Tuyệt kỹ rèn 'chiến mã' của những tay chơi Việt

Jolie

Member
Chọn ngựa theo "gia phả"
Huyện Đức Hòa có hơn 7 xã, thị trấn còn lưu giữ nghề nuôi ngựa đua. Dù số lượng nuôi đã giảm rất mạnh nhưng nghề vẫn phủ rộng ở các xã: Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Mỹ Hạnh Bắc, Mỹ Hạnh Nam, Tân Phú, Hòa Khánh Đông và thị trấn Hậu Nghĩa. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của người dân xã Đức Lập Thượng, chúng tôi được diện kiến bậc thầy nắm giữ những tuyệt kỹ huấn luyện ngựa đua. Mặc dù không nuôi nhiều ngựa đua, ông Trương Minh Trí (Ba Mặt, 52 tuổi, ngụ xã Đức Lập Thượng) vẫn được người dân trong vùng biết đến như một người am hiểu tận tường các kỹ thuật lớn nhỏ liên quan đến việc huấn luyện ngựa đua.
Ông Trí giải thích: "Hễ ai đến Đức Hòa tìm hiểu nghề nuôi ngựa đua, bà con đều chỉ đến nhà tôi. Thực ra, tôi không phải người nuôi ngựa nhiều nhất mà bởi tôi là chủ của quán cà phê ngựa. Mấy anh em trong nghề thường chọn quán cà phê của tôi để nghỉ chân, tụ họp bàn luận về cách nuôi và huấn luyện ngựa đua. Kinh nghiệm bản thân và học lóm từ những mẩu chia sẻ của dân trong nghề nên tôi biết nhiều hơn người khác một chút". Quán cà phê của ông Trí nằm ở trung tâm huyện, ngay mặt tỉnh lộ 823 nên thuận lợi cho ngựa đua ở các xã tập trung về.
6%20%283%29.JPG

Ông Trương Minh Trí tại quán cà phê ngựa.
Những lúc say sưa bên ly cà phê, cùng ngắm nhìn và bàn luận về mấy con "chiến mã", các bậc thầy nuôi ngựa sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm xương máu với người trong nghề. "Qua những lần học lóm, tôi rút ra được, muốn huấn luyện một con ngựa đua đạt chuẩn phải có đủ hai yếu tố: Giống và kỹ thuật. Kỹ thuật bao gồm kỹ thuật nuôi và kỹ thuật huấn luyện theo bài bản được rút ra từ nhiều thế hệ", ông Trí nhiệt tình chia sẻ. Với ngựa đua, điều kiện tiên quyết phải chọn theo dòng máu, "gia phả" và truyền thống thi đấu của dòng họ con ngựa ấy.
Theo ông Trí, hai dòng ngựa được dân chơi ngựa đua Đức Hòa tin cậy và muốn sở hữu có tên Mai Phụng và ngựa giống do Nữ hoàng Anh tặng cho trường đua Phú Thọ. Mai Phụng, tên của một con ngựa cái được lai tạo từ ngựa cỏ Việt Nam và ngựa nước ngoài từ thời Pháp thuộc, khi trường đua Phú Thọ mới xây dựng. Dòng Mai Phụng có sức bền cao, khả năng bậc nhảy lên đến 1000m, tinh khôn, tuổi thi đấu dài, thân hình đẹp, bắt mắt. Từ kinh nghiệm nhiều đời, những tay chơi ngựa nức tiếng vùng Đức Hòa đánh giá ngựa cái tốt ắt sẽ sinh con giỏi. "Để lai tạo một con ngựa tốt theo dòng Mai Phụng, người chơi ngựa phải lặn lội sang Miên tìm mua con ngựa đực khỏe mạnh, thịt chắc, dáng đẹp về phối giống với ngựa cái Mai Phụng", ông Trí cho biết thêm.
Một dòng ngựa quý khác được nhiều người trong giới nuôi ngựa đua yêu thích là hai con ngựa giống của Nữ hoàng Anh ban tặng cho trường đua Phú Thọ. Nhiều tay chơi đến xin nọc của giống ngựa này mang về phối cho ngựa nhà. Dòng ngựa quý tộc này gần như phổ biến và chiếm các thứ hạng cao ở những giải đua. Tuy nhiên, dòng ngựa này đã qua nhiều thế hệ lai tạo, người nuôi cho rằng đã mất gần hết gen tốt của một con ngựa đua thứ thiệt. Hiện nay, người ta vẫn thịnh mốt nuôi dòng Mai Phụng.
7%20%283%29.JPG

