Càng ở độ tuổi sung sức, “chín” nghề thì diễn viên lại càng đối diện với nguy cơ “thất nghiệp” nhiều hơn. Tuổi nghề, kinh nghiệm tỷ lệ nghịch với cơ hội, thu nhập của diễn viên.
Có một thực tế nghiệt ngã đang diễn ra đối với diễn viên điện ảnh. Ngoài thanh sắc, niềm đam mê, thái độ làm nghề nghiêm túc, nghề diễn viên phim vốn đòi hỏi cao ở tài năng, kinh nghiệm. Thông thường, ngoài 30, 40 mới chính là độ tuổi “chín” nghề, mới là lúc diễn viên dễ dàng hóa thân nhuần nhuyễn, đa dạng các vai diễn bằng tất cả sự học hỏi lâu năm trong nghề và vốn sống từ thực tế. Thế nhưng, ở Việt Nam, đa phần diễn viên ở tuổi đó lại không còn nhiều cơ hội thể hiện, cống hiến, bị liệt vào hàng “hưu non”, thất nghiệp.
Tuổi nghề ngắn ngủi
Vào nghề từ năm 1995 nhưng mãi đến năm 2000, khán giả mới biết Kinh Quốc trong bộ phim Dòng đời. Dần dần, qua những bộ phim như Chuyện tình bên dòng kênh Xáng, Hướng nghiệp, Kinh Quốc mới có dịp khẳng định mình. Đến nay, Kinh Quốc làm nghề được 20 năm nhưng tuổi nghề thực chất của anh chỉ khoảng 5-6 năm. Sau khi vụt sáng với vài ba vai diễn cách đây hơn 10 năm, Kinh Quốc không còn sống được với nghề thường xuyên nữa. Thời gian gần đây, Kinh Quốc chuyển sang kinh doanh, mở trang trại nuôi gà. Chuyện đó tưởng khó tin với một diễn viên tài năng, dày dạn kinh nghiệm, đang ở tuổi sung sức với nghề như Kinh Quốc nhưng lại là sự thật.
Nhiều diễn viên vụt sáng trong các phim nghệ thuật rồi mất hút. Lê Thế Lữ từng được khen ngợi diễn xuất chân thật, mộc mạc trong vai thằng Kìm (phimMùa len trâu) nhưng theo diễn viên Hữu Thành, sau phim này, Lê Thế Lữ tham gia một vài phim truyền hình khác nhưng thu nhập không đủ sống nên bỏ nghề diễn, đi làm nhiều công việc để mưu sinh.
Sau thành công của vai Tải trong phim Sống trong sợ hãi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, diễn viên Trần Hữu Phúc lui hẳn về làm đạo diễn phim truyền hình. Thạch Kim Long – người ghi dấu ấn với phim Đừng đốt, Rừng đen - nay ở cái tuổi ngoài 40 “trẻ đã qua mà già chưa tới”. Anh bảo gặp không ít khó khăn trong việc tìm vai diễn. Tương tự, Tạ Ngọc Bảo trong phim Thương nhớ đồng quê cũng chỉ làm nghề được vài năm rồi xa dần nghiệp diễn. Rất nhiều tên tuổi điện ảnh vụt sáng rồi mất hút như ánh sao băng.
Đến với điện ảnh khá muộn (27 tuổi) bằng vai diễn rất tình cờ nhưng được đánh giá cao trong phim điện ảnh Mùa len trâu, sau đó là Rừng đen, Bi, đừng sợ, Kiều Trinh cũng ít dần cơ hội làm nghề khi bước qua tuổi 30. Năm nay, Kiều Trinh may mắn có nhiều vai diễn trên truyền hình nhưng trước đó, thi thoảng chị mới được mời đóng vai phụ. Kiều Trinh bảo ngày trước chị chuyên trị những phim nghệ thuật có kịch bản hay còn gần đây chị tham gia phim truyền hình, vào vai người mẹ là chủ yếu.
Diễn viên Kinh Quốc trong phim truyền hình Bước nhảy hoàn vũ. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Theo diễn viên Hồng Ánh, thông thường, diễn viên Việt Nam bước qua tuổi 30 (đối với nữ) và 40 (đối với nam) là coi như sắp “về vườn”. Trong khi đây là độ tuổi mà diễn viên “chín” nghề nhất, sung sức nhất, khát khao làm nghề nhất. “Tuổi thọ nghề diễn viên ở Việt Nam quá ngắn ngủi” – đó là khẳng định của diễn viên Hồng Ánh khi so sánh với diễn viên ở các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển.
