T
T$
Guest
Getty
Image caption
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm Bắc Kinh, tháng 6/2014
“Hãy cùng nhau gắn bó và tạo ra thập niên vàng cho hai đất nước chúng ta.”
Những lời lẽ này là của Bộ trưởng Tài chính Anh, George Osborne. Với chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần này, chính quyền Anh hy vọng sẽ bước vào ngưỡng vàng.
“Chúng ta hãy chào đón kỷ nguyên vàng,” vị đại sứ Trung Quốc ở Anh, ông Lưu Hiểu Minh nhắc lại trong cuộc họp báo vào buổi tối chuyến thăm.
Nhưng trong lúc London chuẩn bị chào đón ngài chủ tịch, động cơ của Anh trong việc trở thành đối tác tốt nhất của Trung Quốc đặt ra câu hỏi quan trọng về cái giá phải trả ở các lĩnh vực khác trong chính sách ngoại giao Anh và hậu quả của nó đối với các đồng minh lâu năm.
Ông Nigel Inkster, cựu giám đốc phụ trách các chiến dịch và hoạt động tình báo của MI6 bày tỏ lo ngại đối với “một phần chính phủ Anh có khuynh hướng coi Trung Quốc không khác gì một đại siêu thị, mà ta có thể xuất khẩu mô hình trường Eton và Dulwich và các loại đồ mưa của Burberry mà ít có dân Anh thực sự mặc”.
Đà thay đổi chính sách về Trung Quốc của Anh chủ yếu đến từ George Osborne, nhân vật được giới nhà cái ưu tiên trong cuộc cá cược ai sẽ là người thay thế ông David Cameron lãnh đạo đảng Bảo thủ.
[h=2]Thời khắc vàng?[/h]
Image copyright
AFP
Nhiều nguồn từ chính phủ Anh nói với tôi rằng, “Thuyết Osborne” có dẫn tới sự thay đổi chiến lược đối với Trung Quốc, trong đó một người cho biết, thủ tướng đã để cho bộ trưởng tài chính điều khiển lịch trình và các thành viên nội các khác miễn cưỡng “bị kéo theo”.
Bộ trưởng tài chính muốn Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai vào cuối thập niên.
Ông Osborne quả quyết rằng đây là giờ khắc vàng, nơi Anh Quốc và Trung Quốc cùng chung lợi ích.
Nhưng không phải ai cũng bị thuyết phục.
Jonathan Fenby là nguyên tổng biên tập của báo Observer, đã viết nhiều sách về Trung Quốc. “Điều khiến tôi không yên về chính sách này là, cuối cùng thì chính quyền Anh cũng đặt lợi ích quốc gia quan trọng lên đây, theo nghĩa cơ sở hạ tầng và phát triển, dưới lòng từ bi của một chế độ như Bắc Kinh mà chúng ta không thực sự hiểu, mà chắc chắn là chúng ta không thể kiểm soát.”
[h=2]Lãnh đạo độc đoán[/h]
Image copyright
Getty
Cả ông Osborne và Ngoại trưởng Phillip Hammond nói họ nhấn mạnh vấn đề nhân quyền bên trong phòng họp, nhưng đừng mong đợi sẽ có những tuyên bố rộng rãi về giá trị của người Anh, bàn về những nghĩa vụ của hiệp ước ở Hong Kong, hay yêu cầu Chủ tịch Tập thả các luật sư nhân quyền, người công giáo hay bất kỳ nhóm người nào phải tù tội do các chiến dịch vận động của họ trong quá trình ba năm cầm quyền của ông Tập Cận Bình.
Chủ tịch Tập là nhà lãnh đạo độc đoán, mạnh tay hơn nhiều so với bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào khác kể từ thời Mao Trạch Đông. Con nhà Cộng sản nòi, người tin vào tính chính danh của cuộc cách mạng 1949 và sự cần thiết của chính thể độc đảng lãnh đạo Trung Quốc, mục tiêu quan trọng nhất của ông là dọn sạch các quan chức tham nhũng và tránh những gì đã xảy ra với chủ nghĩa cộng sản như trong thời Xô Viết.
Ông giải thích trong một bài diễn văn: "Vì sao Liên Xô tan rã? Một lý do quan trọng là lý tưởng và niềm tin của họ đã bị lung lay... Không một ai có đủ dũng khí đứng lên và chống lại."
Vậy chính sách mới "cùng nhau gắn bó" của Anh với Trung Quốc khiến các đồng minh lâu năm của chúng ta nghĩ gì? Hồi đầu năm nay, khi Anh hăng hái gia nhập Ngân hàng Đầu tư Phát triển Hạ tầng Á châu mặc cho Hoa Kỳ phản đối, một quan chức giấu tên của chính phủ Hoa Kỳ đã phàn nàn về sự ưu tiên của London đối với Bắc Kinh.
Các nhân vật chính trị cấp cao công nhận rằng chính phủ Hoa Kỳ không mấy hài lòng trước một số khía cạnh trong công cuộc chinh phục Trung Quốc của London, nhưng cho tới nay, điều này vẫn chưa cho thấy có cái giá lớn nào mà Anh phải trả, về mặt chia sẻ thông tin tình báo hay những việc quan trọng khác.
Nhưng Nigel Inkster cảnh báo rằng cần phải cảnh giác. "Trung Quốc là quốc gia cư xử bằng quyền lực cứng rắn, và là nước chưa bao giờ ngại theo đuổi lợi ích riêng của mình. Nếu Anh Quốc để lộ bất kỳ điểm yếu nào, những điểm này có thể bị tận dụng."
Khi Chủ tịch Trung Quốc tới Anh và quang cảnh tiếp đón hoành tráng dần mở ra, vị kiến trúc sư của “kỷ nguyên vàng”, ông George Osborne, có thể đã ngầm cầu nguyện rằng cuộc đổ xô đi tìm vàng Trung Quốc là phi vụ trúng quả chứ không phải là thùng thuốc súng có thể dẫn tới điều gì đó tồi tệ hơn.
Theo BBC Vietnamese