Vợ anh Tiên dẫn ngựa "chiến" Mỹ Phương về chuồng.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Xem ngựa như người thân trong gia đìnhÔng Trương Minh Trí chia sẻ: "Không có người nuôi ngựa đua nào mà không yêu con ngựa của mình. Tình yêu đó bắt nguồn từ sự gắn bó bền chặt với chúng từ những ngày tự tay chăm sóc như chăm một người bạn, một người thân. Rất nhiều người nuôi ngựa đua như chúng tôi coi con ngựa tốt của mình như một thành viên trong gia đình và chăm sóc, đối xử với chúng như đối với một người thân. Bởi thế, những con ngựa mới có những cái tên rất hay như: Hương Long, Mỹ Phương, Tiểu Long Nữ, Hi Vọng,... Thời hoàng kim, chúng từng là niềm tự hào của người nuôi, thậm chí của cả gia đình người nuôi".
"Nuôi ngựa không khó mà cũng không dễ, người nuôi phải chăm ngựa như nuôi con. Ngựa cũng ốm đau, bệnh tật, ăn ở, tắm rửa kỹ lưỡng hơn cả con người", ông Trí hóm hỉnh chia sẻ. Người nuôi dựa vào chiều cao, cân nặng mà phân bổ thuốc men, khẩu phần ăn hợp lý để đảm bảo sức khỏe và phong độ thi đấu của ngựa "chiến". Mỗi ngày, chủ ngựa phải ra vào ép cho một con ngựa có chiều cao và cân nặng trung bình ăn đủ 15kg lúa đúng vào giờ giấc đã quy định.
Rèn sức bền cho ngựa đua là một công đoạn rất cần sự kiên trì của người huấn luyện. Việc tập luyện sức bền cho ngựa bao gồm "quần đường trường" và "dợt nước". Anh Nguyễn Văn Tiên (36 tuổi, ngụ xã Đức Lập Hạ), chủ nhân của ngựa "chiến" có tên gọi Mỹ Phương chia sẻ: "Tầm 4- 5h sáng, tôi đã thức dậy cho ngựa ăn và lấy xe đạp dắt ngựa đi quần. Một ngày ít nhất cũng phải quần ngựa 5-6km, nếu sắp thi đấu thì quần từ 10-20km, ngựa mới có đủ sức bền. Quần ngựa phải canh lúc vừa hửng nắng, không khí mát mẻ. Thời điểm này không khí, độ ẩm tốt nhất cho ngựa chứ nắng gắt ra mồ hôi nhiều con ngựa dễ mệt mỏi, khó chịu".
"Ngựa ở sạch hơn cả con người. Chỉ cần nó toát mồ hôi nhiều và ngửi thấy mùi mồ hôi của mình, con ngựa lập tức tỏ vẻ khó chịu và mệt mỏi, rồi dở chứng. Bởi vậy, lúc nào, chúng tôi cũng phải thủ sẵn khăn sạch, hễ ngựa ra mồ hồi thì lau ngay", ông Trí miêu tả đặc tính "ở sạch" của loài ngựa. Bên cạnh việc quần ngựa đường trường, người huấn luyện ngựa rất chú trọng giai đoạn dợt nước cho ngựa đua. Ở giai đoạn này, người huấn luyện tìm cách đưa ngựa xuống một hầm nước sâu, cho ngựa bơi lội, vận động toàn thân. Dợt nước tạo điều kiện cho con ngựa hoạt động cơ bắp toàn thân, tăng độ dẻo dai và mau chóng thích ứng với những điều kiện thời tiết khác nhau.
Với những con ngựa có cân nặng vượt mức cho phép, chủ ngựa thường dùng một tấm nhựa lớn bao quanh, bịt kín ngựa trong vòng 20-60 phút và ngựa đi dạo trong thời gian nhất định. Thao tác này buộc ngựa tiết ra nhiều mồ hôi, mỡ teo lại và nổi bắp thịt lên, tạo thể hình đẹp mắt. Tuy nhiên, ông Trí cho biết: "Thực hiện thao tác này không đúng kỹ thuật khiến ngựa đua mất sức, mất phong độ. Khi vừa mở tấm nhựa ra, ngay lập tức, người nuôi phải nhanh tay lau sạch những màng bọt mồ hôi kết tụ lại trên khắp thân ngựa. Nếu để ngựa ngửi thấy mùi mồ hôi của nó, nó sẽ rất khó chịu, và mệt lả".
Bí quyết “lấy lòng” ngựa “chiến”
Đặc tính của loài ngựa ngoài "ở sạch" còn có "tật" nhớ dai. Thế nên, người nào kề cận bên nó nhiều thường có tình cảm và rất trung thành. Để lấy được cảm tình của một con ngựa đua cũng cần có những bí quyết và biệt tài riêng. Anh Tiên chia sẻ: "Nuôi ngựa cũng cần có cái duyên. Nuôi lâu ngày cũng phát sinh tình cảm, thấy ngựa bệnh tôi cũng lo. Ngược lại, tôi bận việc không cho ngựa ăn, vợ tôi cho ăn thay, nó cũng buồn cũng hý lên nghe buồn bã lắm".
Bí quyết thường xuyên vuốt ve chóp lông mao của con vật là cách lấy tình cảm của con ngựa nhanh nhất. Ông Trí cho biết: "Loài ngựa rất ghiền cái cách người nuôi vuốt ve chóp lông trên đầu nó. Mấy tay chơi ngựa biết ý thường tranh thủ lúc uống cà phê, khi cho ngựa ăn đều lấy tay vuốt tới vuốt lui chóp lông ấy. Gặp con ngựa chứng thì càng phải vuốt ve nó nhiều hơn. Con ngựa là một trong những loài vật nuôi thân cận, có tình cảm và trung thành nhất với con người. Một khi nó đã có tình cảm với người nuôi nó sẽ rất ngoan hiền, dễ bảo. Người nuôi ngựa cũng vậy, khi đã mến một con ngựa hay, chúng tôi coi nó như bạn chí cốt".
Sau những ngày trường đua đóng cửa, người ta cảm nhận sâu hơn nỗi buồn xa vắng của những bậc thầy luyện ngựa đua như ông Ba Mặt, anh Tiên,... Hằng ngày, họ vẫn không quên thói quen vuốt ve, tắm rửa và trò chuyện với những chú ngựa như trò chuyện với người bạn chí cốt. Hay dắt chúng đi quần, dợt để đỡ nhớ về một thuở tung vó trong tiếng reo hò của vạn người yêu ngựa đua.
NGỌC LÀI - HÀ NGUYỄN

Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn



 
Back
Top