Vùng quê có 300 nông dân chơi nhà gỗ tiền tỉ

N

nikki

Guest
Kể từ năm 1334, thời điểm 17 vị Tiên công từ phủ Hoài Đức, kinh thành Thăng Long về quai đê, lấn biển, lập làng, đến nay vùng Hà Nam (Yên Hưng – Quảng Ninh) đã có bề dày lịch sử 676 năm. Từ 17 gia đình thuở sơ khai, giờ đây Hà Nam đã là một vùng trù phú gồm 8 xã với gần 6 vạn dân. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, thời gian và tác động của đời sống đương đại nhưng người Hà Nam vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của cha ông xưa, trong đó, không thể không nói tới những ngôi nhà cổ. Ở đây, chúng không chỉ được gìn giữ, bảo tồn, mà còn là thú chơi của lớp người hậu thế.




anh2_3.jpg
Ngôi nhà gỗ theo kiểu cổ của ông Vũ Quốc Thái. Ảnh: Đại Dương.

Giấy rách giữ lề

Nằm cách di tích miếu Tiên Công (thuộc xã Cẩm La) không xa, ngôi nhà của ông Dương Phượng Toại ẩn mình trong một con ngõ nhỏ. Ngôi nhà khá thấp, được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, gồm 3 gian 2 chái, cửa gỗ làm theo kiểu bức bàn, mái lợp ngói, thềm nhà kè đá xanh. Trước khoảnh sân nhỏ, bên dưới giàn hoa lý là bộ bàn ghế tự tạo bằng đá xanh, nơi chủ nhân thường ngồi uống trà, làm thơ. Do được làm hoàn toàn bằng gỗ lim nên các cấu kiện của ngôi nhà không hề bị mối mọt, các mộng xà, cột ghép rất khít, cho thấy sự khéo léo của người thợ xưa.

Bên ấm trà nóng, ông Toại giãi bày: “Phàm đã là nhà cổ thì thường phải đi kèm với bộ hương án, tủ chè, sập gụ, câu đối, đại tự. Đặc biệt là phải có cây “sào mực” gác trên quá giang. Tuy nhiên, do nhà hơi chật nên tôi không kê được tủ chè”.

Theo ông Toại, căn nhà của ông đã có tuổi hơn 200 năm, từ đời cụ kỵ ông để lại. “Giấy rách phải giữ lấy lề” nên dù cuộc sống có khó khăn đến mấy thì ông cũng như đời con, cháu sẽ vẫn kế thừa, gìn giữ ngôi nhà này.
anh3.jpg
Bố cục trên một vì kèo của căn nhà cổ có tuổi hơn 200 năm của ông Nguyễn Duy Đông. Ảnh: Đại Dương.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Duy Đông ở xóm Đông, thôn Yên Đông, xã Yên Hải cũng có tuổi thọ hơn 200 năm. Cách nay tròn 100 năm về trước, chủ nhân của ngôi nhà này - ông nội ông Đông là cụ Nguyễn Duy Bùi, đã từng được Thống sứ Bắc Kỳ phong chức Tổng sư hàm Cửu phẩm văn giai, là một chức vị khá cao trong ngành giáo dục.

Ngôi nhà gồm 3 gian, 2 chái, 3 bộ cửa chính được làm theo kiểu bức bàn, chấn song con tiện. Mái nhà được lợp bằng ngói từ thời Pháp vốn to bản, trên mỗi viên ngói đều có dập chìm chữ Marsellaise Acier.

Đặc biệt, phía trên, bên ngoài gian cửa giữa, xen kẽ giữa các ô trang trí hình hoa thị là hình một đôi rồng cách điệu chầu chính giữa. Phải chăng chủ nhân xưa của ngôi nhà đã cố tình “lách luật” triều đình rằng rồng chỉ được trang trí nơi hoàng cung và đình, chùa?

Trải qua bao mưa gió, thời gian, phần cửa bên trái của ngôi nhà đã bị hỏng nên gia chủ xây bịt lại. Với mong muốn bảo tồn ngôi nhà quý giá của tổ tiên, gia đình ông Đông đã xây dựng một ngôi nhà 2 tầng bên cạnh để ở, còn ngôi nhà cổ chỉ giành làm nơi thờ tự mà thôi.

“Nghề chơi cũng lắm công phu”

Người xưa có câu “Nghề chơi cũng lắm công phu”, vận vào quả ứng với trường hợp ông Lương Cao Soòng, 75 tuổi ở xóm Cống Mương, xã Phong Hải. 20 năm trước, ông Soòng đã một mình lặn lội 4 tháng trời trên huyện Sơn Động (Bắc Giang) để tìm cho mình một ngôi nhà gỗ ưng ý.
anh1_2.jpg
Bài trí gian thờ của gia đình ông Lương Cao Soòng. Ảnh: Đại Dương.

