The Hurt Locker – Chiến tranh là một thứ gây nghiện

Jolie

Member
The Hurt Locker (*) - bộ phim vừa đánh bại siêu phẩm Avatar và đạt 6 giải Oscar trong đó có giải phim hay nhất và dựng phim xuất sắc nhất làm nhiều người bất ngờ. Điều gì khiến một bộ phim có kinh phí 11 triệu đô la có thể đánh bại một Avatar gây chấn động thế giới với 250 triệu đô la đầu tư? Trước hết là cách kể chuyện của bộ phim. Một bộ phim, rốt cục là việc kể lại cho người xem một câu chuyện bằng hình ảnh và âm thanh. Đối với đa số các bộ phim được xây dựng dựa trên tiểu thuyết có cùng một kết cấu như sau: có vài nhân vật chính, giữa các nhân vật chính có mâu thuẫn với nhau, bộ phim sẽ kể lại cho người xem các nhân vật chính giải quyết mâu thuẫn thế nào, thêm thắt vào đó là những nhân vật phụ và điều quan trọng nhất là phải lồng vào trong đó 1 câu chuyện tình yêu. Thông qua các tình tiết và cách giải quyết mâu thuẫn, thông điệp của bộ phim sẽ đc truyền đến khán giả. 90% các bộ phim mà chúng ta xem có kết cấu như vậy! Đó là cách làm phim khá cổ điển dựa trên cách viết truyện khá cổ điển! Đối thủ nặng ký tranh giải Oscar năm nay là bộ phim Avatar cũng theo phong cách này.

Nhưng The Hurt Locker lại không phải là một bộ phim mang phong cách cổ điển như vậy! Xem The Hurt Locker ta như xem một bộ phim tài liệu, một bộ phim gồm các đoạn phim giới thiệu về việc phá mìn và chiến đấu của quân Mĩ ở Iraq. Từ cách cầm máy quay đôi khi rung rung mờ mờ, góc quay từ phía sau lưng quân Mĩ và kẻ thù lúc ẩn lúc hiện phía các góc đường xa xa đến cách lia máy quay đôi khi rất gấp gáp như giật mình vì nghe tiếng nổ ở phía bên cạnh... thật sự là không khác mấy so với các bản tin chiến trường trên CNN hay BBC. Cách xây dựng phim này giống cách viết truyện hiện đại, kể chuyện ở ngôi thứ nhất, chỉ nói đến những gì mình chứng kiến chứ không phải sắm vai chúa trời biết tất cả mọi việc như trong cách kể chuyện cổ điển. Hiệu ứng đem lại là khán giả có cảm giác chân thật và tin tưởng vào những gì mình nhìn thấy trên màn ảnh là sự thật ngoài đời.
dachurt2.jpg

Nhân vật chính của phim là James, một người lính có ngoại hình bình thường, không đẹp trai như Tom Cruise trong Sinh ngày 4 tháng 7, không dữ dằn góc cạnh như Willem Dafoe trong Trung đội, không lãng tử bất cần đời như Sylvester Stallone trong Rambo... đó chỉ là một người lính Mĩ da trắng điển hình dễ bị mất hút giữa đám đông quân lính.Tất nhiên đó chỉ là ngoại hình, còn trong các tình huống của phim James luôn là người dũng cảm đi đầu vào những nơi khó khăn, anh ta vô cùng bình tĩnh và khôn ngoan trước các âm mưu đặt bom hay phục kích của kẻ thù. Khi bị ngắm bắn sau lưng, James trấn an đồng đội tiêu diệt kẻ ngắm bắn, khi phải phá bom do kẻ thù cài lại, James luôn biết rằng cách hành động dường như nguy hiểm nhất lại là cách an toàn và hiệu quả nhất. James đã phá hơn 800 quả bom mà không bị thương, cách anh phá bom thản nhiên và chuyên nghiệp như nông dân Việt nam trồng lúa nước hay công nhân Trung quốc lắp ráp đồ chơi trẻ em vậy!
James không phải là siêu nhân. Trong The Hurt Locker không có các siêu nhân, chỉ có những người lính bình thường, họ chuyên nghiệp lúc chiến đấu nhưng cũng có lúc rượu chè, đánh lộn... và cả đôi khi bỗng nảy ra trong đầu ý nghĩ sát hại nhau vì tức giận. James rất giỏi nhưng anh ta cũng giống mọi người lính Mĩ khác.
118hurt3.jpg

