'Vua hổ’ Tây Bắc từng dính nghi án ngoại tình vì hổ dữ

Jolie

Member
[h=2]Hơn 20 năm săn hổ, nay cụ Liêu trở thành người bảo vệ chính những con thú sa bẫy thợ săn. Không chỉ thế, cụ Liêu còn là thầy thuốc của cả vùng.[/h]
ho.jpg

Cụ Liêu nay đã thành người gác rừng.
Nghi án ngoại tình vì hổ dữ
Suốt 21 năm đi khắp các tỉnh miền Tây Bắc, miền Trung săn hổ, cụ Trần Kim Liêu 88 tuổi ở Dộc Yểng, Đồng Tâm, Lạc Thủy, Hòa Bình nhớ nhất lần tìm hổ ở Dốc Cun – Hòa Bình. Theo lời cụ Liêu, Dốc Cun ngày nay, với khoảng 12km đường đèo, cua gấp “ống tay áo”, một bên là đèo, một bên ôm sát sườn núi, được xem là thử thách cho nhiều tài xế. Trước đây, Dốc Cun hiểm trở hơn, không dễ đi như bây giờ. Đó được xem như trạm dừng chân của người đi đường, đặc biệt là “trạm nghỉ” của dân công, bộ đội hành quân lên Điện Biên. “Địa hình Dốc Cun hiểm trở, lại có nhiều người qua lại nhưng hổ không sợ còn tập trung ở đó nhiều hơn. Cứ như nó biết nơi ấy dễ “kiếm mồi” vậy. Hổ luôn rình rập, thậm chí đã từng có dân quân bị nó vồ” - cụ Liêu kể.
Một câu chuyện ở Dốc Cun khiến cụ Liêu nhớ tới giờ là một phụ nữ bị hổ vồ. Ngày ấy, Dốc Cun có cặp vợ chồng sống ở căn lều lá, người vợ mở quán bán nước cho người đi đường. Một đêm, anh chồng bỗng choàng tỉnh giấc, nhìn sang cạnh không thấy vợ đâu. Anh gõ ống mương báo động, vài nhà xung quanh tỉnh giấc, cũng gõ ầm ĩ rồi đi tìm. Sau đó, họ tìm thấy người phụ nữ, quần áo chẳng còn lành lặn. Ai cũng cho rằng chị này có lẽ bị hại vì thiếu chung thủy.
“Tôi xem thì khẳng định ngay người phụ nữ đó bị hổ vồ. Không ai tin nhưng vài ngày sau, quanh khu vực ấy, có tới 5 con trâu bị hổ vồ, chết vẫn nằm im trong chuồng. Tôi phân tích việc hổ vồ mà không tha xác đi, không kịp xé xác con mồi là do ở cung đường ấy thường xuyên có người qua lại. Nó tấn công con mồi xong rồi nhưng nếu nghe tiếng động thì sẽ sợ bỏ chạy. Ban đầu, mọi người chưa tin lắm nhưng nhưng sau đó, họ hiểu chuyện nên đã mời tôi tới con dốc để bắt hổ” – cụ Liêu kể.
Thành người gác rừng
Hơn 20 năm làm thợ săn, nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cụ Liêu vẫn tham gia công việc bảo vệ rừng. Cụ và người con trai đều ở trong ban bảo vệ rừng, bảo vệ động, thực vật thiên nhiên quý hiếm. Riêng gia đình cụ, nhận bảo vệ 2 ngọn núi, là rừng còn nguyên sơ ngay trước nhà.
54jpg1361498038.jpg

Những chú lợn lai giữa mẹ là lợn nhà, bố là lợn rừng.
“Hai cánh rừng gia đình tôi bảo vệ chẳng ai có thể xâm phạm. Đây là vùng rừng đệm bên ngoài của khu bảo tồn rừng quốc gia Cúc Phương. Nay thú hoang hiếm lắm nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn bắt được những con thú nhỏ như chồn, nai dính bẫy “kẻ trộm”. Tôi mang nó về chăm sóc, khi lành lại thả ra” – cụ Liêu kể.
Trong nhà cụ Liêu nuôi nhiều lợn lai giống giữa lợn rừng và lợn nhà. “Lợn đầy chuồng, gà đầy sân, dê tôi cũng nuôi được, chả có lý gì mình săn bắt thú hoang, đi ngược chủ trương nhà nước. Tôi chỉ mong đừng ai đi săn nữa, đừng tận diệt thú rừng khi nó không gây hại gì” – cụ Liêu tâm sự.
74jpg1361498038.jpg

Dê trong chuồng nhà cụ Liêu.
Cụ Liêu không chỉ làm công tác bảo vệ rừng, cụ còn làm một thầy thuốc. Cả đời gắn bó với rừng, qua học hỏi, cụ Liêu biết được nhiều cây thuốc có thể chữa bệnh. Cụ bảo, trên cánh rừng của cụ có nhiều loại thuốc quý, đặc biệt là cây ráy tía. Củ loại ráy tía này kết hợp với một số loại cây thuốc khác có thể chữa bệnh gút rất tốt.“Ai cần thuốc thì tôi cho chứ không bán. Nhiều người tới đây xin tự khai thác, trả giá cao nhưng tôi đều từ chối vì để họ khai thác là hết, không cho cây kịp đẻ, cũng chẳng trồng thêm như mình. Như vậy, lần sau lấy đâu thuốc mà dùng” – người gác rừng già nói.
Tâm sự nhiều về núi rừng, cụ Liêu càng trở nên trầm ngâm. Theo cụ, trước đây, vì sự bình yên của người dân, của bộ đội tham gia kháng chiến nên cụ mới phải đi săn hổ và nhiều loại thú dữ khác. Nay đã tới lúc rừng và tài sản thuộc rừng cần được bảo vệ. Gác cung tên đã 40 năm, cụ Liêu dành toàn bộ thời gian để chăm sóc, bảo vệ rừng.
“Tôi biến nhà mình thành góc rừng nhỏ với lợn, gà, dê…Vườn cây cảnh của tôi người ta trả tiền tỷ nhưng tôi không màng tới tiền bạc. Với tôi, những gì trong khu vườn của mình cũng giống như rừng của quốc gia vậy. Tôi yêu chúng và sẽ làm người gác rừng tới hơi thở cuối cùng” – cụ Liêu vừa nói, vừa nhìn về phía rừng già ngút ngàn tầm mắt.

Theo zing



 
Back
Top