Con nước vừa ròng khi mặt trời còn đứng bóng, bãi biển dần lộ diện, hàng trăm bóng người lũ lượt kéo nhau xuống biển. Lầm lũi, cặm cụi, họ chăm chú nhìn sâu vào đáy cát, dưới mặt nước lấp xấp chưa kịp rút hết, tay thoăn thoắt móc và nhặt. Nghề móc nghêu ở bãi biển Bạc Liêu vậy mà cũng đã nuôi sống bao thế hệ người ven biển nơi đây.
Một buổi làm việc của những người đi nghêu bắt đầu con nước ròng, kéo dài tới khi mặt trời đã ngả sang phía Tây, hắt những tia nắng quái đỏ cành cạch lên bãi biển thẫm màu. Tay cầm móc, tay xách túi, một buổi lao động 5 tiếng đồng hồ của họ kiếm được chừng 10-14 ngàn đồng. Nghề móc nghêu ở bãi biển Bạc Liêu vậy mà cũng đã nuôi sống bao thế hệ người ven biển nơi đây. Còn những đứa trẻ chốn này lại đang tiếp tục cặm cụi dẫm lên bước chân của người đi trước.
Một ngày của thợ nghêu
''Hành trang'' của người đi móc nghêu đơn giản tới mức thô sơ: 1 cây móc bằng bất cứ vật liệu gì có thể cầm tay được, dài chừng 50cm, một đầu buộc bằng hai sợi thép uốn cong, mài nhọn để cắm sâu vào bùn. Và 1 chiếc túi xách theo để đựng nghêu.
Sông Bạc Liêu đổ ra biển tại ấp Nhà Mát, mang theo phù sa của đất liền bồi lên bãi biển này một thứ phù sa nặng màu, trơn trượt. Nước còn ngập đầu gối, tôi dò dẫm từng bước chân bám theo những bước lội thoăn thoắt của mấy người móc nghêu đi trước. Nước biển ở đây đánh lẫn với phù sa đặc quánh, mỗi bước lội lại sục tung lên thứ bùn đỏ quạch, trơn như bôi mỡ. ''Anh phải đi xa nữa'', Tâm, một cô bé đi nghêu ở đây, chỉ tay ra phía bãi xa chừng 500m nói với tôi, ''ngoài kia mới là bãi nghêu''.
Bãi nghêu còn lấp xấp nước, những người thợ đã vào việc. Đầu cúi, mắt đăm đăm nhìn sâu vào đáy nước tìm lỗ nghêu, họ đi xuôi theo dòng nước. Chậm rãi, thỉnh thoảng cây móc lại cắm sâu xuống, hất ngược lên, kéo theo cát, bùn và những thân nghêu trắng nẫn bé bằng đầu chiếc muỗng con. Chiếc móc khuơ ngang, kéo thân nghêu nằm phơi mình cho vào túi xách.
Tâm lật những thân nghêu lên khỏi bùn thành thạo như tìm thứ đồ vật quen thuộc ở trong túi mình. Chân bước, tay móc, thỉnh thoảng mới ngẩng đầu trả lời, trong khi tôi căng hết mắt cũng không thể nào nhận ra đâu là lỗ nghêu, lỗ cua và hàng trăm lỗ không khí khác. Bãi biển dưới chân tôi, dưới mắt tôi chỉ là một bãi cát pha phù sa qua bao nhiêu đời nay đã thành thứ đất bùn đen thẫm, dính bết vào chân. Bỗng chốc, tôi trở thành một thợ nghêu mới học nghề.
''Người đi móc nghêu thì mắt nhìn cho kỹ khi chân vẫn bước, tay móc cho đều. Anh để ý nghen, cái lỗ nghêu thì có dạng thế này này này...'', Tâm quay qua ''dạy nghề'' khi thấy tôi loay hoay ''đánh vật'' với hàng trăm cái lỗ nằm dưới chân mình. Tìm nghêu nằm sâu dưới cát cũng không phải là chuyện dễ. Người đi nghêu mắt phải tinh, tay phải lẹ mới có thể kiếm được vài ngàn trong một buổi lao động. Họ đi xuôi theo dòng nước, nhìn thấy chỗ nào bùn hơi lõm xuống, thỉnh thoảng lại có vài hạt bong bóng không khí trồi, đích thị là lỗ nghêu. Nhưng cái hạt bong bóng ấy nó bé lắm, nhìn không tinh, thì không biết nó trôi từ điểm nào trong cái đám bùn đen ngòm dưới mặt nước lấp xấp ấy.
