Tiền Giang: Bố mẹ tí hon sinh con cao như người mẫu

Jolie

Member
[h=2]Đôi vợ chồng tý hon Đức và Hân bán trái cây ở chợ Vòng Nhỏ cùng cao đúng... 1,1m. Vượt qua khó khăn, hạnh phúc tìm đến và mỉm cười với cuộc hôn nhân của vợ chồng tý hon khi đứa bé chào đời được các bác sỹ chẩn đoán "sẽ cao hơn bố mẹ rất nhiều".[/h]
Sự trùng hợp kỳ lạ của vợ chồng tý hon
Anh Huỳnh Công Đức (SN 1979, ngụ phường 6, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) còn được mọi người biết đến với cái tên Huỳnh Long "tý hon", sinh ra và lớn lên ở Tầm Vu (tỉnh Long An). Anh Đức cho biết: "Mẹ kể, tôi sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng lúc được 1-2 tuổi, tôi phát bệnh, cơ thể không lớn lên nữa. Đến tuổi trưởng thành, tôi chỉ cao được 1,1m và không phát triển nữa".
Vợ anh, chị Hồ Ngọc Hân cũng sinh năm 1979 và cao vừa đúng 1,1m bằng chiều cao của chồng. Chị Hân nhớ lại: "Từ lúc có mang tôi trong bụng, các bác sỹ đã báo cho mẹ biết, tôi bị dị tật, sẽ phát triển không bình thường. Thương con, mẹ tôi vẫn giữ cái thai chờ ngay sinh nở. Dẫu cơ thể tôi bé xíu, nhưng bù lại, mẹ bảo tôi rất khôn lanh, nói chuyện rất duyên nên bà con, lối xóm ai cũng yêu quý".
vo%20chong%20ty%20hon%20con%20ng%20mau%202.JPG

Ảnh cưới của anh Đức, chị Hân. Ảnh Hà Nguyễn.
Trai gái lớn lên, cha mẹ nào cũng nóng lòng cưới gả. Nhưng với hoàn cảnh đặc biệt của mình, anh Đức, chị Hân không dám mơ mộng. Vậy mà duyên số đẩy đưa, người ở Tầm Vu, kẻ ở Mỹ Tho lại gặp nhau rồi nên nghĩa vợ chồng.
Chị Hân kể: "Nhà tôi ở TP. Mỹ Tho, gần tiệm bán máy bơm nước. Những người làm nghề nông ở các tỉnh lân cận như Long An, Bến Tre... thường đến Mỹ Tho mua sắm máy móc. Bữa đó, anh Đức đi theo cậu từ Tầm Vu xuống Mỹ Tho mua máy bơm nước. Ông chủ tiệm thấy anh Đức nhỏ xíu giống tôi, lại có mặt mày sáng sủa nên ngỏ ý mai mối. Không ngờ, anh Đức nghe ông chủ miêu tả dáng hình của tôi xong, liền đồng ý đến xem mắt. Sau đó, tôi có nghe ba mẹ nói lại về việc có người đồng cảnh ngộ muốn xem mắt và tính chuyện cưới hỏi.
Tôi cũng hơi băn khoăn, chưa biết mặt mũi người ta, chưa có tình cảm, không biết sống có hạnh phúc hay không. Nhưng nghĩ, tôi được người ta cưới hỏi, ba mẹ tôi cũng hãnh diện, nở mặt nở mày với hàng xóm. Con nhà người ta xinh đẹp, cao ráo còn không ai dòm ngó, mình nhỏ xíu, xấu xí mà có người ưng thì chẳng nên kén chọn".
Nghĩ vậy nên chị Hân đồng ý cho người nhà anh Đức sang xem mắt. Lúc gặp anh Đức, chị Hân không dám hỏi han nhiều, đến tên còn chưa kịp biết. Nhưng sống với nhau lâu ngày, hai vợ chồng càng yêu thương, quấn quýt. Chị Hân hóm hỉnh cho biết: "Ngày xưa, ảnh đi cả tuần tôi còn chưa thấy nhớ. Bây giờ, ảnh chỉ đi đâu mấy tiếng đồng hồ, tôi đã lấy điện thoại gọi liên tục".
Hai nhà gặp nhau, vui vẻ bàn chuyện cưới xin. Nhưng ba chị Hân vẫn hết sức lo lắng cho đứa con gái "tý hon". "Ba sợ tôi đi xa, nhớ nhà rồi khóc lóc mà sinh bệnh. Thêm nữa, làm dâu nhà nông mà không biết cày cấy, không đủ sức khỏe quán xuyến chuyện nhà chồng thì dễ mất lòng, vợ chồng hục hặc. Nhưng tôi động viên ba rất nhiều, gia đình anh Đức cũng quý mến và hứa giúp đỡ hai vợ chồng", chị Hân kể.
Đám cưới cặp đôi tý hon diễn ra trong sự cổ vũ nồng nhiệt từ người thân và hiếu kỳ của hàng xóm vào năm 2000. Nhiều người ở xa, nghe chuyện lạ cũng thuê xe xuống tận mắt chứng kiến đám cưới có một không hai. Người xem đông đến mức làm sập cả rạp cưới. Vậy mà, anh chị không ai thấy phiền, bà con hai họ cũng lấy đó làm vui.
Chị Hân nói: "Ngày cưới của tôi, đài truyền hình Tiền Giang xuống quay lại, phát cho bà con xem. Tôi thấy vui nhưng anh Đức lại mặc cảm, ảnh rất ghét quay phim, chụp hình ảnh đưa lên báo. Tôi tự hào và bất ngờ mình vẫn có được diễm phúc lấy được người chồng tốt, có sính lễ đầy đủ, bà con tham dự đông vui".
vo%20chong%20ty%20hon%20con%20ng%20mau%201.JPG

