The King’s Speech liệu có xứng đáng đoạt giải Oscar?

T

T$

Guest
Tại Oscar 2011, có lẽ không có bộ phim nào có sự lên xuống thất thường như The King’s Speech. Vốn tạo được dư luận tốt từ khi được công chiếu tại Anh, bộ phim nói về nhà vua King George VI này đã được coi là một ứng cử viên sáng giá tại Giải thưởng của Viện hàn lâm Hoa Kỳ. Thế nhưng, sự nổi lên bất ngờ của The Social Network, bộ phim mới nhất của đạo diễn kỳ tài David Fincher, đã khiến lu mờ cơ hội chiến thắng của The King’s Speech. Tuy thế, trong đêm trao giải Oscar vào tối qua, bộ phim Anh kia đã thu hút mọi ánh sáng mà trước đây tưởng chừng là của The Social Network.

110301Cinekingspeech03.jpg

Bộ phim The King’s Speech là câu chuyện kể về Ngài Albert (do Colin Firth đóng), con trai của vua George V. Trong khi đọc diễn văn trước cuộc Triển Lãm Đại Đế (Empire Exhibition) năm 1925 tại sân vận động Wembley, khán giả không thể nghe nổi một chữ nào của ông bởi vì tật cà lăm và nhút nhát. Khuyết tật này khiến ngài Albert khổ sở vì bị hoàng gia chế nhạo, nhất là vua cha. Hoàng đế George V (Michael Gambon), vị quân vương đầu tiên của triều đình Anh Quốc, gửi thông điệp chúc mừng lễ Giáng Sinh đến công chúng trên đài phát thanh năm 1925, cho rằng truyền thanh đòi hỏi các vị vua phải có tài như nghệ sĩ, ngụ ý ám chỉ ngài Albert cà lăm không bao giờ có thể làm hoàng đế. Albert đã chữa tật nói lắp bằng cách hút thuốc để thông cổ, ngậm bảy viên bi đã khử trùng trong miệng, nhưng vẫn không có kết quả.

110301Cinekingspeech04.jpg

Vợ của ông, nữ công tước Elizabeth (Helena Bonham Carter), dưới tên giả là bà Johnson, đã đi tìm Lionel Logue (Geoffrey Rush), chuyên gia trị liệu thanh âm người Úc cư ngụ tại Luân Đôn, nhờ ông chữa bệnh cho chồng. Những bài học bất quy tắc, không theo đúng một qui luật nào, và thái độ trịch thượng của Logue khiến ngài Albert tức giận. Logue gọi Albert là “Bertie”, tên một giống vật của gia đình Albert, không cho ông hút thuốc, buộc ông độc thoại câu nói trong vở Hamlet “To be or not to be”, trong khi nghe nhạc kịch “Đám cưới Figaro” của Mozart, rồi ghi âm lại.

110301Cinekingspeech07nmnn.jpg


Suốt quá trình thực nghiệm cuộc trị liệu, ngài công tước cà lăm kinh ngạc nhận ra mình đọc rất trôi chảy kịch Shakespears. Tình bạn thân thiết giữa AlbertLogue nảy nở, giúp ông thổ lộ với Logue những chấn động tâm lý thời niên thiếu: bị vua cha đàn áp, hoàng gia ruồng rẫy coi thường, bị ép phải niềng răng khi mới ba tuổi, bị bà vú lấy bớt phần ăn mà không ai biết… Những điều ấy đã trở thành nguyên nhân gây ra tật cà lăm của ông, vì ông muốn nói theo cách của ông. Logue đã giúp Albert có tiếng nói của riêng ông như ông ao ước, khích lệ Albert tập đọc bằng giọng bình thường, tự tin. Logue khẳng định Albert thật có thể làm vua. Điều này khiến Albert nổi giận, cho rằng Logue chế nhạo ông, cắt đứt tình bạn với Logue. Cho đến khi Albert bất ngờ lên ngôi, trở thành vua George VI của Anh Quốc, lúc anh trai ông là vua Edward VIII (Guy Pearce) thoái vị. Quốc vương George VI lúc này thật sự cần đến Logue, đã đích thân xin lỗi, mong được ông trợ giúp. Và Logue hết lòng hết sức giúp George VI bỏ tật cà lăm, tự tin trong những lần đọc diễn văn, trở thành người lãnh đạo nước Anh chống phát-xít Đức những năm 1940.