Bãi nghêu ở Bạc Liêu vốn có từ bao giờ không ai biết, chỉ biết đến nay mỗi ngày cũng có gần trăm con người kiếm sống nhờ vào nó. Già có, trẻ có, người bắt lâu năm có thể kiếm được ngày gần chục ký nghêu, người ít thì ngày vài ba ký. Mỗi ký nghêu đưa lên bán cho những hộ nuôi nghêu được 2.000 đồng/ ký, nghĩa là một người bắt nhiều nhất cũng chỉ được gần 20.000 đồng/ ngày công lao động. Còn tôi, suốt hơn 4 tiếng đồng hồ bì bõm trong nước, chân tay bợt bạt, cổ cúi mỏi nhừ, mắt hoa, đầu váng mỗi khi ngẩng mặt lên, móc được... 9 con nghêu.
Chuyến đi nghêu của tôi kết thúc khi mặt trời đã ngả bóng, hắt thứ ánh nắng cuối ngày đỏ loá, gắt gao xuống bãi biển đen thẫm lớp nhớp bùn, cũng là khi những người đi nghêu lục tục ra về.
Lụi cụi theo nghêu, bỏ chữ
Tôi quen cô bé Tâm tình cờ như một thứ duyên. Lạc bước đến bãi nghêu, nghe tôi hỏi quá nhiều, Tâm cười như thách thức: ''Anh có muốn đi bắt nghêu cùng tụi em không?''. Xắn quần, tôi mạnh dạn lội xuống biển cùng Tâm và hai người bạn nữa.
Tâm bảo, cái nghề này cực lắm. Hồi mới làm, mỗi ngày đi về là mắt nhức, chân mỏi nhừ, ''nhưng làm riết rồi cũng quen thôi à''. Nụ cười lấp loá nắng, nhưng không giấu được nét buồn tủi ẩn sâu trong ánh mắt. Tâm mới vào nghề có hơn 1 tháng, trước đi lên thị xã làm thuê, sau vì ốm nên phải về nhà, theo bạn đến bãi nghêu. Gương mặt Tâm cháy nắng, đen nhẻm, chỉ có nụ cười tuổi 18 thì vẫn còn đôi chút tươi nguyên.
''Em học đến lớp 9 thì phải nghỉ vì nhà nghèo quá. Cũng đã 3 năm nay rồi. Rồi em đi học may, chỉ học trong trường phổ thông gần nhà thôi, nhưng mới được nửa tháng người ta đòi đóng 100 ngàn, không có nên phải nghỉ'', giọng Tâm buồn buồn. ''Nhà em ở cách đây gần 4 cây số, ngày nào cũng đạp xe tới chỗ này, làm đến tối thì về. Mình mới làm nên bắt được ít lắm, nhưng ở nhà không biết làm gì cũng buồn''... ''Nhà em làm rẫy, nhưng chỉ trồng mấy cây cải, cây rau thôi. Ba má em làm cũng hết việc rồi''.
Tâm không ngưng tay móc, giọng vẫn đều đều kể. Đưa cây móc nghêu cho tôi, Tâm dặn: ''Cẩn thận à nghen, nó mà gãy thì móc bằng tay đó. Cái này ba em làm cho. Trước đây, ba em cũng móc nghêu ở bãi này...''. Hỏi về chuyện học, Tâm lặng người: '' Em thèm học nhưng đâu có được. Nhà em có 4 chị em, hai chị đầu học tới lớp 5, lớp 7 thì phải nghỉ học, rồi đi lấy chồng. Sau em còn có đứa em đang học lớp 4 nữa. Chỉ mình em học nhiều nhất nhà đó''.
Mới vào nghề hơn một tháng, khuôn mặt Tâm đã cháy đen vì nắng, lòng bàn chân suốt ngày ngâm nước bạc thếch, nhưng lưng bàn chân thì nắng, nước và bùn đã ăn sâu vào da thịt. Hai bàn tay xách giỏ, nhấn móc nghêu đã lên chai sạn một lớp dày.
Hai chị em Thanh, Tuyên có thâm niên lâu hơn nên dấu ấn cát, nắng và những ngày tháng nhọc nhằn cũng rõ hơn trên gương mặt. Nhà cả ba người cùng ở một xã, nhà lại gần nhau, chính Thanh là người ''dạy việc'' cho cả Tâm và Tuyên. Hơn 1 năm cặm cụi trong nghề, mỗi ngày Thanh móc nhiều cũng chỉ được 5-7 kg nghêu, bán lại với giá 2.000đ/kg. Thanh năm nay mới 20 tuổi, Tuyên 19 còn Tâm vừa qua tuổi 18. Đa phần người đi nghêu ở đây chỉ là những đứa trẻ chưa hết tuổi đi học, thỉnh thoảng mới gặp vài người già.
