T
T$
Guest
AFP
Image caption
Cuộc gặp 7/11 được cho như hội đàm lịch sử giữa hai bên
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp 'lịch sử' ở Singapore vào thứ Bảy 7/11.
Đây là lần đầu tiên nguyên thủ hai bên hội đàm với nhau.
Cả hai cùng cho biết cuộc gặp sẽ tập trung vào quan hệ qua eo biển Đài Loan.
Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một tỉnh, lãnh thổ 'không thể tách rời' của Trung Quốc và tuyên bố chủ quyền với hòn đảo này sau năm 1949, khi Quốc dân đảng rút khỏi Hoa lục.
Bắc Kinh đã từng dọa sẽ dùng vũ lực nếu Đài Loan đòi độc lập.
Tuy nhiên quan hệ giữa hai bên đã cải thiện sau khi ông Mã lên làm tổng thống năm 2008.
[h=2]Thúc đẩy hòa bình[/h]Phát ngôn viên của chính phủ Đài Loan Trần Dĩ Tín nói mục tiêu của Tổng thống Mã Anh Cửu là "thúc đẩy hòa bình qua eo biển Đài Loan và giữ nguyên hiện trạng".
Ông nói: "Sẽ không có thỏa thuận nào được ký kết và cũng không có thông cáo chung".
Tuy nhiên ông tổng thống sẽ chủ trì một cuộc họp báo vào thứ Năm 5/11 để giải thích quyết định tham gia hội đàm.
Giới chức cũng cho hay ủy ban chuyên trách quan hệ với Đại lục của Đài Loan sẽ có cuộc họp báo về chủ đề này vào chiều thứ Tư 4/11.
Tân Hoa Xã nói hai vị lãnh đạo sẽ "trao đổi quan điểm về cách thức thúc đẩy phát triển quan hệ qua Eo biển một cách hòa bình".
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói Hoa Kỳ hoan nghênh bất kỳ nỗ lực nào nhằm giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ, nhưng nói thêm: "Chúng ta phải chờ xem cuộc họp này có mang lại kết quả gì hay không".
[h=2]Các mốc dấu chính[/h]
- 1949: Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch chay ra Đài Loan lập chính phủ
- 1971: Đài Loan mất ghế ở Liên Hiệp Quốc
- 1979: Mỹ lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nhưng tuyên bố bảo vệ Đài Loan
- 1993: Trung-Đài tiếp xúc trực tiếp lần đầu tiên ở Singapore
- 2005: Bắc Kinh thông qua luật cấm Đài Loan tách khỏi Hoa lục
- 2008: Mã Anh Cửu lên làm tổng thống, nối lại đối thoại cao cấp giữa hai bên
Hồi tháng Bảy 2009, hai ông Mã và Tập đã có tiếp xúc trong vai trò là lãnh đạo hai đảng chứ không phải lãnh đạo quốc gia.
Một năm sau đó, Đài Loan và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại lịch sử.
Tuy nhiên giới phóng viên nói quan ngại ngày càng gia tăng về ảnh hưởng của Trung Quốc đã khiến nhiều người Đài Loan bức xúc.
Quốc dân đảng năm ngoái thảm bại trong bầu cử địa phương, và kết quả này được xem là phản ứng của người dân trước việc ông Mã xích lại gần Trung Quốc.
Sang 2016 Tổng thống Mã Anh Cửu sẽ ra đi sau hai nhiệm kỳ và hồi đầu tháng này, Quốc dân đảng đã rút ứng viên của họ khỏi cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 1 vì kết quả quá kém trong các cuộc trưng cầu dân ý.
Các phân tích gia nói có thể Trung Quốc xem cuộc gặp giữa hai ông Mã và Tập như cơ hội cuối cùng để thúc đẩy quan hệ vì Quốc dân đảng có thể sẽ thất cử.
Trung Quốc cũng gây áp lực với các nước, yêu cầu không được có quan hệ chính thức với Đài Bắc. Kết quả là Đài Loan chỉ có quan hệ ngoại giao với 21 nước thành viên Liên Hiệp Quốc.
Đài Loan không có ghế tại Liên Hiệp Quốc từ năm 1971 và cho tới nay không thành công trong việc hiện diện trở lại ở tổ chức này.
Theo BBC Vietnamese