Vợ chồng đồng nát run người nghĩ trả lại 10 cây vàng

Jolie

Member
Nhặt được 10 cây vàng trong khi đang phân loại phế thải, vợ chồng anh đồng nát ở Quốc Oai, Hà Nội đã không tham vật chất mà tìm cách trả lại cho người đánh mất.
images1288214_tra_lai_cua_roi_ava1_baodatviet.vn.jpg



Của người ngoài không bao giờ màng
Vào một buổi chiều như mọi ngày, anh Nguyễn Tiến Bắc (thôn Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội) lại vùi mình vào đống đồng nát vợ chở về chất ở nơi góc vườn để phân loại. Giữa đống hỗn độn, ngổn ngang những mảnh sắt, sợi dây đồng, lon nhôm, vỏ nhựa, thếp giấy, mớ giẻ rách… bỗng một cái túi nylon nặng văng ra. Anh Bắc vì tò mò nên giở ra xem.
Trong cái túi có một gói khăn mặt cũ. Mở gói khăn mặt cũ ra lại có một gói giấy. Lột hết lớp giấy lộ ra một dây vàng 5 cây dính liền nhau kèm theo 5 cây vàng lẻ.
Vợ chồng anh chị tâm sự: “Ngồi trên đống vàng mà thêm run, hai vợ chồng chụm lại bàn nhau cách đem trả. Giờ mà đánh tiếng dễ có cả chục người nổi máu tham mà nhận vơ, chẳng biết đâu mà lần đã đành lại không chừng đám lưu manh kề dao vào cổ mà cướp mất.
Thôi thì cứ lẳng lặng nghe ngóng tình hình, kiểu gì mất của lớn thế người ta chẳng phải đi tìm. Mười cây vàng được chị Thuật đem chia ra làm hai gói cất ở hai nơi cho thật kín đáo”.

images1288220_nhat_duoc_cua_roi_anh_baodatviet.vn.jpg
Thu mua phế liệu, rác thải là miếng cơm nuôi sống gia đình chị Thuật.


Nửa tháng sau, một buổi anh Bắc đang ở nhà thì có đôi vợ chồng lạ tìm đến, mắt họ cứ ngó chăm chăm vào đống giấy vụn nơi góc vườn.Chị Đỗ Thị Oanh nhà ở khu Thương mại thị trấn Quốc Oai chính là khổ chủ mất vàng. Chị Oanh chia sẻ: “Gom góp cả đời người được mười cây vàng, vợ chồng định làm nhà nhưng nấn ná mãi vì chưa được tuổi. Chỗ vàng đó được chị Oanh bí mật cất trong đám vỏ thùng các tông để trên cái tủ đứng, bí mật đến nỗi ngay cả chồng con cũng không biết”.
Nhận lại được vàng, chị Oanh một mực rút từ tay ra một cái nhẫn vàng và nói: “Đây là cái duyên của chị em mình gặp nhau, em cầm lấy hai chỉ này coi như là lời cảm ơn của anh chị”. Hành động đền ơn của chỉ khổ chủ mất vàng khiến chị Thuật cứ phải chối đây đẩy như phải bỏng.
Gia đình anh Bắc – chị Thuật cũng chẳng khá giả gì, 3 năm trước, gia đình anh thuộc hộ nghèo của xã, anh làm nghề chẻ tre đan sọt lợn đem ra chợ huyện bán còn chị cấy vài ba sào ruộng. Khi nghề đan sọt ế ẩm, chị Thuật bàn với chồng đạp xe đi đồng nát ở huyện, mỗi ngày lời lãi chỉ 50.000 - 70.000 đồng.
Tiếng là chủ vựa nhưng quy mô nhỏ, chỉ có hai vợ chồng tự mua, tự phân loại chứ không quy tập được đội quân vài chục người thu gom, bỏ mối như các ông chủ khác. Hàng hóa thì thập cẩm, nhựa tái chế cứng bán 3.000đ/kg, “nhựa sống” bán 7.000đ/kg, giấy vụn bán 3.000đ/kg, sắt bán 6.500đ/kg.
Cứ mươi hôm, nửa tháng anh chị lại xuất kho đồng nát của mình một lần, mỗi kg phế liệu chỉ được 300-400đ tiền lãi. Hai vợ chồng cứ lăn ra mà làm không dám có một ngày thứ Bảy, Chủ nhật, tối 30 Tết vẫn lọc cọc kéo xe bò đồng nát về nhà mà tính ra cũng chỉ kiếm được cỡ già ba bốn triệu đồng một tháng. Số tiền ấy cũng chỉ vừa đủ trang trải cho hai con đi học, một đại học, một tiểu học.
Lúc người con đầu vào đại học, chiếc xe máy duy nhất của gia đình vợ chồng cũng nhường để cho con. Buổi nào gần, chị kéo xe đi, buổi nào xa thì mượn xe máy hàng xóm rồi móc vào chiếc xe bò thay cho sức người kéo.
Ngay ngôi nhà cấp bốn xây gạch ba banh mái lợp rơm bố mẹ làm của hồi môn cho anh chị trên mảnh đất ở rìa làng, chắt bóp, tằn tiện mãi vợ chồng anh mới mua được ít ngói lợp thay thế. Của cải anh chị chẳng có gì ngoài bộ bàn ghế tre cũ kỹ tự đóng, cái thùng phuy sắt hoen gỉ đựng thóc ăn, cái quạt, cái đài đồng nát nhặt về đến cả những quyển sách giáo khoa, sách nâng cao cho hai đứa con cũng từ đồng nát.

images1288219_tra_lai_cua_roi_anh1_baodatviet.vn.jpg
Cảnh nhà của vợ chồng anh Bắc - chị Thuật.