Cả hai chị em Thanh đều đã nghỉ học từ lâu, và cũng chỉ biết mình ở Vĩnh Thạch Đông, không rõ huyện gì (!) vì ''người ở đây có đi đâu xa đâu mà cần biết hở anh'' (!). Mỗi ngày, cả hai chị em đều lóc cóc xe đạp đèo nhau đến bãi nghêu, làm đến tối mịt mới về. Nắng thì xuống biển phơi mình, mưa thì nghỉ vì không thể thấy lỗ nghêu. Những thợ nghêu tôi đã gặp đều không khỏi ngậm ngùi khi nói chuyện tương lai, vì dù nghĩ sẽ không làm cái nghề phơi mình này mãi, nhưng cả ba đều chưa biết sẽ làm gì để sống, ở nơi mà đời sống người dân bao đời đã quen lệ thuộc vào sự lam lũ này.
Thanh cười cam phận: ''Thì cứ làm ngày nào biết ngày đó thôi à. Ngồi không ở nhà, biết lấy gì mà ăn đây anh''. Cũng phải, học nghề thì không có vốn. Đi làm thì không có nghề gì lận lưng. Cái vòng luẩn quẩn đẩy hàng trăm người từ già đến trẻ đang ngày ngày hì hụp, cặm cụi xuống bãi biển phơi mình kiếm năm ba ngàn sống qua ngày. Không phải tất cả trong số đó đều chịu chung thân suốt đời với bãi nghêu, nhưng tôi chắc sẽ có không phải ít.
Cái nắng quái chiều quay quắt cứ hắt thẳng vào đám nghêu trắng loá, hắt thẳng vào mấy gương mặt sạm nắng của mấy cô gái còn quá trẻ. Tâm đã 18 tuổi, nhưng tôi cứ ngỡ như em mới qua tuổi 14-15 khi vừa gặp. Giọng Tâm lẫn vào tiếng nghêu va vào nhau lạo xạo: ''Mấy hôm trước tụi em có 4 đứa, vui lắm. Giờ một đứa lại phải nghỉ về đi học rồi...''. Ánh mắt em đầy tiếc nuối như vừa mất một vật gì thân thiết lắm, khi nhìn vào xa xăm.
Tôi cũng nhìn xa xăm về phía phố, nơi có bạn của Tâm vừa bỏ nghêu để theo học. Tôi muốn Tâm cũng đi về phía ấy để học lấy vài con chữ. Dù rằng học xong rồi Tâm lại về với "ruộng" nghêu của em...
Một buổi làm việc của những người đi nghêu bắt đầu con nước ròng, kéo dài tới khi mặt trời đã ngả sang phía Tây, hắt những tia nắng quái đỏ cành cạch lên bãi biển thẫm màu. Tay cầm móc, tay xách túi, một buổi lao động 5 tiếng đồng hồ của họ kiếm được chừng 10-14 ngàn đồng. Nghề móc nghêu ở bãi biển Bạc Liêu vậy mà cũng đã nuôi sống bao thế hệ người ven biển nơi đây. Còn những đứa trẻ chốn này lại đang tiếp tục cặm cụi dẫm lên bước chân của người đi trước.
Một ngày của thợ nghêu
''Hành trang'' của người đi móc nghêu đơn giản tới mức thô sơ: 1 cây móc bằng bất cứ vật liệu gì có thể cầm tay được, dài chừng 50cm, một đầu buộc bằng hai sợi thép uốn cong, mài nhọn để cắm sâu vào bùn. Và 1 chiếc túi xách theo để đựng nghêu.
Sông Bạc Liêu đổ ra biển tại ấp Nhà Mát, mang theo phù sa của đất liền bồi lên bãi biển này một thứ phù sa nặng màu, trơn trượt. Nước còn ngập đầu gối, tôi dò dẫm từng bước chân bám theo những bước lội thoăn thoắt của mấy người móc nghêu đi trước. Nước biển ở đây đánh lẫn với phù sa đặc quánh, mỗi bước lội lại sục tung lên thứ bùn đỏ quạch, trơn như bôi mỡ. ''Anh phải đi xa nữa'', Tâm, một cô bé đi nghêu ở đây, chỉ tay ra phía bãi xa chừng 500m nói với tôi, ''ngoài kia mới là bãi nghêu''.
