Những tảng thịt trắng bệch hoặc nâu đen, ôi thiu, vứt la liệt trên những bao tải cáu bẩn trải bệt dưới đất; từng lớp bụi đất, rác, ruồi nhặng quện với mùi thịt ôi thiu, góp phần tạo nên một khu chợ kinh hoàng dưới chân cầu Thăng Long (Hà Nội).
Hoạt động mua bán thịt ế diễn ra tấp nập tại 2 đầu cầu Thăng Long đều đặn từ 10h – 14h chiều hàng ngày, không hề gặp bất cứ sự cản trở nào của cơ quan chức năng – bất kể giữa thời điểm dịch lợn tai xanh đang hoành hành.
Tranh nhau mua… thịt ế
10h trưa, khu chợ đầu mối Bắc Thăng Long trên địa phận xã Hải Bối, huyện Đông Anh trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết khi có thêm từng đoàn xe máy của các tiểu thương buôn thịt từ nội thành về “phân phối” sản phẩm… thừa.Hoạt động mua bán thịt ế diễn ra tấp nập tại 2 đầu cầu Thăng Long đều đặn từ 10h – 14h chiều hàng ngày, không hề gặp bất cứ sự cản trở nào của cơ quan chức năng – bất kể giữa thời điểm dịch lợn tai xanh đang hoành hành.
Tranh nhau mua… thịt ế
Thịt lợn, thịt bò còn "tồn" từ chợ nội thành được các tiểu thương mang đến khu chợ đầu mối Bắc Thăng Long "giải quyết" nốt
Hoạt động mua bán nhộn nhạo! Hành trang của các tiểu thương đơn giản chỉ là những bao tải, nilon cáu bẩn để trải xuống đất; ngoài ra trong chiếc làn cỡ bự là lượng thịt còn “tồn” từ buổi chợ sớm bên nội thành, được bày ra bán nốt.
Về nguồn gốc của những tảng thịt này, một tiểu thương tên An cho biết: “Mỗi ngày thịt 3 con chạy từ Đông Anh vào nội thành bán, dân trong nội thành sành ăn hơn nên thịt bán tầm trưa trưa là họ chê nên phải mang thịt ế qua chợ đây. Có hôm mang thịt về gặp mối là bán nhanh về luôn, còn bán lẻ thì cứ nộp cho Ban quản lý chợ 3.000 đồng tiền chỗ ngồi, tha hồ mà bán. Thịt bán rẻ nên dân vẫn tranh nhau mua”.
Các điểm chợ bán thịt ế ở chân cầu Thăng Long ngày nào cũng rôm rả, nhộn nhịp
Theo tìm hiểu của PV, đối tượng đến mua thịt ế chủ yếu là các chủ quán cơm bụi, hàng ăn. Ngoài ra một số người dân địa phương ham rẻ cũng thường tới mua.
Qua bên kia cầu Thăng Long, điểm chợ bán thịt ế cũng nhộn nhịp không kém. Chợ thịt ế xôm tụ giữa buổi trưa, chỉ cách nhà văn hóa thôn Tân Xuân, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm khoảng 200m.
Đối tượng tiêu thụ loại thịt ế này chủ yếu là các chủ quán cơm, nhà hàng
Vẫn những tiếng rao ngọt xớt, họ chào mời cứ như thể khách đang đi chợ sáng sớm và gặp được “mớ” thịt ngon: “Không ngon không lấy tiền, cứ yên tâm mua đi, mai ra lại thấy mặt chị ở đây” – chị Nguyên (quê ở Mê Linh) nói không ngớt lời.
Chợ họp từ lâu, địa phương… chưa phát hiện
Liên quan đến hoạt động họp chợ buôn bán thực phẩm ế lâu nay trên địa bàn, PV đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Hương Chà (Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm) về công tác quản lý chợ và kiểm tra, kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Bà Chà cho biết: “Ngày nào xã cũng cử người đi cùng cán bộ thú y huyện kiểm tra các khu chợ và tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhưng cho tới nay cán bộ chuyên môn chưa có báo cáo nào với ủy ban là phát hiện việc họp chợ bán thịt ế nên tôi không rõ lắm”.
Cũng theo bà Chà: “Địa bàn xã Xuân Đỉnh rộng nên không thể kiểm tra hết được, điểm chợ phát sinh ở gầm cầu Thăng Long thuộc thôn Tân Xuân nên cán bộ của chúng tôi chưa kiểm tra tới”.
“Xảy ra việc họp chợ bất hợp phát, buôn bán thực phẩm tươi sống chưa qua kiểm dịch ở trên địa bàn như báo phản ánh thì trách nhiệm này thuộc về chúng tôi. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay và dẹp bỏ tình trạng này, tránh để xảy ra trường hợp xấu nhất là bùng phát dịch bệnh” – bà Chà chốt lại buổi làm việc.
(theo dantri)