Thảm đỏ kiểu... Việt

T

T$

Guest
(ThuVienBao.com) - *Như nhiều thứ khác được du nhập vào Việt Nam, chiếc thảm đỏ cũng được Việt hóa để trở thành thứ “chỉ có ở Việt Nam”.Nữ diễn viên Ngô Thanh Vân từng bày tỏ: “Tôi rất mê khoảnh khắc được bước đi trên chiếc thảm đỏ, với tôi đó là giây phút khiến cho nghệ sĩ thấy hãnh diện nhất chứ không phải lúc nhận được giải thưởng. Nhưng tôi thấy chạnh lòng vì ở Việt Nam, thảm đỏ chưa được coi trọng, điều này do cả người tổ chức sự kiện và nhiều nghệ sĩ chưa thật sự hiểu được ý nghĩa của chiếc thảm đỏ và việc bước đi trên đó…”.

Bội thực thảm đỏ

Ngay sau vài sự kiện đánh dấu những lần đầu tiên thảm đỏ được trải ra tại các sự kiện giải trí trong nước, thảm đỏ lập tức được đón nhận nồng nhiệt. Nồng nhiệt tới nỗi, nó đã xuất hiện la liệt tại các sự kiện từ lớn như LHP, các lễ trao giải thưởng đến vừa vừa như ra mắt phim rồi nhỏ xíu và có vẻ chẳng liên quan đến giải trí như ra mắt nhãn hàng. Và thảm đỏ cũng được “chứng kiến” nhiều chuyện chẳng giống ai.

Thảm đỏ LHP Quốc tế Việt Nam lèo tèo mà vẫn lộn xộn. Đạo diễn nổi tiếng đến từ Hollywood Phillip Noyce và phu nhân phân vân không biết đi đường nào sau khi đi hết thảm đỏ. (Ảnh: Toại Nguyễn)



Với những người làm ra các “sự kiện thảm đỏ” ở ta, có lẽ hình ảnh ngôi sao bước đi với những ánh đèn flash chớp liên tục trở thành một chuẩn mực nên ngay ở các sự kiện thảm đỏ đầu tiên, hình ảnh chuẩn mực này được phổ biến triệt để. Họ thuê các “tay máy” không biết chụp ảnh cầm những chiếc máy ảnh “đời ơ kìa” cũng chẳng có phim nhưng phải đảm bảo có đèn flash và nháy được khi người ta làm động tác chụp.Đội ngũ “tay máy” này cứ lăm lăm những chiếc máy ảnh hỏng và chụp vô tội vạ từ ngôi sao đến khán giả, còn ngôi sao thì cứ bước lên thảm là cười, là xoay có khi đến hoa cả mắt. “Hoa cả mắt” đúng là câu đầu tiên một vài ngôi sao (vốn không phải người mẫu, không quen với đèn flash) đã cảm thán sau khi bước ra khỏi đoạn thảm đỏ chỉ dài khoảng chục mét.

Còn ở những sự kiện mà thảm đỏ có ý nghĩa thật sự nhất, đó là các LHP hay lễ trao giải thưởng thì ít khi người ta thấy được không khí trang trọng và sự ngăn nắp, sạch sẽ cần thiết phải có cho thảm đỏ và không gian quanh nó. Thảm bẩn, quăn mép là điều bình thường và lộn xộn, lố nhố là cảnh tượng thường thấy. Chẳng có một chuẩn mực nào cho việc sắp xếp vị trí cho đám đông khán giả và cánh phóng viên ảnh ở khu vực thảm đỏ.

Ở một LHP quốc tế được tổ chức tại Hà Nội năm ngoái, dù rất coi trọng ý nghĩa của chiếc thảm đỏ, bằng chứng là nhà tổ chức đã trải chiếc thảm (có lẽ là) dài nhất trong tất cả những chiếc thảm đỏ đã được trải ra ở các sự kiện tại Việt Nam trong lịch sử ngắn ngủi của chiếc thảm đỏ, nhưng thảm dài chẳng giải quyết được gì khi mà bước ra khỏi thảm đỏ, những “celebrity” (người nổi tiếng)… chẳng biết phải đi đâu tiếp. Bởi chặn ngay trước mặt họ là những tay máy của báo giới và chẳng có người hướng dẫn nào ở đó. Thảm dài nhưng người hâm mộ thì quá lèo tèo, còn các fan giả được thuê để tung hô nghệ sĩ thì máy móc đến ngô nghê, họ cứ “ồ” lên rất nhiệt tình ngay cả khi những nhân vật không ai biết là ai (thường là các nhà tài trợ) xuất hiện…


Hải Yến và bộ trang phục được chọn để nhấn mạnh hình ảnh nhân vật cô đóng trong bộ phim "Cánh đồng bất tận". (Ảnh: Dino Trung)



