Thà chịu "ế" vợ chứ không chịu bỏ trầu

Jolie

Member
Nguyên cả một làng toàn đàn ông ăn trầu thì dường như chỉ ở Phú Lễ, Cần Kiệm, Thạch Thất - Hà Nội mới có.
Từ bao đời nay, miếng trầu luôn được xem là một nét rất riêng của người Việt. Có lẽ vì thế, hình ảnh các cụ bà, các chị phụ nữ, các cô gái quê đi chợ, ra đồng, trong các dịp lễ tết, hội hè... bỏm bẻm miếng trầu trên môi là hình ảnh rất đỗi quen thuộc. Tuy nhiên, chuyện những người đàn ông “ăn trầu như ăn rau" thì không phải ở đâu cũng có. Và không chỉ một vài người mà nguyên cả một làng toàn đàn ông ăn trầu thì dường như chỉ ở Phú Lễ, Cần Kiệm, Thạch Thất - Hà Nội mới thế.

80 tuổi vẫn ăn trầu khoẻ hơn ăn cơm
Những ngày cuối năm, Phú Lễ rộn ràng như mở hội. Con đường bê tông dẫn vào thôn người xe qua lại tấp nập, không khí Tết như đang bao trùm khắp một vùng không gian. Tiếc là chúng tôi đến nơi thì phiên chợ sớm đã vãn, nhiều người đi chợ đã cất bước ra về.

Tuy nhiên, bên cạnh cây cầu Cần Kiệm bắc qua sông Tích vẫn còn mấy cụ bà đang dừng chân trò chuyện. Một cụ bà vừa giở gói trầu mời các "bạn chợ", vừa thở than: "Chưa đến Tết mà giá cau trầu hôm nay lên quá. Bình thường một chục cau có mấy nghìn bạc mà hôm nay đã lên hơn chục nghìn. Cứ đà này được bao nhiêu tiền lại dồn mua cau trầu dự trữ để đón Tết cho mà xem. Nhà em năm nay mấy cây cau cho quả kém quá, không đủ ăn...".

Hỏi ra mới biết, vào những ngày cận Tết, ở Phú Lễ, cau trầu luôn là mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất vì ở đây, người nào cũng biết ăn trầu. Nhà nào dù nghèo khó đến mấy thì ba ngày Tết cũng phải có được cặp bánh chưng và vài chục cau trầu để tiếp khách. Có lẽ vì thế mà ngay cả mấy cậu bé choai choai cũng thuộc làu câu nói: "Thuốc có thể thiếu, nước có thể không ngon nhưng cau trầu thì nhất quyết không thể không có".

Cụ Phùng Văn Kế, 85 tuổi - người được xem là có thâm niên ăn trầu "gạo cội" nhất của thôn cho hay: Tục ăn trầu xuất hiện ở Phú Lễ từ đời nào không ai hay biết. Ngọc phả của làng cũng không có dòng nào ghi lại tục này. Chỉ biết rằng, từ khi còn bé, con trai, con gái của làng đã được ông bà, cha mẹ tập cho ăn trầu. Đến khi lớn lên, miếng trầu như trở thành vật không thể thiếu trong các ngày lễ tết, hội hè, giỗ chạp, cưới xin, tang ma...

"Người thôn tôi vốn làm nông là chủ yếu, quanh năm làm bạn với bát chè xanh, chiếc điếu cày và đôi miếng trầu hôi. Nhưng có lẽ, chỉ duy nhất ở Phú Lễ này mới có đàn ông ăn trầu nhiều đến thế. Bất kể thanh niên hay người già, hễ cứ thấy trầu là không thể không ăn. Thậm chí đám thanh niên làng còn rủ nhau uống rượu với trầu làm khách các nơi đến đây cũng phải nhiều phen trố mắt ngạc nhiên" - cụ Kế kể.

Cụ Kế cho biết thêm, cụ biết ăn trầu từ lúc lên 8 tuổi. Tính đến nay đã gần 80 năm nhưng chưa một ngày nào cụ bỏ ăn trầu. Càng già lại càng thích ăn trầu nhiều hơn lúc trẻ. Một ngày của cụ, ít nhất cũng phải dùng đến dăm quả cau tương đương với vài chục miếng trầu.

"Thời của tôi, đàn ông, con trai còn ăn trầu nhiều hơn đàn bà con gái. Lúc đầu không phải ai cũng ăn được ngay mà phải tập. Ăn một vài miếng rồi cứ thế tăng lên và khi đã "ghiền" thì không thể bỏ".

Kỷ niệm nhớ nhất với cụ Kế trong gần 80 năm "làm bạn" với miếng trầu là những lần tập ăn trầu quế với thuốc lào bị say, miệng phỏng rộp, người mơ màng. Thậm chí có nhiều lúc bị nôn ra "mật xanh, mật vàng". Sau này, con trai và cháu trai cũng tập cho ăn trầu từ bé nên cứ đến ngày giỗ tết là trong nhà từ người lớn đến trẻ con, ai cũng "đỏ môi" cả ngày.