Nếu nội dung chỉ có vậy, The Hurt Locker có lẽ đúng là 1 bộ phim tài liệu "Lính Mĩ sống và chiến đấu như thế nào ở Iraq" hoặc cùng lắm là "Một anh hùng phá bom của quân đội Mĩ sống và chiến đầu như thế nào". Điều chủ yếu làm nên sự khác biệt giữa một bộ phim tài liệu chiến tranh và một tác phẩm điện ảnh đoạt 6 giải Oscar nằm ở 20 phút cuối cùng . Một người đàn ông Iraq bị ép buộc phải đánh bom liều chết bằng cách gắn bom quanh người. Ông ta cầu xin sự giúp đỡ của lính Mĩ và muốn sống sót về với gia đình.Thời gian chỉ còn 2 phút, cả đội phá bom đều hiểu rằng không còn đủ thời gian để giải cứu người đàn ông này. Tuy nhiên James vẫn cố gắng sử dụng mọi biện pháp đến những giây cuối cùng. James mở được một khóa nhưng còn rất nhiều khóa khác, chỉ còn 3 giây, James buộc phải bỏ chạy để sống sót. Vụ nổ làm James bị thương nhưng anh vẫn có thể lái xe về căn cứ. Trong câu chuyện trên xe của James với đồng đội, người xem mới vỡ lẽ ra rằng, khác với ý nghĩ ban đầu cho rằng James dám dấn thân vào những nơi nguy hiểm nhất có thể vì anh không có gì để mất. Trái lại, anh có một mái ấm hạnh phúc ở hậu phương, nơi có người vợ đẹp và một đứa con trai kháu khỉnh chờ anh. Khi trở về quê nhà, sống yên bình cùng vợ con, vẫn luôn có một điều gì thôi thúc James quay lại với cuộc sống người lính trước kia. Như câu nói mở đầu bộ phim: Chiến tranh là một thứ gây nghiện (War is a drug), James đăng kí trở lại Iraq và hình ảnh ngày đầu tiên trở lại Iraq của James là hình ảnh cuối cùng của bộ phim.
Đến đây thì bộ phim không còn khó hiểu nữa. James chính là hình ảnh của nước Mĩ và bộ phim là những lời phân trần cho hành động quân sự của nước Mĩ hiện nay. Kể từ thế chiến thứ 2 đến giờ, quân đội Mĩ luôn là quân đội năng động nhất thế giới, hầu như bất kì cuộc xung đột vũ trang nào trên thế giới đều dẫn đến sự có mặt của quân Mĩ. Cả thế giới đặt câu hỏi là điều gì khiến cho họ như mắc nghiện với chiến tranh vậy? Câu trả lời mà người Mĩ mong muốn gửi đến thế giới nằm trong bộ phim này. Hình ảnh của James như hiện thân của quân đội Mĩ, anh ta giỏi giang mạnh mẽ và có cả những thói quen xấu của người lính, nhưng trên hết anh ta rất tình người. Anh ta đến không phải để xâm chiếm hay tàn sát, anh ta đến để giúp những người dân bình thường, để gỡ ngòi nổi những cuộc xung đột, giết hại lẫn nhau tại những quốc gia này.
dafhurt1.jpg



Không đề cao hay phủ nhận cuộc chiến mà người Mĩ tiến hành ở Iraq, bộ phim chỉ xây dựng một hình ảnh người lính Mĩ mới. Sau hình ảnh một chàng thanh niên tràn đầy lí tưởng bị chiến tranh biến thành tàn phế và mất niềm tin về tương lai trong Sinh ngày 4 tháng 7; một người lính mạnh mẽ phải chiến đấu chống lại những người cùng hàng ngũ với mình trong Trung đội hay một cựu chiến binh trở nên lạc lõng với xã hội khi phục viên trở về trong Rambo; giờ đây điện ảnh Mĩ lại có một hình tượng mới về người lính: trung sĩ William James trong The Hurt Locker – một người nghiện chiến tranh.

Nguyễn Văn Trinh

(*) The hurt locker –một từ lóng quân sự dùng để chỉ chiếc hộp đựng các di vật của người lính khi họ hy sinh. Từ “locker” trong tiếng Mĩ được dùng để chỉ một chiếc hộp đựng những vật dụng quen thuộc như quần áo, giày dép.
 
Back
Top