T
T$
Guest
Reuters
Image caption
Giáo sỹ Junipero Serra bị thổ dân châu Mỹ tố cáo là 'sát nhân' hồi thế kỷ 18.
Trong chuyến thăm đến Washington, Đức Giáo hoàng Francis sẽ làm lễ̉ phong thánh cho linh mục Tây Ban Nha Junipero Serra, người bị tố cáo là 'sát nhân' trong thời kỳ hành đạo ở Bắc Mỹ thế kỷ 18.
Theo hãng tin Reuters, đây sẽ là lần phong thánh 'gây tranh cãi nhất' của vị Giáo hoàng gốc Nam Mỹ và sẽ đưa Vatican vào cuộc chiến về văn hóa tại Hoa Kỳ về di sản thời thực dân.
Giáo sỹ Junipero Serra bị con cháu những người thổ dân ở Mỹ cáo buộc là bắt nhốt cha ông làm nô lệ và cho phát tán dịch bệnh để tiêu diệt cộng đồng của họ, theo Reuters.
Những người phê phán nhà truyền đạo này cho rằng di sản của ông "nhiều bóng tối hơn là ánh sáng" và "vầng hào quang trên đầu có dính máu".
Ngược lại, Junipero Serra lại được Giáo hội Công giáo La Mã coi là nhà truyền giáo vĩ đại.
Ông từ Mexico đến vùng nay là San Diego năm 1769 và lập ra chín trong 21 sứ bộ tại California.
Giáo hoàng Francis từng gọi giáo sỹ này là "một trong những người cha lập quốc của Hoa Kỳ, và là người bảo vệ thổ dân trước những vụ lạm dụng của thực dân".
Bà Corine Fairbanks, Giám đốc nhánh Nam California của hội mang tên Phong trào người Mỹ gốc Anh điêng (American Indian Movement), phản đối việc phong thánh cho linh mục Junipero Serra.
Bà nói:
Image copyright
Reuters
Image caption
Ông Tony Cerda (trái), phản đối việc phong thánh cho Giáo sỹ Junipero Serra
"Hàng trăm nghìn người đã bị giết nhân danh cuộc truyền đạo Công giáo La Mã và nhân danh sự tiến bộ."
"Giáo hoàng nói người này là một vị có đức thánh, người được kính trọng, là tấm gương để mọi người tôn thời, và như thế là gửi thông điệp rằng những gì xảy ra với thổ dân lại có tính thần thánh."
Ông Tony Cerda, một lãnh đạo của bộ lạc thổ dân Costanoan Rumsen Carmel cũng phản đối việc phong thánh cho Giáo sỹ Junipero Serra.
Tại Carmel hiện có một điểm tưởng niệm linh mục Serra với tượng của ông.
Năm 1987, cố Giáo hoàng John Paul II cũng đã đến thăm nơi này.
Junipero Serra tới California truyền đạo cùng bước chân của thực dân Tây Ban Nha vốn là lực lượng bị cho là đã dùng bạo lực để chinh phục các cộng đồng thổ dân và chiếm đất.
Trong một chuyến thăm đến Nam Mỹ hồi tháng 7 năm nay, Giáo hoàng Francis đã xin lỗi vì các vụ tội ác do Giáo hội Công giáo gây ra với người thổ dân châu Mỹ.
Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng đã không nhắc đến tên của linh mục Serra.
Theo BBC Vietnamese