Hai mẹ con chị Hân vui vẻ với nhau như hai người bạn. Ảnh Hà Nguyễn.
Phép màu của tạo hóa
Theo chồng về đất Tầm Vu, nhà cửa chìm trong biển lúa, sự quạnh quẽ của thôn quê không khiến chị Hân buồn. Bởi, nhà chồng hết sức yêu thương còn anh Đức xem chị như của quý mà ông trời ban tặng. Không ỷ lại, chị Hân cố gắng khắc phục những bất tiện xuất phát từ chiều cao khiêm tốn để làm tốt công việc ở nhà chồng. Ngoài ra, chị còn mở một tiệm tạp hóa nhỏ cho có đồng ra đồng vào phụ chồng tiền sinh hoạt trong gia đình. Thấy con chịu thương chịu khó, ba mẹ chồng đã mến lại càng thương, thấy việc nào nặng nhọc đều giành phần làm giúp.
Như một phép màu, chị Hân mang thai, không một dấu hiệu bất thường nào trong suốt 9 tháng thai nghén. Cơ thể nhỏ bé của người mẹ ấp ủ một đứa con đang dần lớn lên, mang theo bao kỳ vọng của hai bên gia đình. Ngày chị sinh, một bé gái trắng hồng, xinh xắn khóc òa trong bàn tay kỳ diệu của các bác sỹ bệnh viện Từ Dũ.
"Khi nghe các bác sỹ của bệnh viện Từ Dũ khẳng định con gái sẽ phát triển bình thường, tôi mừng phát khóc. Hai vợ chồng đã đắn đo rất nhiều mới quyết định có con. Chúng tôi sợ những mặc cảm sẽ truyền đến đời con. Nhưng may mắn, con gái tôi càng lớn càng xinh và mới học lớp 7 mà đã cao đến 1,5m".
Huỳnh Ngọc Tiên, cô con gái xinh đẹp, cao ráo của vợ chồng tý hon, cái tên mang thêm ý nghĩa của sự may mắn, màu nhiệm của tạo hóa. Chẳng ai dám nghĩ, hai vợ chồng tý hon lại có thể sinh ra một đứa con phát triển bình thường. Và hạnh phúc hơn, con gái của anh chị không mặc cảm, tự ti về ba mẹ. Tiên sẽ trừng mắt khi bất cứ bạn nào dám chê "ba mẹ mày lùn, ba mẹ mày bị bệnh, ba mẹ mày tý hon". Hoặc, Tiên sẽ giậm chân bày tỏ thái độ không hài lòng với các bạn và bỏ đi nơi khác.
"Bé thương ba mẹ lắm. Bé và ba mẹ như những người bạn chân thành, chia sẻ tất cả buồn vui, không có khoảng cách thế hệ giữa chúng tôi và con cái. Tiên học giỏi, năm nào cũng được khen thưởng. Tôi thường dặn con gái, con cứ ráng học, tới đâu ba mẹ cũng cố lo cho con", chị Hân tự hào khi nói về con gái.
vo%20chong%20ty%20hon%20con%20ng%20mau%203.JPG