Bãi nghêu còn lấp xấp nước, những người thợ đã vào việc. Đầu cúi, mắt đăm đăm nhìn sâu vào đáy nước tìm lỗ nghêu, họ đi xuôi theo dòng nước. Chậm rãi, thỉnh thoảng cây móc lại cắm sâu xuống, hất ngược lên, kéo theo cát, bùn và những thân nghêu trắng nẫn bé bằng đầu chiếc muỗng con. Chiếc móc khuơ ngang, kéo thân nghêu nằm phơi mình cho vào túi xách.
Tâm lật những thân nghêu lên khỏi bùn thành thạo như tìm thứ đồ vật quen thuộc ở trong túi mình. Chân bước, tay móc, thỉnh thoảng mới ngẩng đầu trả lời, trong khi tôi căng hết mắt cũng không thể nào nhận ra đâu là lỗ nghêu, lỗ cua và hàng trăm lỗ không khí khác. Bãi biển dưới chân tôi, dưới mắt tôi chỉ là một bãi cát pha phù sa qua bao nhiêu đời nay đã thành thứ đất bùn đen thẫm, dính bết vào chân. Bỗng chốc, tôi trở thành một thợ nghêu mới học nghề.
''Người đi móc nghêu thì mắt nhìn cho kỹ khi chân vẫn bước, tay móc cho đều. Anh để ý nghen, cái lỗ nghêu thì có dạng thế này này này...'', Tâm quay qua ''dạy nghề'' khi thấy tôi loay hoay ''đánh vật'' với hàng trăm cái lỗ nằm dưới chân mình. Tìm nghêu nằm sâu dưới cát cũng không phải là chuyện dễ. Người đi nghêu mắt phải tinh, tay phải lẹ mới có thể kiếm được vài ngàn trong một buổi lao động. Họ đi xuôi theo dòng nước, nhìn thấy chỗ nào bùn hơi lõm xuống, thỉnh thoảng lại có vài hạt bong bóng không khí trồi, đích thị là lỗ nghêu. Nhưng cái hạt bong bóng ấy nó bé lắm, nhìn không tinh, thì không biết nó trôi từ điểm nào trong cái đám bùn đen ngòm dưới mặt nước lấp xấp ấy.
Bãi nghêu ở Bạc Liêu vốn có từ bao giờ không ai biết, chỉ biết đến nay mỗi ngày cũng có gần trăm con người kiếm sống nhờ vào nó. Già có, trẻ có, người bắt lâu năm có thể kiếm được ngày gần chục ký nghêu, người ít thì ngày vài ba ký. Mỗi ký nghêu đưa lên bán cho những hộ nuôi nghêu được 2.000 đồng/ ký, nghĩa là một người bắt nhiều nhất cũng chỉ được gần 20.000 đồng/ ngày công lao động. Còn tôi, suốt hơn 4 tiếng đồng hồ bì bõm trong nước, chân tay bợt bạt, cổ cúi mỏi nhừ, mắt hoa, đầu váng mỗi khi ngẩng mặt lên, móc được... 9 con nghêu.
Chuyến đi nghêu của tôi kết thúc khi mặt trời đã ngả bóng, hắt thứ ánh nắng cuối ngày đỏ loá, gắt gao xuống bãi biển đen thẫm lớp nhớp bùn, cũng là khi những người đi nghêu lục tục ra về.
Lụi cụi theo nghêu, bỏ chữ
Tôi quen cô bé Tâm tình cờ như một thứ duyên. Lạc bước đến bãi nghêu, nghe tôi hỏi quá nhiều, Tâm cười như thách thức: ''Anh có muốn đi bắt nghêu cùng tụi em không?''. Xắn quần, tôi mạnh dạn lội xuống biển cùng Tâm và hai người bạn nữa.
Tâm bảo, cái nghề này cực lắm. Hồi mới làm, mỗi ngày đi về là mắt nhức, chân mỏi nhừ, ''nhưng làm riết rồi cũng quen thôi à''. Nụ cười lấp loá nắng, nhưng không giấu được nét buồn tủi ẩn sâu trong ánh mắt. Tâm mới vào nghề có hơn 1 tháng, trước đi lên thị xã làm thuê, sau vì ốm nên phải về nhà, theo bạn đến bãi nghêu. Gương mặt Tâm cháy nắng, đen nhẻm, chỉ có nụ cười tuổi 18 thì vẫn còn đôi chút tươi nguyên.
''Em học đến lớp 9 thì phải nghỉ vì nhà nghèo quá. Cũng đã 3 năm nay rồi. Rồi em đi học may, chỉ học trong trường phổ thông gần nhà thôi, nhưng mới được nửa tháng người ta đòi đóng 100 ngàn, không có nên phải nghỉ'', giọng Tâm buồn buồn. ''Nhà em ở cách đây gần 4 cây số, ngày nào cũng đạp xe tới chỗ này, làm đến tối thì về. Mình mới làm nên bắt được ít lắm, nhưng ở nhà không biết làm gì cũng buồn''... ''Nhà em làm rẫy, nhưng chỉ trồng mấy cây cải, cây rau thôi. Ba má em làm cũng hết việc rồi''.
