Tan giấc mộng vàng

Jolie

Member
Với mong muốn mau đổi đời, nhiều gia đình ở Đông Giang – Quảng Nam đã bỏ công việc đồng áng, học hành kéo nhau đi đào đãi vàng nhưng thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày.

Chưa bao giờ người dân ở xã Ba và xã Tư, huyện Đông Giang – Quảng Nam lại kéo nhau đến suối Gron đãi cát tìm vàng đông như những ngày qua. Sau cơn mưa lớn chiều 10-5, hàng trăm người đã bỏ bê việc đồng áng, học hành để đi đãi vàng.


Cơn sốt vàng ở suối Gron



Vượt con dốc Kiền thẳng đứng, chúng tôi đến suối Gron, đoạn chảy qua thôn Phú Son, xã Ba – khu vực người dân tập trung đãi vàng đông nhất – lúc giữa trưa. Bất chấp ánh nắng như thiêu đốt, khoảng 100 người vẫn lặn ngụp dưới dòng nước.



Theo ông Hứa Văn Thông, một người đãi vàng ngụ tại xã Ba, từ lâu, người dân địa phương đã gọi suối Gron là “suối vàng”. Mỗi ngày, tại đây có hàng trăm người dân đào bới, sục hút đất cát khiến suối Gron ngổn ngang như bãi chiến trường.



Người dân địa phương cho biết việc đào đãi vàng ở suối Gron bắt đầu xuất hiện từ năm 2007, khi một cậu bé chăn trâu lượm được một miếng vàng bằng móng tay út ở đây. Được tin, người dân liền đổ xô đến suối Gron đào đãi vàng.
Tan-giac-mong-vang_Tin180.com_001.jpg
Người dân Đông Giang, Quảng Nam đổ xô đi đãi vàng​

Mới đây, sáng 11-5, tin đồn về cơn mưa lớn chiều hôm trước làm trôi rất nhiều vàng cám trên thượng nguồn về đã khiến hàng trăm người dân địa phương như lên cơn sốt, kéo nhau đến suối Gron. Rất nhiều học sinh cũng được cha mẹ đồng ý cho bỏ học một ngày để phụ đãi vàng. “Chỉ là tin đồn thôi, có thấy vàng trôi gì đâu” – chị Nguyễn Thị Hạnh ở xã Tư tiết lộ.



Sau một ngày rộ lên, “cơn sốt vàng” ở suối Gron đã dịu lại nhưng mỗi ngày vẫn có gần 100 người dân đến đây tìm vàng. Họ dùng xẻng, máng và ray để xúc cát đá lọc tìm vàng. Cách đó không xa, trong vùng đồi núi cũng có rất nhiều phu vàng chuyên nghiệp từ phía Bắc kéo đến khai thác vàng trái phép.


Dễ mất mạng



Người dân đãi vàng ở suối Gron hầu hết không có công ăn việc làm ổn định. Với mong muốn đổi đời nhanh, nhiều gia đình đã bỏ công việc đồng áng, học hành kéo nhau đi đào đãi vàng nhưng thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày.



Ông Hứa Văn Thông cho biết vợ chồng ông thường đến đây đãi vàng nhưng chỉ đủ kiếm tiền mua gạo. “Không còn cách nào khác mới đi đãi vàng chứ nghề này vất vả lắm. Cả ngày ngâm mình dưới nước cũng chỉ kiếm được 50.000 – 70.000 đồng, ngày nào may mắn lắm mới được 150.000 đồng” – ông Thông tâm sự.



Cuộc sống gia đình anh Trần Văn Hạnh ở xã Ba còn khốn khó hơn. Vợ chồng anh từ nơi khác đến đây lập nghiệp, không có đất ruộng nên ai kêu gì làm nấy, khi hết việc lại mang đồ nghề ra suối Gron đãi vàng kiếm sống.
Vợ chồng ông A Lăng Bốn, ngụ xã Ba, dù đều trên 70 tuổi song ngày ngày vẫn phải lặn lội đãi vàng kiếm tiền đong gạo. “Vợ chồng mình già rồi, không ai kêu làm thuê nên phải đi đãi vàng thôi” – ông A Lăng Bốn bộc bạch.

Trong khi đó, vợ chồng chị A Lăng Ríu cưới nhau chưa được một năm thì chồng chị nghe lời rủ rê đã khăn gói vào rừng đãi vàng. “Đã 3 tháng rồi nhưng anh ấy chỉ đưa cho mình 1 triệu đồng. Mình bảo nghỉ nhưng anh ấy không chịu nghe” – chị Ríu rầu rĩ.



Theo người dân đãi vàng ở suối Gron, công việc này rất nguy hiểm, nhất là những ngày có mưa lớn hay lũ ống bất thường. Tại đoạn suối Gron chảy qua thôn Phú Son, đã có khoảng 10 người bị nước cuốn trôi khi đang đãi vàng nhưng may mắn được cứu sống.
Mới đây, em Trần Văn Cường, 13 tuổi, theo cha đãi vàng cũng bị nước lũ cuốn trôi cả 100m song đã được người dân đãi vàng ở đoạn suối bên dưới cứu kịp thời.
Bán ruộng cho chủ vàng​
Theo ông Nguyễn Văn Cân, Phó Chủ tịch UBND xã Ba, tại xã này chỉ có Công ty Đạt Phát được cấp phép khai thác vàng, trên 10 điểm còn lại khai thác trái phép.​
Hơn một năm trở lại đây, một số người dân địa phương nghe theo lời dụ dỗ của các chủ vàng đã bán đất nông nghiệp dọc suối Gron để họ khai thác vàng.
Người dân không có đất sản xuất rồi trở thành người đi làm thuê cho các chủ khai thác vàng trái phép. Chính quyền xã đã nhiều lần khuyến cáo nhưng người dân không nghe.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở xã Tư. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Phải, các hộ dân đua nhau bán vườn, ruộng và cả rừng trồng cho các chủ khai thác vàng trái phép.​
Mỗi sào đất ven suối giá 20 triệu đồng, những nơi dự báo có nhiều vàng thì giá lên tới cả 100 triệu đồng. “Người dân ham lợi trước mắt rồi sẽ không còn đất để canh tác” - ông Phải lo lắng. Hiện ở xã Tư có gần 50 hầm vàng với trên 400 người khai thác ngày đêm.

(theo tintuconline)​
 
Back
Top