T
T$
Guest
Bob Hucklesby, năm nay 94 tuổi, từ vùng Dorset, với dáng đi tuy chậm rãi nhưng thái độ cương quyết, thật khó có thể hình dung những gì cơ thể và tâm trí ông từng trải qua.
Ông là một trong số 50.000 quân nhân phải trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử quân sự Anh. Ông cũng là người dẫn dắt lễ tưởng niệm 70 năm ngày VJ (Victory over Japan Day – ngày chiến thắng Nhật Bản) hôm thứ Bảy 15/08.
Chưa từng có tiền lệ, và cả cho tới sau này, lực lượng vũ trang Anh Quốc lại có số quân nhân bị đẩy vào hoàn cảnh cùng cực về địa lý, bệnh tật và sự đối xử vô nhân giữa người với người như những tù binh của Nhật trong Thế chiến II.
Một phần tư số tù binh bị chết trong giam cầm. Những người sống sót trở mang theo bệnh tật và bị tổn thương.
Trong suốt ba năm rưỡi, họ sống trong điều kiện tàn nhẫn đến mức hủy hoại con người.
Cựu binh Bob Hucklesby (hàng giữa, thứ hai từ bìa phải) cùng đồng đội trong ngày tưởng niệm 15/08 ở London
Nữ hoàng Anh và Hoàng thân Philip tới gặp các cựu tù binh Thế chiến II hôm 15/08
Trung bình mỗi tù nhân nhận được chưa đầy một chén gạo hẩm mỗi ngày. Khẩu phần ăn quá ít ỏi dẫn tới suy dinh dưỡng rộng khắp, khiến nhiều người bị mù hoặc đau thần kinh kinh niên.
Bệnh tật tràn lan. Hầu hết tù binh đều bị sốt rét và bệnh lỵ.
Bệnh kiết lỵ do ruột già bị nhiễm trùng, khiến những người này chỉ còn xương bọc da. Các bệnh lở loét thì đặc biệt nghiêm trọng.
Trung úy Barrett, người làm việc trong các lều trại chuyên trị hoại tử ở Thái Lan, viết trong nhật ký của ông:
“Đa số đều do các vết xước do tre gây ra khi lao động trong rừng... Vết loét chân có khi dài tới hơn 30cm và bề ngang lên tới 15cm, lòi cả xương và đã thối tới vài cm, là cảnh không hiếm gặp.”
Những kẻ coi tù thường xuyên đánh đập, tra tấn tàn bạo một cách ngẫu nhiên.
Trung úy Bill Drower, người phiên dịch ở trại Kanburi, Thái Lan, chỉ vì dám hỏi lại một câu trong khi dịch mà bị đánh trọng thương và biệt giam trong suốt 80 ngày cuối cùng của cuộc chiến.
Lúc được cứu ra khi Nhật Bản đầu hàng, ông đã sắp chết vì suy dinh dưỡng và bị sốt rét ác tính, biến thể hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm của bệnh sốt rét.
Ngoài những điều kiện khủng khiếp này, đa số tù nhân chiến tranh phải lao động như nô lệ ở các khu công nghiệp nặng của Nhật Bản.
Họ liên tục làm việc nặng nhọc trên các bến cảng, sân bay, trong mỏ than, bãi đóng tàu, lò luyện thép, luyện đồng.
Cảnh dã man thời Thế chiến II này ngày nay hầu như ai cũng biết đến nhưng ít ai biết đến tinh thần quật cường của những tù binh – tinh thần mà sự tàn bạo của quân Nhật đã không thể khuất phục.
Một trong những phương tiện sống sót quan trọng bậc nhất trong trại là tình thân thiết với bạn đồng hành. Mỗi nhóm nhỏ từ ba đến bốn người gắn bó chặt chẽ là điều kiện tiên quyết. Họ cùng chia sẻ thức ăn và cả công việc, và chăm sóc lẫn nhau khi ốm.
Ông Derek Fogarty, từng làm việc trong lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, bị bắt ở Java, kể lại trong một cuộc phỏng vấn năm 2008:
“Chúng tôi thân nhau như anh em. Nếu một người bị ốm thì bạn mang nước uống cho họ, rửa ráy giặt giũ cho họ. Chúng tôi thân nhau vô cùng và qua mỗi năm lại càng thân hơn, người ta sẵn sàng chết vì bạn, chúng tôi thân nhau tới mức đó.”
Không có những người bạn như thế, rất nhiều tù binh có thể đã mất mạng.
Ở mọi trại giam, tù binh tận dụng các kỹ năng khác nhau của mình để giúp đỡ bạn đồng hành.
Tù binh Anh reo mừng khi Nhật Bản đầu hàng
Những người là bác sỹ không có y cụ hay thuốc men, phải nhờ tới những người khéo léo về thủ công. Fred Margarson từng là thợ sửa ống nước và chạy các việc vặt ở phòng khám y khoa, đã bí mật mở bệnh viện trong trại Chungkai ở Thái Lan, nơi ông giám sát làm chân giả cho các bệnh nhân bị hoại tử.
Nhưng ngay cả trong những điều kiện tồi tệ nhất, những người đàn ông này cũng nâng đỡ nhau bằng trí hài hước.
Jack Chalker bị bắt ở Singapore,nhớ lại những bệnh nhân gầy giơ xương ở lều trị kiết lỵ trên tuyến xe lửa Thái Lan – Miến Điện.
Họ chơi xổ số để chọn ra “ai sẽ là người phải ngồi trên chiếc xô duy nhất trong lều trước khi nó bị đổ”. “Những cái như thế”, ông nhớ lại, “đã khiến chúng tôi cười nghiêng ngả”.
Khoảng 37.500 quân nhân Anh đã sống sót qua thời kỳ giam giữ và chứng kiến ngày VJ.
Hàng nghìn người trong số họ phải đợi tới năm tuần, thậm chí lâu hơn, trước khi các trại được quân đồng minh tìm thấy. Đa số phải trải qua chặng đường biển dài 8 – 10.000 dặm để trở lại Anh Quốc, xuống ở cảng Liverpool hoặc Southampton, hơn năm tháng sau khi chiến tranh ở châu Âu đã kết thúc.
Với Hucklesby, tâm điểm của lễ tưởng niệm 70 năm ngày VJ không phải là ông hay những người đồng đội còn sống sót, mà là những người đã nằm lại.
Bảy mươi năm sau những cái chết nghiệt ngã, ông nhớ họ hơn bao giờ hết. Ngày nay, ông chỉ muốn chúng ta nghĩ về họ, “những người đàn ông trẻ ở tuổi sung sức nhất không bao giờ được về nhà, những người đã phải sống trong điều kiện tồi tệ trước khi chết”.
Tóm tắt lại từ bài viết của Tiến sỹ văn hóa lịch sử chiến tranh Clare Makepeace và giảng viên đại học UCL, Meg Parkes trên BBC News:
http://bbc.in/1TFtj3P
Theo BBC Vietnamese