T
T$
Guest
BBC World Service
Image caption
Hai nhà báo cho rằng mình không có tội khi viết bài về đường dây buôn người tỵ nạn
Một tòa án ở thành phố biển Phuket, Thái Lan đã tuyên trắng án đối với hai nhà báo bị buộc tội phỉ báng hải quân và vi phạm Luật về Tội phạm Máy tính.
Bà Chutima Sidasathian, người Thái và ông Alan Morison, người Úc, công tác tại báo mạng Phuketwan, trước đó đã phải đối mặt với án tù vì một câu trong bài viết năm 2013 về nạn buôn người.
Bài báo có một câu trích dẫn từ hãng thông tấn Reuters rằng lực lượng hàng hải Thái Lan đã ăn tiền và tảng lờ cho các băng nhóm buôn người hành động.
Hãng thông tấn Reuters không bị buộc tội nào.
Reuters và Phuketwan là những cơ quan thông tấn đầu tiên xác minh báo cáo về việc Thái Lan trong nằm trong đường dây buôn người Rohingya từ Myanmar và Bangladesh.
Từ đó, tuyến đường đưa người di cư qua Đông Nam Á để đến Malaysia liên quan đến các trại tỵ nạn trong rừng rậm và hàng ngàn người bị mắc kẹt trên tàu trong điều kiện khủng khiếp đã được phanh phui.
Ông Jonathan Head, phóng viên BBC tường trình từ Phuket cho biết bà Chutima có mối quan hệ tốt với một số sĩ quan hải quân Thái Lan đóng tại căn cứ hải quân lớn trên đảo. Từ nguồn tin này, bà nghe về một lượng lớn người Hồi giáo Rohingya từ Myanmar đến bờ biển Andaman, Thái Lan, phía bắc Phuket.
Các sĩ quan hải quân nói rằng chính sách đã thay đổi. Thay vì bị tạm giữ và được chăm sóc, những người tỵ nạn bị giữa trên các đảo ngoài khơi.
Lực lượng hải quân không muốn đưa bà ra đó. Thay vào đó, họ cung cấp hình ảnh cho thấy hàng chục người đàn ông hốc hác đang nằm trên bãi biển.
Trao đổi thêm phóng viên bên ngoài tòa án, bà Chutima nói phán quyết của tòa là ‘một bước tiến lớn cho tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Thái Lan’.
"Tôi rất vui vì tòa án đã tuyên rằng thông tin mà chúng tôi trình bày có ích cho xã hội và không mang tính phỉ báng ai", bà nói.
Phiên tòa xử hai nhà báo đã bị các nhóm nhân quyền và Liên Hiệp Quốc lên án. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết phán quyết của tòa là ‘một động thái đáng mừng cho tự do ngôn luận’.
"Những điều khoản mơ hồ của Luật về Tội phạm Máy tính đang bị lạm dụng như một công cụ bịt miệng và quấy rối truyền thông độc lập", Josef Benedict, giám đốc chiến dịch Đông Nam Á của tổ chức Ân xá Quốc tế nói.
Chính quyền Thái Lan đã tiến hành một cuộc trấn áp nạn buôn người tháng 5/2015 dẫn đến hàng chục vụ bắt giữ quan chức địa phương và một vị tướng quân đội cấp cao.
Reuters đã được nhận giải Pulitzer nhờ các bài báo về nạn buôn người Rohingya.
Phuketwan tuy là một báo mạng nhỏ nhưng có uy tín và đã nhiều lần viết về chủ đề người tỵ nạn Rohingya.
Theo BBC Vietnamese