hứng thú vô cùng (kiểu như bạn ăn một loại đặc sản), nhưng khi tìm hiểu về nguồn gốc thứ mình đang ăn thì thấy rất nhiều chuyện đau lòng về việc người trộm chó, người bị giết, v.v. Chỉ vì một miếng ăn mà dẫn đến tù tội và giết người liệu có đáng không? Theo hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi chưa từng nghe thấy có trang trại nuôi chó theo kiểu công nghiệp để làm thịt như lợn, gà, bò (có thể có nhưng tôi chưa từng biết). Có lẽ vì cách này tốn kém và không lợi bằng việc trộm chó. Do không có số liệu thống kê, nên ở đây tôi chỉ dám nói có số lượng rất lớn thịt chó hàng ngày tiêu thụ có nguồn gốc là do trộm cắp. Có lẽ đây là điều khác biệt căn bản giữa việc ăn thịt chó bây giờ và trong truyền thống.

Dựa vào hai luận điểm này, tôi thiên về hướng không nên ăn thịt chó, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Cho đến khi nào chúng ta có được trang trại (nuôi công nghiệp) và nguồn thịt đảm bảo (không thuốc mê, hay đánh đập loài vật v.v.), khi đó tất cả hoàn toàn có thể tự quyết định cho mình về việc có nên ăn thịt chó hay không. Và đến lúc đó, tôi tự hỏi tại sai lại không ăn nếu đây là một món ngon.
Đặng Vũ Hiệp



 
Back
Top