Chị Oanh vẫn còn nhớ như in câu nói của vợ chồng người ân nhân nghèo rằng: “Trả lại vàng thế này anh chị mừng một chúng em mừng hai vì đã tìm được đúng chủ. Chúng em tuy nghèo thật nhưng của cải do chính bàn tay mình làm nên mới quý chứ của người ngoài thì không bao giờ màng”.
Đói cho sạch, rách cho thơm
Một buổi sáng cuối tháng 9/2013, bà Nguyễn Thị Soi ở thôn Phước Thọ 1, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khi đang đi mua thức ăn thì nhặt được một ví tiền. Lúc mở ra, bà thoáng chút bất ngờ khi trong ví là 8 chỉ vàng được đặt gọn gàng trong một ngăn riêng và 149 nghìn đồng tiền mặt. Trong ví còn có thêm một thẻ ATM mang tên Nguyen Thi Ai Viet.
Mang thẻ ATM đi dò la, cuối cùng bà Soi cũng tìm ra được chủ nhân của chiếc ví là chị Nguyễn Thị Ái Việt, một người dân sống tại xóm 2, thôn Phước Thọ 1. Vậy là chẳng nói chẳng rằng, bà đi một mạch sang nhà người cháu gái để nhờ cháu thông báo cho người mất ví đến nhận lại.
Khi đến nhận lại đồ bị mất, chị Nguyễn Thị Ái Việt bồi hồi: “Đó là tất cả vốn liếng mà vợ chồng tôi dành dụm được, nên đi đâu tôi cũng mang theo bên người. Khi phát hiện ví bị mất, tôi bần thần, đứng ngồi không yên vì không biết phải nói với gia đình như thế nào. Tôi cứ đinh ninh rằng ví đã đánh rơi thì không bao giờ lấy lại được. Không ngờ tôi lại gặp được một người có đức độ, thật thà như bác Soi”.
Sắp bước sang tuổi 60, nhưng bà Soi vẫn là trụ cột chính của gia đình. Người mẹ già là cụ Nguyễn Thị Cho năm nay đã bước sang tuổi 98 nên chỉ nằm một chỗ. Còn đứa con gái nuôi mồ côi cả cha lẫn mẹ là cháu Nguyễn Thị Tường Vy thì đang học năm 2 đại học. Vậy là bao nhiêu gánh nặng áo cơm đè nặng trên đôi vai của bà.
Vừa phải nuôi mẹ già đau yếu, vừa nuôi con gái ăn học, tài sản của bà Soi chẳng có gì ngoài thửa ruộng diện tích chưa đến một sào, không đủ cơm ăn ngày 3 bữa. Ngoài việc sớm hôm tảo tần bên đồng ruộng, bà Soi còn đi làm cỏ, gặt lúa thuê cho nhiều người trong xóm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống hằng ngày. Khó khăn là vậy, song “Của rơi không phải là của mình, dù chỉ một đồng, một hào cũng phải trả lại”- bà Nguyễn Thị Soi tâm sự.

images1288223_tra_lai_cua_roi_anh2_baodatviet.vn.jpg
Bà Soi chăm sóc người mẹ già ốm yếu.


Ngày chị Việt mang tiền đến hậu tạ, bà Soi kiên quyết chối từ. Bởi với bà, “đói cho sạch, rách cho thơm”, trả lại tiền cho người mất là chuyện phải làm nên không cần phải trả ơn, trả nghĩa.
Trường hợp của anh Trần Hòa Bình, làm việc tại Xí nghiệp thương mại mặt đất Đà Nẵng cũng vậy.
Anh Trần Hòa Bình (39 tuổi, trú tổ 17 phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) làm ca trưởng đội phục vụ chuyến bay VN Airlines 1326 từ TP HCM về sân bay quốc tế Đà Nẵng lúc 19h30 tối 14/6/2013. Khi dọn dẹp trên máy bay này, anh phát hiện một chiếc ví bên trong có 10.000 USD, 25 triệu đồng cùng nhiều giấy tờ tùy thân mang tên Phạm Hữu Phú (268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM).
"Nhặt được chiếc ví trên máy bay tôi rất vui, vì như thế tài sản của khách để quên sẽ được trả về đúng chủ mà không sợ bị thất lạc", anh Bình chia sẻ và cho biết ngay sau đó anh nhìn số ghế để tra số điện thoại gọi cho hành khách và bàn giao tài sản cho xí nghiệp làm thủ tục cho khách nhận lại.
Anh Bình vào làm việc tại Xí nghiệp thương mại mặt đất Đà Nẵng từ năm 1994. Vợ chồng cùng hai con nhỏ sống trong căn nhà chật hẹp. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, anh nhiều lần nhặt được tài sản và trả lại cho hành khách. Khoảng 3 năm trước, anh cũng có hành động đẹp khi trả lại khách một chiếc ví có 5.000 USD và 50 triệu đồng.

Thebox.

Xin qúy bạn ủng hộ các nhà tài trợ của chúng tôi . Thành thật cám ơn







 
Back
Top