110301Cinekingspeech02.jpg

Phải nhìn thấy sự diễn tả đầy kích động, căm phẫn, sợ hãi của Colin Firth khi hoá thân là ngài Albert cà lăm, và khi là vua George VI tự tin, uy nghi nghiêm cẩn đọc diễn văn trước công chúng hay trên đài phát thanh; cũng như phải theo dõi Lionel Logue, một bác sĩ trầm tĩnh kiên định, thẳng thắn khi uốn nắn người bệnh thuộc hàng con vua cháu chúa của ông vào nề nếp, khán giả mới hiểu tại sao The King’s Speech lại được chọn là phim hay.

110301Cinekingspeech05.jpg

Lý do chiến thắng của The King’s Speech nằm trong thông điệp của bộ phim: chỉ cần có ý chí, có tình thương của gia đình, có sự ủng hộ của tình bạn trung thực, người ta có thể thay đổi vận mệnh của mình và cả dân tộc. Nếu không có nghị lực phi thường, Albert cà lăm không thể trở thành vua George VI, vị vua phải lèo lái Anh Quốc trong hoàn cảnh lịch sử ngặt nghèo của thế chiến thứ hai. Nếu không có Logue, lịch sử Anh Quốc cũng chưa chắc đã có tiếng nói của quốc vương George VI. Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, nếu không có sự yêu thương kính trọng chồng của nữ công tước Elizabeth, có lẽ cũng không có một vị vua George VI đầy tình cảm.

110301Cinekingspeech01.jpg

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng bộ phim này chiến thắng ở Oscar là điều không quá khó đoán. Lý do thứ nhất là vì phần nội dung sâu sắc đã phân tích ở trên, thứ hai là do có phần phản chiến, chống lại Hitler. Do đó, nhiều người cho rằng Oscar năm nay nặng tính chính trị và mang tính chất dàn xếp nhiều hơn. Đó là lý do vì sao các bom tấn như Inception, Alice in Wonderland, The Social Network, Black Swan cũng đều có giải cho riêng mình, và khiến đạo diễn trẻ tuổi Tom Hooper chiến thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất, vượt qua các “cây đa, cây đề” như David Fincher, Darren Aronofsky, anh em nhà Coen.

110301Cinekingspeech06.jpg

Trong khi đó, đối thủ nặng ký nhất của The King’s SpeechThe Social Network thì thu nhận được ý kiến tốt cả từ giới chuyên môn lẫn giới phê bình. Sự hoàn thiện và việc gặt hái quá nhiều giải thưởng “tiền Oscar” của The Social Network (bao gồm 4 giải Quả Cầu Vàng) là rào cản chính của tất cả những bộ phim khác. Không những thế, bộ phim The Social Network còn đem tới nhiều lớp ý nghĩa ngầm ẩn sâu xa về mối quan hệ giữa người với người trong thời đại công nghệ thông tin, khi những quan hệ ảo làm nhiều người đánh mất những giá trị thật ở quanh mình. Nhiều người đang đặt ra câu hỏi, phải chăng câu chuyện về những mối quan hệ sa ngã của tuổi trẻ không thuyết phục bằng bài diễn thuyết giàu ý nghĩa nhưng nặng về ý nghĩa chính trị kia?

110301Cinekingspeech07nnn.jpg


Bộ phim The King’s Speech trình bày trước công chúng cuộc đời thật của một nhà vua, mà không cần lên gân quá mức. Thế giới cần những hình tượng, những kịch bản trung thực như vậy để mọi người tự rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Mồ hôi và nước mắt luôn thẫm ướt trên khuôn mặt hoảng sợ của ngài Albert cà lăm, nhưng ông đã chiến thắng sự bất toàn của chính mình một cách đáng khâm phục. Và bốn giải Oscar dành cho The King’s Speech chính là phần thưởng xứng đáng cho phần nội dung này.

110301Cinekingspeech07.jpg

Bộ phim The King’s Speech do đạo diễn Tom Hooper chỉ đạo, với sự tham gia diễn xuất của Colin Firth, Helena Bonham Carter, Geofrey Rush… Ra mắt từ ngày 24/12 tại Mỹ, bộ phim đã thu về hơn 20 giải thưởng lớn nhỏ cùng với 4 giải Oscar danh giá.

kenh 14
 
Back
Top