T
T$
Guest
AFP
Image caption
Trung Quốc và Thái Lan đang có cuộc tập trận không quân chung
Những chiếc chiến đấu cơ Trung Quốc gầm rú trên căn cứ không quân ở đông bắc Thái Lan có thể được xem là biểu hiện của việc tăng cường quan hệ quân sự và chính trị giữa chính quyền quân sự và nước láng giềng phương Bắc.
Theo AFP hôm 25/11, trong hai tuần qua, những chiếc máy bay quân sự Thái và Trung Quốc tham gia đợt tập trận chung, một hoạt động mà đỉnh điểm là màn trình diễn nhào lộn trên không cao của máy bay Trung Quốc vào cuối tuần này.
Đại úy Chanon Mungthanya, phát ngôn viên Không quân Hoàng gia Thái Lan, cho rằng cuộc tập trận tại căn cứ Korat là cơ hội quý giá để tương tác với Trung Quốc.
"Quan hệ giữa không quân hai nước sẽ tăng cấp độ trong đợt tập trận chung này," ông nói với AFP.
Trong quá khứ, Thái Lan từng là một trong những đồng minh quân sự tại Đông Nam Á trung thành nhất với Washington và được trông đợi mối quan hệ này sẽ tiến triển khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ‘xoay trục’ sang châu Á.
Nhưng cuộc đảo chính tháng 5/2014 (đảo chính lần thứ hai trong thập kỷ qua tại Thái), và chính quyền quân sự siết chặt kiểm soát khiến quan hệ Mỹ - Thái trở nên căng thẳng.
Trong khi đó, Thái Lan đang tự xoay trục nghiêng về quốc gia mà nhiều nhà quan sát cho rằng ngày càng mang nhiều nét tương đồng về chính trị.
Image copyright
AFP
Image caption
"Tình hữu nghị mới giữa binh lính Thái và Trung Quốc đang được gầy dựng"
[h=2]Trục xuất hai nhà hoạt động Trung Quốc[/h]Bắc Kinh mau chóng công nhận Tướng quân sự Prayuth Chan-ocha, người hiện giữ chức thủ tướng, và thúc đẩy dự án đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc tại Thái trị giá nhiều tỷ đôla.
Thái Lan cũng đang cân nhắc việc chi một tỷ đôla mua tàu ngầm Trung Quốc.
Nhưng các tổ chức nhân quyền nói rằng việc Trung Quốc-Thái Lan thắt chặt quan hệ dẫn đến những hậu quả tai hại bên trong nước Thái, chính quyền quân sự dường như sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh của Bắc Kinh.
Tháng 7/2015, hơn 100 người tỵ nạn Uighur đã bị Thái Lan trục xuất về Trung Quốc, dù Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng những người Hồi giáo thiểu số này sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị bức hại.
Chính quyền Thái Lan vẫn khẳng định vụ đánh bom chết người tại đền Erawan ở Bangkok hồi tháng 8/2015 không phải là cuộc tấn công trả thù, dù phần lớn các nạn nhân là người Hoa và đã có hai nghi phạm Uighur bị buộc tội.
Đầu tháng 11/2015, hai nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đã được Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tỵ nạn (một trong số họ đã sống ở Thái từ nhiều năm qua), đã đột ngột bị chính quyền Thái bắt và gửi trả về Bắc Kinh. Nhà đối kháng thứ ba đã mất tích ở Thái Lan.
Paul Chambers, giám đốc Viện Đông Nam Á, cho biết chính quyền quân sự "đang tỏ ra thức thời... thông qua việc cân bằng quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ để được hưởng lợi nhiều nhất".
Viện Đông Nam Á đặt trụ sở tại Chiang Mai, Thái Lan, chuyên nghiên cứu vấn đề chính trị-xã hội của các nước Đông Nam Á.
Nhưng Chambers tin rằng những đợt trục xuất gần đây là một điều mới.
"Động thái này cho người Trung Quốc thấy rằng quân đội Thái sẵn sàng chấp nhận bị chỉ trích để giúp Bắc Kinh".
Image copyright
AFP
Image caption
Những người tỵ nạn Uighur tại Songkhla, Thái Lan
[h=2]Cân bằng với Hoa Kỳ[/h]Với Hoa Kỳ, các sự kiện gần đây tại Thái Lan tạo nên tình huống khó xử.
Obama tái khẳng định ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông.
Nhưng việc Hoa Kỳ “xoay trục sang châu Á" đã khiến nước này xao lãng quan hệ ngoại giao ở Trung Đông và những điểm nóng khác.
Hoa Kỳ cũng muốn thúc đẩy dân chủ tại thời điểm các quốc gia Đông Nam Á đang có dấu hiệu trì trệ.
Chính quyền quân sự Thái dường như không vội tổ chức một cuộc tổng tuyển cử.
Nhà lãnh đạo Campuchia Hun Sen vẫn tại vị sau hơn 30 năm cầm quyền.
Việt Nam và Lào vẫn là những thể chế độc đảng không chấp nhận khác biệt chính kiến.
Image copyright
AP
Image caption
Hổ Mang Vàng là cuộc tập trận hỗn hợp thường niên lớn nhất giữa Mỹ và châu Á ở Thái Lan
Washington đã hủy bỏ một số viện trợ quân sự sau cuộc đảo chính Thái Lan và tiếp tục kêu gọi nước này tái thiết lập nền dân chủ. Nhưng họ cũng tỏ ra thận trọng khi bỏ rơi một đồng minh trong khu vực.
Đầu năm 2015, Hoa Kỳ kiên quyết tổ chức Tập trận Hổ Mang Vàng, cuộc tập trận hỗn hợp thường niên lớn nhất giữa Mỹ và châu Á ở Thái Lan.
"Thái Lan tỏ ra hướng về phía Trung Quốc nhưng không có nghĩa là Bangkok ‘đặt tất cả các trứng vào giỏ Bắc Kinh”, ông Chambers cho hay.
Ông nói Washington vẫn giữ ảnh hưởng đáng kể, nhất là trong bối cảnh Hiệp định TPP trở thành hiện thực và Thái Lan chọn tham gia liên minh này.
Phát ngôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bangkok bình luận rằng quan hệ chặt chẽ của Washington và Thái Lan đã "tồn tại và nảy nở qua nhiều giai đoạn thử thách".
"Điều này không ngăn cản chúng ta giải quyết các vấn đề liên quan, kể cả dân chủ và nhân quyền", người này nói.
Trở lại căn cứ không quân Korat, tình hữu nghị mới giữa binh lính Thái và Trung Quốc đang được gầy dựng.
"Chúng tôi có thể trò chuyện, giúp đỡ nhau", Đại úy Chanon nói. "Chúng tôi ăn cùng nhau, tìm hiểu và luyện tập cùng nhau".
Theo BBC Vietnamese