Anh Đức và người bạn thân. Ảnh Hà Nguyễn.
Cổ tích có hậu
Có con, vợ chồng tý hon chí thú làm ăn. Ở quê, làm ăn không khá, hai vợ chồng đưa nhau về ở tạm nhà vợ tại Mỹ Tho để buôn bán trái cây. Anh Đức không biết chạy xe nên hai vợ chồng cố công tìm được một chiếc xe đạp trẻ con để anh tập. Anh bỏ mặc cảm sang một bên, quyết tập chạy xe cho bằng được. Lăn lóc mãi, anh cũng đi xe đạp được. Chạy được xe đạp, anh chuyển qua tập chạy xe gắn máy. Mua chiếc xe hai bánh, về nhà, anh tự chế thêm hai bánh phụ chở trái cây bỏ mối, đi vườn mua trái cây.
Công việc buôn bán nặng nhọc, khuân vác mấy cần xé trái cây nặng trịch, anh cũng cố gắng làm. Cái nào quá sức, mấy anh em bán hàng ở chợ phụ giúp mỗi người một chút cũng xong. Từ lúc, anh chị chuyển qua buôn bán trái cây, nhờ tài ủ xoài của anh, cái duyên của chị mà hàng bán lúc nào cũng đắt.
Sau những tháng ngày cố gắng, ky cóp, đến nay, hai vợ chồng anh Đức mua được nhà và ra ở riêng. Ngoài việc buôn bán ở chợ, việc nhà hai vợ chồng chia nhau làm, cô con gái nhỏ cũng phụ giúp lặt vặt. Tiếng cười đùa không bao giờ dứt ở ngôi nhà nhỏ có vợ chồng tý hon và cô con gái xinh xắn, ngoan hiền.
Một ngày của vợ chồng tý hon bắt đầu từ 3-4h sáng với công việc buôn bán trái cây ngoài chợ và kết thúc bằng việc rước con gái đi học về. Hình ảnh người cha bé xíu, cố gắng lái xe chở cô con gái cao lêu nghêu, chạy xe ngoằn ngoèo trên con đường hẻm sâu hun hút trong màu nắng nhạt của hoàng hôn, gieo vào lòng người như trang kết của một câu chuyện cổ tích có hậu.
Chị Hân chia sẻ: "Hoàn cảnh gia đình tôi đặc biệt nên nhiều người cũng xúc động. Những người hảo tâm đã góp sức mua sữa, gửi quà tiền cho chúng tôi nuôi con. Bệnh viện Từ Dũ cũng không lấy tiền viện phí khi tôi sinh nở. Nay, công việc đã ổn định, vợ chồng tôi có thể tự chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Tuy nhiên, dù hai vợ chồng nhận được sự yêu thương của nhiều người nhưng khi buôn bán ở chợ cũng có vài người không thích. Họ lấy bất hạnh của mình ra cười cợt, chế giễu để hai vợ chồng buồn tủi mà nghỉ bán".
NGỌC LÀI- HÀ NGUYỄN

Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn



 
Back
Top