Vì sao trẻ sinh non dễ bị mù mắt?

thanhlinh

Junior Member
Bệnh lý võng mạc sinh non (retinopathy of prematurity - ROP) đang trở thành nguyên nhân chính gây mù lòa ở trẻ em. Ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ sinh non, và theo WHO cứ 10.000 trẻ sinh ra thì có khoảng 4 trẻ có bệnh lý võng mạc sinh non. Như vậy mỗi năm Việt Nam có khoảng 600 cháu nhỏ có nguy cơ bị mù vĩnh viễn do bệnh lý võng mạc gây mù.
ROP là những tổn thương mạch máu nhỏ có chức năng nuôi dưỡng võng mạc. Đây là vùng nằm ở phía sau của mắt, tiếp nhận ánh sáng và truyền thông tin đến não. Bệnh thường xảy ra ở cả hai mắt, khi nặng sẽ dẫn đến mất thị lực nghiêm trọng, vĩnh viễn và thường cùng bị nặng ở cả 2 mắt. Bệnh nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời không những giảm được 50% nguy cơ mất thị lực ở những trường hợp nặng mà còn tránh nhược thị cho những trường hợp bệnh nhẹ.
YẾU TỐ NGUY CƠ
Khảo sát tại trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM năm học 2006 - 2007 cho thấy, trong số 102 học sinh dưới 16 tuổi có thị lực mắt dưới 1/10, bệnh lý võng mạc trẻ sinh non là nguyên nhân gây mù nhiều nhất (30,4%). Tỷ lệ này lên đến 68,4% ở trẻ dưới 6 tuổi.
Có nhiều yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bệnh ROP. Yếu tố nguy cơ chính của ROP là mức độ non tháng của trẻ, được ghi nhận bởi cân nặng và tuổi thai lúc sinh.
Thiếu oxy là yếu tố quan trọng gây sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc sau sinh. Sự co thắt mạch do thiếu oxy nói chung có thể hồi phục, tuy nhiên, nếu xảy ra kéo dài trên võng mạc chưa trưởng thành thì có thể trở thành vĩnh viễn và gây tổn thương mạch máu.
Ngoài ra còn các yếu tố khác như thiếu vitamin E, dinh dưỡng tĩnh mạch kéo dài, truyền máu nhiều lần, ảnh hưởng của ánh sáng chói, xuất huyết trong não thất, ngừng thở tái phát, hội chứng suy hô hấp, thông khí cơ học, nhiễm trùng, còn ống động mạch, điều trị bằng indomethacin, surfactant, viêm ruột hoại tử, đa thai... Trình độ chăm sóc sơ sinh cũng đóng vai trò quan trọng.
Bệnh lý võng mạc trẻ sinh non là một bệnh tiến triển, bắt đầu bằng những thay đổi nhẹ ở mạch máu, có thể tiến triển dần đến những thay đổi nặng hơn ở vùng tiếp nối giữa võng mạc đã mạch máu hóa và võng mạc vô mạch.
ĐIỀU TRỊ
Hiện nay, BV nhi đồng 1 TP.HCM và BV nhi Trung ương là hai nơi có thể điều trị căn bệnh ROP cho trẻ sinh non, vì đủ điều kiện thực hiện gây mê cho trẻ sơ sinh. Tuy vậy tới nay, hai trung tâm điều trị bệnh lý này mới chỉ đáp ứng được một nửa số bệnh nhân.
BS. Nguyễn Xuân Tịnh, (BV mắt Trung ương) - bác sĩ Việt Nam đầu tiên điều trị được bệnh lý võng mạc gây mù - cho biết điều trị bệnh lý võng mạc gây mù cho một trẻ sinh non là cứu cháu bé khỏi 70 - 80 năm mù lòa. Tại Việt Nam, bệnh ROP có xuất độ cao hơn nhiều so với các nước phát triển, có thể do việc thở oxy cao áp kéo dài và không kiểm soát được khí máu
- yếu tố nguy cơ chính cho việc phát sinh và phát triển của ROP. Điều trị sớm mang lại kết quả thành công cao hơn. Laser điều trị là phương pháp tốt để làm giảm mù lòa do ROP gây ra.
BS. Trần Châu Thái, BV nhi đồng 1, cho biết thêm, ROP là một bệnh rất năng động, diễn tiến bệnh rất nhanh. Cần tiến hành điều trị trong vòng 48 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, nhiều trẻ sơ sinh cần phải ổn định tình trạng toàn thân (suy hô hấp, suy tim, nhiễm trùng máu...) nên có thể đã bị bong võng mạc trong thời gian chờ đợi.
CÁC BIẾN CHỨNG SAU MỔ
- Biến chứng sớm xảy ra trong 3 tháng đầu sau điều trị ROP bằng quang đông (laser) võng mạc là: mí mắt sưng phù nhưng sẽ hết trong vòng 2 - 3 ngày; phù kết mạc, xuất huyết dưới kết mạc, viêm kết mạc, giác mạc bị phù, mờ đục, điều trị bằng nhỏ thuốc kháng sinh phối hợp kháng viêm sẽ hết trong 1 - 2 tuần; xuất huyết tiền phòng và pha lê thủy sẽ tự hết.
Bong võng mạc thường xảy ra chậm, 2 - 4 tuần sau mổ, nên việc theo dõi sau mổ 1 - 2 tháng rất quan trọng để can thiệp phẫu thuật kịp thời. Bệnh nhân cần theo dõi tái khám định kỳ 1 tuần ngay sau phẫu thuật và liên tục sau đó 3 tháng đầu để kịp thời hạn chế các biến chứng.
- Biến chứng muộn xảy ra từ 3 tháng tuổi trở đi cho tới tuổi trưởng thành.
Bệnh ROP rất nguy hiểm, tuy chữa được mù lòa cho trẻ từ 70 - 80%, nhưng các bác sĩ chuyên khoa mắt vẫn phải tiếp tục theo dõi chức năng thị giác cho trẻ. Theo nhiều báo cáo của quốc tế, 75% trẻ đã điều trị ROP có thị lực 5/10, 50% có thị lực thấp hơn 1/10 do trẻ còn mắc các bệnh khác về mắt như tật khúc xạ (cận thị chiếm đa số), nhược thị và lé.
Bệnh nhi phải được tái khám định kỳ để đánh giá tình trạng mắt của trẻ cho tới tuổi trưởng thành. Các biến chứng này xảy ra ở cả trường hợp ROP đã điều trị và ROP tự thoái triển. Với trẻ đã được chẩn đoán ROP ngay cả khi đã thoái triển hoàn toàn vẫn phải tái khám thường xuyên để được phát hiện sớm lé và nhược thị. Với những trẻ có sẹo võng mạc chu biên cần theo dõi kiểm tra võng mạc định kỳ vì dễ có nguy cơ bong võng mạc (có thể xảy ra từ 10 năm đến vài chục năm sau).
THEO DÕI SAU MỔ
Việc theo dõi phải được thực hiện ngay sau phẫu thuật vào ngày thứ 7, 14, 21, 28 của tháng đầu tiên. Đây là tháng rất quan trọng để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng sớm. Kế đó theo dõi mỗi 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng... cho đến tuổi đi học để phát hiện và điều trị các biến chứng muộn. Nếu phát hiện trẻ có tật khúc xạ nên cho trẻ đeo kính ngay và nếu trẻ có lé hoặc nhược thị phải thực hiện đúng các liệu pháp điều trị.
 
Back
Top