Trong một tuyên bố thuộc loại hiếm hoi, hôm nay nhật báo của quân đội Trung Quốc chỉ ra rằng nước này cần có lực lượng hạt nhân đủ để trả đũa những cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân của đối phương.
Ảnh chụp những nhà máy đóng cửa tại nơi Trung Quốc đã thử vũ khí hạt nhân đầu tiên ở huyện Haiyan, tỉnh Thanh Hải hôm 14/4. Ảnh: Reuters.
Thiếu tướng quân đội đã về hưu Xu Guangyu viết xã luận trên tờ nhật báo Quân đội Giải phóng, rằng Trung Quốc cần có lực lượng răn đe hạt nhân tối thiểu và tránh chạy đua vũ trang.
"Trung Quốc kiên quyết tuân thủ chiến lược hạt nhân phòng vệ và đã luôn tôn trọng triệt để chính sách sẽ không bao giờ là bên đầu tiên dùng vũ khí nguyên tử trong bất cứ thời gian hay địa điểm nào", Reuters dẫn lời ông Xu viết. Hiện ông là nhà nghiên cứu của Tổ chức giải trừ và kiểm soát vũ khí của nhà nước.
"Điểm cơ bản nhất trong chiến lược hạt nhân của Trung Quốc, nói ngắn gọn, là để ngăn chặn chứ không đe dọa".
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Reuters, Xu cho biết bài bình luận của ông nhằm giải tỏa những lo lắng của các nước về lập trường hạt nhân của Trung Quốc, đặc biệt là Nhật, Ấn Độ và Mỹ.
Nga và Mỹ mới đây ký kết hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân, theo đó mỗi nước sẽ giới hạn số đầu đạn đã triển khai ở mức 1.550.
Giống như tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, Trung Quốc giữ bí mật về kho vũ khí của mình. Vụ thử nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc là vào năm 1964. Học viên nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm ước tính cho đến năm 2009 Trung Quốc sở hữu 186 đầu đạn hạt nhân chiến lược đã triển khai.
Theo Reuters, các thượng nghị sĩ Mỹ có quan điểm phản đối việc cắt giảm sâu kho vũ khí có thể đưa vấn đề Trung Quốc ra khi tranh luận về việc có nên phê chuẩn hiệp ước mới với Nga hay không. Họ cho rằng việc cắt giảm hạt nhân của Mỹ có thể cho phép Trung Quốc nhanh chóng đuổi kịp sức mạnh của cường quốc hạt nhân này.
Xu viết rằng Trung Quốc phải có sức mạnh hạt nhân "thật sự, đáng tin cậy, hiệu quả và cập nhật". Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng sức mạnh này phải bao gồm khả năng trả đũa nếu Trung Quốc bị tấn công hạt nhân.
Nỗ lực nâng cấp lực lượng hạt nhân của Trung Quốc bao gồm cả việc thay thế dần những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân dùng nhiên liệu lỏng sang dùng nhiên liệu rắn. Việc làm này sẽ làm cho việc phóng đầu đạn nhanh hơn và đỡ cồng kềnh hơn.
Trung Quốc cũng đang xây dựng những tàu ngầm hạt nhân chiến lược loại mới có khả năng phóng tên lửa trên biển. "Thực tế quốc tế cho thấy khả năng trả đũa hạt nhân hiệu quả nhất là từ những tàu ngầm", Reuters dẫn lời Xu. "Những tàu ngầm này và tên lửa cải tiến là trọng tâm".
Bình luận đưa ra trên tờ tin tức hàng ngày của Quân đội giải phóng trong bối cảnh thế giới đang tăng cường ngoại giao nguyên tử. Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân do Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì diễn ra hôm 12/4. Tại hội nghị, lãnh đạo của 47 quốc gia thống nhất bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của thế giới trong thời gian 4 năm.
Sắp tới đây, vào tháng 5, là hội nghị quốc tế bàn về tương lai của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Hải Minh
vnxpress