Ở xứ người, tuổi thọ của các nghệ sĩ nói chung và diễn viên nói riêng được kéo dài rất lâu, dù bước qua tuổi 40, 50, thậm chí 60. Bằng chứng dễ thấy trong các đề cử hay người được vinh danh tại các lễ trao giải Oscar, đa phần là những ngôi sao gạo cội với các vai diễn hay, lấn lướt cả diễn viên trẻ. “Ở nước ngoài, tên tuổi, cơ hội làm nghề, cát-sê của diễn viên tăng theo từng năm còn ở Việt Nam thì lại giảm. Đó là một thực tế rất đáng buồn và đáng thương cho các diễn viên của mình” – diễn viên Ngọc Lan tủi thân.
Mấy ai sống được với nghề
Các diễn viên trẻ không chỉ đắt sô đóng phim mà còn kiếm được khá nhiều tiền từ các công việc khác như quảng cáo, đi sự kiện, gương mặt đại diện… Còn các diễn viên vào tuổi “chín” nghề hầu như chỉ biết bám nghệ thuật để sinh sống. Nhưng với hình thức lao động tự do, ký hợp đồng lao động theo thời vụ (từng phim hoặc từng vai diễn) như hiện nay, công việc và thu nhập của họ rất bấp bênh. Diễn viên Kiều Trinh than thở: “Có thể năm này được mời đóng 2-3 phim nhưng năm sau lại… ngồi chơi xơi nước. Nghề diễn viên là vậy, khi có lời mời đóng phim thì mới có tiền. Vất vả cày bừa với các vai phụ mà nuôi 2 đứa con ăn học, tôi phải vun vén lắm mới đủ”.
Kiều Trinh cho biết chị không thể cứ ngồi đợi phim để kiếm tiền mà phải kiếm một công việc khác. “Thỉnh thoảng, tôi vẫn may vá và thiết kế thêm quần áo vào những lúc không đi đóng phim. Công việc này vừa là đam mê vừa là mưu sinh” – chị chia sẻ. Khi nhận thấy con đường điện ảnh không “chào đón” mình nồng nhiệt nữa, Kinh Quốc cũng tính đến chiến lược mới là kinh doanh thay vì ngồi chờ cát-sê từ phim ảnh mà mỗi năm tính ra cũng chỉ có một vài lần. Hàng loạt diễn viên khác khi toan bước qua tuổi mà điện ảnh cho là “già”, “hết đát” luôn tìm cho mình một nghề tay trái (chủ yếu là kinh doanh) để lấy ngắn nuôi dài.
Theo diễn viên Hồng Ánh, ngoài những diễn viên còng lưng nuôi nghề, không ít người bỏ hẳn nghề để làm công việc khác. Tất nhiên, có rất nhiều lý do khiến họ xa rời nghiệp diễn nhưng cái chính là họ không thể ngồi đợi đến ngày được các đoàn phim giao cho vai diễn.
“Ở độ tuổi sung sức nhưng không có cơ hội cống hiến cho điện ảnh buộc họ phải kiếm sống bằng công việc khác. Những người yêu nghề thì bám trụ trong vô vàn gian nan, vất vả. Đó là một bi kịch nghiệt ngã mà nền điện ảnh Việt Nam đang đối mặt. Với cách sử dụng nhân lực hao tốn như hiện nay, điện ảnh Việt sẽ thiếu hẳn những tài năng đang độ chín” – đạo diễn Nguyễn Hữu Phần trăn trở.
Mơ ước những vai diễn lớn
Vai chính trong phim hiện nay thường dành cho những gương mặt tuổi đôi mươi, trẻ trung, xinh đẹp nên diễn viên đến tuổi ngoài 30 là bắt đầu khó được giao vai chính. Hiện nay, rất nhiều diễn viên bước vào tuổi nghề chín muồi thì vai diễn hay không đến tay, cơ hội cống hiến càng ít đi. Họ có tài năng diễn xuất và tâm huyết với nghề, từng có vai diễn “để đời” thời tuổi trẻ thì nay hầu như chỉ xuất hiện rải rác trên màn ảnh với vai phụ, nhỏ, mờ nhạt.
Hầu hết các diễn viên bước vào tuổi “chín” nghề vẫn còn đang bền bỉ bám nghề đều nói rằng họ khát khao có những vai diễn lớn, cơ hội làm nghề nhiều chứ không chỉ làm những vai diễn phụ hợ như bố, mẹ, ông bà, thậm chí vai quần chúng có thoại. “Tôi mơ ước có vai diễn thật sâu sắc trên màn ảnh dành cho tuổi của mình nhưng dường như là… không tưởng bởi không có kịch bản và đạo diễn nào làm điều đó” – Hồng Ánh bộc bạch.
Theo Minh Nga/Người Lao Động