Tâm không ngưng tay móc, giọng vẫn đều đều kể. Đưa cây móc nghêu cho tôi, Tâm dặn: ''Cẩn thận à nghen, nó mà gãy thì móc bằng tay đó. Cái này ba em làm cho. Trước đây, ba em cũng móc nghêu ở bãi này...''. Hỏi về chuyện học, Tâm lặng người: '' Em thèm học nhưng đâu có được. Nhà em có 4 chị em, hai chị đầu học tới lớp 5, lớp 7 thì phải nghỉ học, rồi đi lấy chồng. Sau em còn có đứa em đang học lớp 4 nữa. Chỉ mình em học nhiều nhất nhà đó''.
Mới vào nghề hơn một tháng, khuôn mặt Tâm đã cháy đen vì nắng, lòng bàn chân suốt ngày ngâm nước bạc thếch, nhưng lưng bàn chân thì nắng, nước và bùn đã ăn sâu vào da thịt. Hai bàn tay xách giỏ, nhấn móc nghêu đã lên chai sạn một lớp dày.
Hai chị em Thanh, Tuyên có thâm niên lâu hơn nên dấu ấn cát, nắng và những ngày tháng nhọc nhằn cũng rõ hơn trên gương mặt. Nhà cả ba người cùng ở một xã, nhà lại gần nhau, chính Thanh là người ''dạy việc'' cho cả Tâm và Tuyên. Hơn 1 năm cặm cụi trong nghề, mỗi ngày Thanh móc nhiều cũng chỉ được 5-7 kg nghêu, bán lại với giá 2.000đ/kg. Thanh năm nay mới 20 tuổi, Tuyên 19 còn Tâm vừa qua tuổi 18. Đa phần người đi nghêu ở đây chỉ là những đứa trẻ chưa hết tuổi đi học, thỉnh thoảng mới gặp vài người già.
Cả hai chị em Thanh đều đã nghỉ học từ lâu, và cũng chỉ biết mình ở Vĩnh Thạch Đông, không rõ huyện gì (!) vì ''người ở đây có đi đâu xa đâu mà cần biết hở anh'' (!). Mỗi ngày, cả hai chị em đều lóc cóc xe đạp đèo nhau đến bãi nghêu, làm đến tối mịt mới về. Nắng thì xuống biển phơi mình, mưa thì nghỉ vì không thể thấy lỗ nghêu. Những thợ nghêu tôi đã gặp đều không khỏi ngậm ngùi khi nói chuyện tương lai, vì dù nghĩ sẽ không làm cái nghề phơi mình này mãi, nhưng cả ba đều chưa biết sẽ làm gì để sống, ở nơi mà đời sống người dân bao đời đã quen lệ thuộc vào sự lam lũ này.
Thanh cười cam phận: ''Thì cứ làm ngày nào biết ngày đó thôi à. Ngồi không ở nhà, biết lấy gì mà ăn đây anh''. Cũng phải, học nghề thì không có vốn. Đi làm thì không có nghề gì lận lưng. Cái vòng luẩn quẩn đẩy hàng trăm người từ già đến trẻ đang ngày ngày hì hụp, cặm cụi xuống bãi biển phơi mình kiếm năm ba ngàn sống qua ngày. Không phải tất cả trong số đó đều chịu chung thân suốt đời với bãi nghêu, nhưng tôi chắc sẽ có không phải ít.
Cái nắng quái chiều quay quắt cứ hắt thẳng vào đám nghêu trắng loá, hắt thẳng vào mấy gương mặt sạm nắng của mấy cô gái còn quá trẻ. Tâm đã 18 tuổi, nhưng tôi cứ ngỡ như em mới qua tuổi 14-15 khi vừa gặp. Giọng Tâm lẫn vào tiếng nghêu va vào nhau lạo xạo: ''Mấy hôm trước tụi em có 4 đứa, vui lắm. Giờ một đứa lại phải nghỉ về đi học rồi...''. Ánh mắt em đầy tiếc nuối như vừa mất một vật gì thân thiết lắm, khi nhìn vào xa xăm.
Tôi cũng nhìn xa xăm về phía phố, nơi có bạn của Tâm vừa bỏ nghêu để theo học. Tôi muốn Tâm cũng đi về phía ấy để học lấy vài con chữ. Dù rằng học xong rồi Tâm lại về với "ruộng" nghêu của em...