Làng đàn ông răng đen, môi chỉ
1295753378-an-trau1.jpg

Ông Đỗ Văn Chấn têm trầu để chứng minh trai làng Phú Lễ không ai biết ăn trầu mà không biết têm
Các cô gái thì thường "chấm điểm" các chàng trai bằng cách quan sát xem chàng nào ăn trầu đỏ thắm và ăn được nhiều trầu. Vì lẽ đó mà người Phú Lễ thường truyền nhau câu ca dao "Có trầu mà chẳng có cau/Làm nào cho đỏ môi nhau thì làm". Cũng vì nhà nhà ăn trầu, người người "nghiện" trầu nên ở Phú Lễ không nhà nào là không trồng ít nhất một vài cặp cau, một đôi giàn trầu. Và cũng không có nhà nào là không có một vài bình vôi để sẵn trong nhà bếp. Từng có một thời, nhiều hộ gia đình ở ven sông Tích còn xem việc trồng cau, trồng trầu để cung cấp cho người trong thôn như một hình thức kinh doanh.

Nhiều cụ cao niên còn tiết lộ, ở một số dòng tộc thuộc họ Phùng, Kiều, Đặng, Nguyễn... nhiều gia đình còn nổi tiếng khắp làng về truyền thống ăn trầu đến nỗi "răng đen lay láy hạt na/môi thắm sợi chỉ hát ca say lòng".

Cũng chính từ truyền thống ăn trầu này mà ở Phú Lễ hiện nay có rất nhiều cụ ông, cụ bà dù đã ngoại bát tuần nhưng vẫn chưa hề rụng một chiếc răng nào. Riêng số lượng đàn ông trung tuổi và một số thanh niên có "răng đen môi chỉ" cũng gần ngang ngửa với giới nữ trong làng. Đây là một sự hiếm hoi chỉ duy nhất Phú Lễ mới có.
1295753378-an-trau2.jpg

Ở Phú Lễ nhà nào cũng có dăm gốc cau và đôi dàn trầu
Ông Đỗ Văn Chấn (79 tuổi) cho biết, đàn ông làng Phú Lễ không chỉ ăn trầu bình thường mà còn "nghiện" đến mức đi đâu cũng phải có tráp trầu mang theo. Thời xưa, nổi tiếng nhất làng là cụ Chánh tổng, 80 tuổi rồi mà vẫn "nhai trầu như nhai rau". Mỗi lần lên huyện có việc là bắt người hầu thức đến tận khuya, têm trầu sắp vào tráp để cụ ăn dọc đường. Có lần vì vội quá, gần đến nơi mới phát hiện không mang tráp trầu theo vậy là cụ bắt người nhà chạy về nhà lấy trầu cho bằng được rồi mới vào hầu quan.

Vào thời chiến tranh, vì cau hiếm nên đàn ông Phú Lễ thường phải đi lột vỏ chay, vỏ đa... về ăn thay cau. Thậm chí, một số người còn vào tận rừng sâu lột vỏ sen... (một loại cây sống trong rừng sâu, vỏ có vị ngọt và dẻo) về cho bà, cho mẹ và vợ ăn với trầu. Đây cũng là lý do khiến nhiều cụ ông, cụ bà và nhiều người trung tuổi ở Phú Lễ có được những bộ răng hạt na đen nhánh (trong các loại vỏ thường có nhựa cây. Đây là chất kết dính màu đỏ của trầu vào răng. Càng ăn trầu lâu năm, các lớp màu này lại dính vào răng càng nhiều làm đen răng).

Ngày nay, một đám cưới ở các nơi chỉ tốn khoảng 300 quả cau và 300 ngọn trầu thì ở Phú Lễ bao giờ cũng phải 1.000 quả cau trở lên. Anh Nguyễn Văn Tỉnh (40 tuổi) lý giải, cau trầu ở các nơi chỉ có các cụ già hoặc đàn bà con gái ăn, còn ở Phú Lễ đàn ông con trai ăn không thua kém gì nên số lượng phải gấp đôi. Cau người dân Phú Lễ hay ăn là loại cau lấy giống ở Tích Giang, quả nhỏ, thịt nhiều, hạt non, ăn mềm và thơm, giá cũng rất rẻ.
1295753378-an-trau3.jpg

Thanh niên Phú Lễ được tập ăn trầu từ lúc còn bé
Riêng với thanh niên Phú Lễ thì ăn trầu còn là một thú vui. Trong các ngày quan trọng như hội làng, đám cưới... các chàng trai thường tìm cách khẳng định "đẳng cấp" của mình bằng cách ăn trầu và rít thuốc lào. Còn các cô gái thì thường "chấm điểm" các chàng trai bằng cách quan sát xem chàng nào ăn trầu đỏ thắm và ăn được nhiều trầu. Vì lẽ đó mà người Phú Lễ thường truyền nhau câu ca dao "Có trầu mà chẳng có cau/Làm nào cho đỏ môi nhau thì làm".

Anh Kiều Văn Dũng, 27 tuổi nói đùa: "Con gái thôn tôi nhờ ăn trầu mà trở nên duyên dáng và dễ lấy chồng nhưng con trai thì khó lấy vợ. Khó lấy vợ khác làng vì con gái các nơi không thích con trai ăn trầu. Thế nhưng bao năm qua, cứ hết lớp thanh niên này đến lớp thanh niên khác thà chịu "ế" vợ chứ không chịu bỏ trầu".

Đó cũng là lý do khiến dân làng Phú Lễ bao đời vẫn vẹn nguyên tình nghĩa với miếng trầu, quả cau như một nét văn hoá khó lẫn với những vùng quê khác.








24h
 
Back
Top