VN sẽ kháng cáo việc Mỹ tăng thuế cá tra

T

T$

Guest
(ThuVienBao.com) -
130319111426_ca_tra_304x171_nld.jpg
Quyết định của Bộ Thương mại Mỹ sẽ khiến các doanh nghiệp cá tra ở Việt Nam phải đóng thuế cao hơn nhiều lần so với mức hiện tại

VASEP sẽ kháng cáo quyết định của Mỹ về việc tính thuế cá tra nhập khẩu từ VN dựa trên nước thứ ba là Indonesia thay vì Bangladesh.
Thông điệp được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ ngày 14/3 ra phán quyết áp đặt mức thuế chống phá giá đối với cá tra, cá ba sa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ dựa trên nước thứ ba là Indonesia làm cơ sở tính toán thay vì Bangladesh như trước đây.
Phán quyết này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam khi vào thị trường Mỹ sẽ phải trả thuế nhập khẩu cao hơn từ 0,19 đôla tới 0,77 - 3,87 đôla / kg, theo thông cáo báo chí mới nhất của VASEP.
[h=2]Indonesia 'khác Việt Nam'[/h]Cũng theo VASEP, việc chọn Indonesia làm nước thứ ba để tính thuế chống phá giá đã nâng vọt mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng cá tra, cá ba sa của Việt Nam vào thị trường Mỹ là không hợp lý và gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam lẫn người tiêu dùng Mỹ.
Trả lời báo chí trong nước, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nói "quyết định của Bộ Thương mại Mỹ không những ảnh hưởng tới sản phẩm hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ, mà còn ảnh hưởng tới người tiêu dùng Mỹ vì họ phải mua sản phẩm hải sản với giá cao hơn."
"Về quy mô, cá tra nuôi ở Indonesia chỉ là một ngành sản xuất rất nhỏ, trong khi cá tra Việt Nam là một ngành chủ lực của cả nước, nuôi với quy mô rộng lớn, lớn nhất thế giới. Về công nghệ quy trình kỹ thuật nuôi cũng khác."
130319112203_1_304x171_bbc_nocredit.jpg
Mỹ hiện tại là thị trường nhập khẩu cá tra từ Việt Nam lớn nhì thế giới, chỉ sau Châu Âu

"Cá tra Indonesia nuôi theo kiểu tự nhiên là nhiều, còn cá tra Việt Nam là nuôi công nghiệp vì thế giá thành sản xuất hoàn toàn khác biệt. Khác nữa là Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra, còn Indonesia chỉ cung ứng nội địa, hằng năm còn phải nhập cá tra Việt Nam."
Ông Hòe nhấn mạnh trong 8 năm trở lại đây, Bộ Thương mại Mỹ vẫn sử dụng Bangladesh, vốn là một nước có ngành cá tra khá giống với Việt Nam ở cả phương diện chi phí hoạt động lẫn điều kiện chăm nuôi.
Trong các đợt xem xét hành chính trước đó, Mỹ cũng đã không chọn Indonesia làm nước thay thế để tính toán giá trị sản xuất đầu vào đối với cá tra Việt Nam vì không có các yếu tố kinh tế tương đương.
[h=2]'Chuẩn bị sẵn sàng'[/h]Quyết định của Bộ Thương mại Mỹ chưa được đưa lên Cục Văn thư Liên bang, và phía Việt Nam sẽ có 35 ngày (kể từ ngày công bố quyết định trên) để chuẩn bị hồ sơ, chứng cứ khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ.
Ông Hòe nói VASEP đã chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu nằm trong danh sách chịu thuế phải nhanh chóng cùng luật sư kiểm tra lại thông tin để chuẩn bị hồ sơ, bằng chứng kháng kiện.
Ông này cũng cho biết các luật sư của Việt Nam tại Mỹ đang tiến hành kiểm tra kỹ lại quy trình điều tra của Bộ Thương mại nước này cũng như mức độ tin cậy của những thông số do Indonesia cung cấp.
Việt Nam hiện đang xuất khẩu cá tra ra 142 quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Trong năm 2012, nước này đã mang về 1,74 tỷ đôla từ ngành xuất khẩu cá tra.
Thị trường lớn nhất của ngành cá tra Việt Nam vẫn là Châu Âu, ở mức 425,8 triệu đôla, (24,41% thị phần), kế theo đó là Mỹ, 358,8 triệu đôla, (20,57% thị phần), theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của nước này.
Thị trường các nước trong khối ASEAN cũng đóng góp 110,4 triệu đôla (6,33% thị phần).


Theo BBC Vietnamese
 
Back
Top