Trong suốt cả tháng, ông bắt ba người ngồi thiền ngay đầu nguồn những con suối. Nếu có bất cứ một vật lạ nào theo dòng nước trôi xuống, họ phải đưa miệng hứng lấy nó.
Thầy lang Vi Văn Cán và nơi trị bệnh đơn sơ của ông.
Nhà của “ma hút” nằm ngay trên quốc lộ 4G, trên đường vào huyện Sông Mã, Sơn La. Căn nhà trống hoác, không có một cái gì gọi là đáng giá. Trời mưa, truyền nhân của “ma hút” đang ngồi nói chuyện với một dân bản.
Vi Văn Cán vốn mồ côi cha mẹ từ bé, được “ma hút” thương tình nhận về làm con nuôi. Khi lớn lên, thấy cậu ngoan ngoãn và chăm chỉ, ông bèn gả con gái cho Cán, mấy thế hệ cùng nhau chung sống dưới một mái nhà.
Ông Cán cũng là người duy nhất học được những ngón nghề bí truyền của “ma hút”.
Trong cơn mưa chiều nặng hạt, chúng tôi đã nghe được rất nhiều câu chuyện xung quanh nhân vật được người dân yêu mến mệnh danh là “ma hút” này. Ông nổi tiếng gần xa vì những khả năng kỳ lạ của mình và chuyên chữa bệnh cứu người mà không lấy tiền.
Tên đầy đủ của “ma hút” là Lường Văn Hối, người Xinh Mun, hay còn gọi là Puộc, một dân tộc khá hiền lành và thân thiện, sống ở vùng Tây Bắc giáp Lào.
Thời trước, người Puộc nghèo khó lắm, chuyên đi ở cho các nhà giàu thuộc huyện Sông Mã kiếm cái ăn cái mặc.
Giặc Pháp xâm lược nước ta, khi tiến lên Tây Bắc, ông Hối cùng những thanh niên các dân tộc khác bị bắt đi làm lính dõng.
Quân Pháp nhảy sang xâm lược vùng Thượng Lào, ông bị điều đi theo và đóng quân tại đó.
Ông Vi Văn Cán là truyền nhân duy nhất của ông lang Lường Văn Hối.
Trong một lần bị thương, ông chạy lạc vào bản người Xinh Mun ở Sầm Nưa, có một thầy phù thủy đã chữa trị các vết thương cho ông. Thầy phù thuỷ thấy ông là một người hiền lành thật thà nên đã thu nhận làm đệ tử, truyền nghề với mong muốn sau này sẽ dùng nó để chữa bệnh cứu người.
Ông Hối được thầy dạy cho cách hút các dị vật trong người bằng ống tre, làm bùa ngải, và các bài chú “khấn ma” để đặc trị các bệnh tai ương hiểm nghèo.
Trở về với thôn bản, ông vẫn hàng ngày lên nương, phát rẫy, sống một cuộc sống đạm bạc, nghèo khó. Tuy nhiên, mỗi khi dân bản có ai bị thương tích là ông lại phát huy tài nghệ cứu chữa, nhất là những ca chữa hóc xương và hút đạn súng kíp.
Trước đây, và ngay cả bây giờ, súng kíp là loại vũ khí phổ biến của người dân Tây Bắc, và cũng là thứ thường xuyên gây ra tai họa cho con người. Chính vì thế, phương pháp hút dị vật ông đã học được có rất nhiều tác dụng.
Tiếng lành đồn xa, khắp nơi nghe thấy đều tìm đến nhờ ông cứu chữa, kể cả người bên Lào cũng sang. Trong suốt cuộc đời của mình, ông không nhớ nổi đã chữa trị cho bao nhiêu trường hợp. Ông không hề lấy một đồng tiền, cắc bạc nào của người bệnh.
Dân bản yêu mến nên gọi ông là “ma hút”. Ai cũng biết đến ông với khả năng hút bệnh bằng chiếc ống tre kỳ lạ của mình. Tuy nhiên, ít người biết ông cũng là một thầy bùa tài phép.
Những năm cuối của thế kỷ trước, cảm thấy tuổi già đã đè nặng lên đôi vai của mình, ông Hối bắt đầu tìm kiếm truyền nhân. Ông trăn trở rằng, nếu như những tuyệt kỹ của mình mất đi, sẽ không còn một ai giúp đỡ người dân nơi đây nữa.
Tiêu chuẩn đặt ra đối với truyền nhân, phải là người có đạo đức, điềm đạm, và điều quan trọng là chỉ học nghề để cứu người, không vì bất cứ một mục đích nào khác.
Có 3 người được ông lựa chọn, trong đó có con rể Vi Văn Cán. Trước khi học, ông căn dặn các học trò phải kiêng khem nhiều thứ, không được ăn thịt chim, thịt khỉ, ăn những chất tanh như cá, ba ba… Và điều quan trọng nhất, trong suốt những năm tháng theo học, không được gần gũi phụ nữ, nếu không sẽ không thành nghề.
Vào mỗi buổi tối, “ma hút” truyền lại cho học trò các bài niệm chú khấn ma bằng tiếng Xinh Mun, hướng dẫn từng câu, từng chữ một. Các bài niệm chú thường rất dài, và ông bắt học trò phải thuộc lòng.
Ban ngày, những lúc rảnh rỗi, ông truyền thủ pháp chữa bệnh, cũng như các thủ thuật tiếp nhận linh khí của trời đất.
Có đợt, trong suốt một tháng, ông bắt cả ba người ra ngồi thiền ngay đầu nguồn những con suối. Ông yêu cầu, nếu như có bất cứ một vật lạ nào theo dòng nước trôi xuống, họ phải đưa miệng hứng lấy nó.
Ròng rã trong suốt 3 năm, hai người học trò không chịu nổi đã bỏ cuộc giữa chừng, chỉ có một mình ông Cán học được thành tài. “Ma hút” không truyền lại việc sử dụng bùa ngải cho hậu thế, nhưng tất cả những bí quyết chữa bệnh đã được người con rể Vi Văn Cán tiếp nhận đầy đủ.
Một ngày, “ma hút” cảm thấy mình đã gần đất xa trời, ông gọi người con rể đến bên giường trăn trở: “Con phải biết nâng niu tất cả những bài thuốc chữa bệnh đã học được của cha, và không được lạm dụng nó để trục lợi, như thế con mới thành người được”.
“Ma hút” nhắm mắt vào một buổi chiều mùa đông lạnh giá trong ngôi nhà nhỏ bé như một túp lều. Cuộc đời ông là thế, cứu giúp hàng ngàn người nhưng cho đến cuối đời ông vẫn sống một cuộc đời đạm bạc, nghèo rớt mồng tơi cùng một bà vợ suốt ngày ngập chìm trong khói thuốc phiện.
Còn tiếp…