Sau thời kỳ có tính khai phá, người ta chợt nhận ra những giá trị cộng thêm của chiếc thảm đỏ và tận dụng tối đa chiếc thảm cho những giá trị cộng thêm đó. Bây giờ, bất kỳ bạn là ai, hễ xuất hiện ở thảm đỏ nào đó là bạn có cơ hội lên báo mạng và những trang tiệc tùng của mấy tờ tạp chí thời trang, cho dù bạn chỉ làm nền cho ngôi sao thôi. Vậy là thảm đỏ trở thành một kênh để các ngôi - sao - còn - lặn tiếp thị gương mặt mình. Chẳng thiếu những gương mặt lạ hoắc chẳng ai biết là ai cứ quần là áo lượt đàng hoàng đi trên thảm đỏ bên cạnh hoặc đằng sau một ngôi sao nào đó để rồi hôm sau được xuất hiện trên báo.Nhưng việc làm đó cũng chỉ “lọt cửa” báo mạng được vài lần, cho đến khi cánh phóng viên báo mạng nhận ra mình đang vô tình lăng-xê không công cho những kẻ cơ hội này. Giờ đây, nếu muốn được chường mặt trên báo mạng, những kẻ lăm le muốn nổi tiếng này phải trông cậy vào những ngôi sao đàn anh đàn chị để được bước đi bên cạnh họ, hoặc không thì phải lấy được lòng các phóng viên!

Ở TP.HCM, chuyện một vài ngôi sao mỗi tuần được/phải bước đi trên một chiếc thảm đỏ đang trở thành rất bình thường, chưa kể vào mùa event (thường là gần cuối năm) có những tuần họ còn vinh dự được khoe dáng trên 4-5 chiếc thảm đỏ! Đi trên thảm đỏ với mức độ dày đặc như thế thì dù chiếc thảm có “thần”, có “thiêng” đến mấy cũng thành ra… nhàm.

Đồ gì cũng mặc ở thảm đỏ

Điều này cũng chẳng có gì to tát bởi mọi thứ đều phải có quá trình. Khi thảm đỏ xuất hiện như một thứ từ trên trời rơi xuống thì việc lựa chọn những bộ cánh để xuất hiện trên thảm đỏ cũng chỉ là việc bất thình lình phải nghĩ cho những người có cơ hội bước đi trên nó. Vì thế mà chuyện Mai Thu Huyền lòe loẹt như con công cùng Giáng My với bộ tuxedo “khiêm tốn” bước trên thảm đỏ LHP Cannes năm ngoái; Kiều Thanh mặc bộ cánh trong suốt đến nỗi “nhìn thấu” cả nội y, NSND Thế Anh mặc quần jeans cũ sờn rộng thùng thình với áo ký giả nhiều túi đội mũ lưỡi trai quay ra đằng sau hay Tăng Thanh Hà vận đồ hiệu nhái trên thảm đỏ của LHP Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất cũng không có gì đáng phải ầm ĩ.

Ngôi sao nước ngoài có cả một đội ngũ nhà thiết kế, stylist để cố vấn về ăn mặc, trang điểm còn liên tục bị bình chọn là ăn mặc xấu nhất trong tháng/năm/lễ trao giải thì hà cớ gì các ngôi sao luôn phải tự lo từ A đến Z của Việt Nam lại bị lên án. Chỉ xin kể ra đây câu chuyện chọn quần, chọn áo của hai nữ diễn viên được cho là mặc đẹp nhất ở ta để biết rằng cũng đã có những người ý thức được tầm quan trọng của thảm đỏ và mức độ hãnh tiến của bản thân khi bước trên đó.


Hải Yến không đóng nhiều phim nhưng có lẽ cô là diễn viên Việt Nam dự nhiều LHP quốc tế nhất. Hải Yến có stylist riêng là người nước ngoài và việc ăn mặc của cô tại các LHP là do người này quyết định. Đồ Yến mặc là những sản phẩm haute couture (cao cấp) của các nhà mốt danh tiếng như Louis Vuitton, Elie Saab, ETRO, Jean Paul Gaultier, Givenchy… Không chỉ chú trọng vào tính thẩm mỹ của trang phục hay mức độ trang trọng của những sự kiện tham dự, Hải Yến còn có hẳn chiến dịch “support” cho hình ảnh của mình trong bộ phim sẽ tham dự các LH, giải thưởng đó. Ở LHP Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất, vừa bước ra khỏi Cánh đồng bất tận, Yến mặc chiếc áo đầm đen dài với cổ lông của nhà Givenchy để hướng khán giả nhớ đến hình ảnh một người đàn bà chín, đằm như vai diễn của cô trong bộ phim này.Ngô Thanh Vân cũng vậy, không có stylist riêng nhưng khiếu thẩm mỹ của Vân rất tốt và trang phục cô mặc cũng thể hiện sự dụng tâm của cô. Còn nhớ từ khi bắt đầu vào phim Bẫy rồng đến khi bộ phim này ra mắt khán giả, Ngô Thanh Vân xuất hiện ở mọi sự kiện với kiểu tóc, cách trang điểm và chiếc áo đầm giống như cô phục sức ở cảnh cô đẹp nhất trong bộ phim này. Ngay cả khi được mời chụp ảnh cho bìa tạp chí, Vân cũng kiên quyết một cách phục sức như vậy. Việc làm đó của Vân đã góp phần không nhỏ vào chiến dịch PR cho Bẫy rồng.


*
Nguồn ảnh Megafun.vn
Theo Thể Thao & Văn Hoá Cuối Tuần


2sao.net
 
Back
Top