Ngôi nhà vốn gốc của người Sán Dìu, tuổi chừng 200 năm, gồm 3 gian, 2 chái, làm toàn bằng gỗ lim, các vì kèo được làm theo kiểu kẻ truyền con cung (nối tiếp hậu) nên khá rộng. Ngôi nhà có chiều dài 14,5m, rộng 8m. Sau khi mua về, ông Soòng chỉ phải thuê thợ sửa lại đôi cột cái và bậc cửa. Ông Soòng cho biết: “Với người Hà Nam chúng tôi, cột cái được coi là phần quan trọng nhất của ngôi nhà, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, nó mang ý nghĩa giống người trụ cột, người chủ gia đình. Trong 2 cột cái, cột bên trái được coi là “cột ông” nên bao giờ cũng to hơn một chút so với “cột bà” đối diện”.

Cũng là chơi nhà cổ nhưng độc đáo nhất Hà Nam là trường hợp ông Nguyễn Đức Thương ở xóm Cây Đước, xã Phong Hải. Ngôi nhà gỗ theo lối cổ gồm 3 gian được ông Thương cho dựng chồng lên ngôi nhà mái bằng. Các vì kèo là kèo đơn chồng chữ công, mái dát gỗ. Được làm bằng gỗ lại ở trên cao nên ngôi nhà rất mát mẻ. Ông Thương dùng đây là nơi thờ tự, họp gia tộc, còn sinh hoạt đều ở bên dưới.

Chơi nhà cổ đã thành mốt

Theo chân ông Toại dẫn đường, chúng tôi đến thăm nhà ông Lê Đức Chắn ở xóm Cống Mương, xã Phong Hải. Người Hà Nam không ai là không biết ông. Lý do không chỉ bởi ông đang là chủ của Công ty TNHH Đại Thành, doanh nghiệp tư nhân chuyên đóng, sửa chữa tàu thuyền lớn nhất nhì Yên Hưng mà còn bởi hiện nay ông đang đầu tư xây dựng một ngôi nhà gỗ kiểu cổ lớn vào bậc nhất Hà Nam.

Khi chúng tôi đến, 2 tốp thợ đang miệt mài làm việc. Chỉ vào đống cột, xà, kèo, đấu kê cột trang trí tùng cúc, trúc, mai... để ngổn ngang, ông Chắn tự hào khoe: “Đích thân tôi phải vào tận miền Trung để chọn lựa gỗ đấy, còn những tảng đá kê cột này tôi phải chọn mua từ Ninh Bình”. Theo ông Chắn, khi hoàn thành ngôi nhà sẽ có tổng diện tích 170m2. Tổng chi phí khoảng hơn 2 tỷ đồng.
chan.jpg
Ông Lê Đức Chắn - người sắp khánh thành căn nhà gỗ kiểu cổ to nhất vùng Hà Nam. Ảnh: Đại Dương.

Ông Vũ Quốc Thái, một giáo chức về hưu ở xóm Chợ, xã Yên Hải cũng chọn cho mình một mẫu nhà gỗ kiểu cổ. Trong gian nhà 3 gian, 2 chái ông bày biện đầy đủ “quy chuẩn” gồm hương án, ngai thờ, sập gụ, đại tự, câu đối... Hiện nay các con ông Thái đều thành đạt, công tác ở Hà Nội, Móng Cái. Mặc dù các con đã nhiều lần giục bố mẹ ra thành thị đoàn tụ với con cháu nhưng ông bà không đi. Ông bảo, ông thích ở nhà gỗ hơn là các ngôi nhà ống kín như hộp diêm...

Theo ông Dương Phượng Toại thì hiện nay ở Hà Nam có khoảng gần 300 ngôi nhà gỗ cổ hoặc dựng theo kiểu cổ, nhiều nhất là ở xã Phong Cốc và Phong Hải, kế đến là làng Vị Dương, xã Liên Vị.

Cổ nhân có câu “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam” nên hầu như mọi nhà ở đây đều quay hướng nam. Nhà gỗ quay hướng nam có ưu điểm mát và bền nhưng xây dựng đòi hỏi cầu kỳ về kỹ thuật, chọn mua vật liệu và chi phí thường tới tiền tỉ.

Đời sống kinh tế phát triển nên ngày nay nhiều gia đình ở Hà Nam đã có nhiều điều kiện “chơi” nhà cổ hơn. Phải chăng thú chơi ấy có nguồn gốc sâu xa từ ý thức, trách nhiệm bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại của người Hà Nam, như họ đã làm rất tốt với các di tích đình, chùa, nhà thờ họ?

vtc
 
Back
Top