World Cup và nước Mỹ

T

T$

Guest
140712112013_usa_512x288_reuters.jpg
Cổ động viên tuyển Mỹ theo dõi đội nhà trong trận gặp tuyển Bỉ.


World Cup 2014 ở Brazil sẽ kết thúc vào chiều Chủ nhật. Một lần nữa Đức lại đụng Argentina. Năm 1986 hai nước đã vào chung kết ở Mexico và Argentina đoạt cúp vô địch, với Maradona vang danh. Năm nay bạn sẽ bắt Argentina hay Đức?
Cho đến lúc này, World Cup 2014 có hai trận đáng nhớ đối với tôi là trận giao đấu trong ngày đầu tiên giữa Tây Ban Nha và Hà Lan, với những cú đội đầu tuyệt đẹp. Dù Tây Ban Nha dẫn trước 1-0, nhưng kết thúc Hà Lan đánh bại đội tuyển đương kim vô địch 5-1, kéo theo sau những thất bại khác trên sân cỏ khi gặp Chile, gặp Úc khiến Tây Ban Nha phải khăn gói về nước sớm trong đau thương.
Trận thứ nhì, giữa Đức và Brazil trong vòng tứ kết cũng thật khó quên. Chưa đầy 30 phút của hiệp đầu Đức đã thắng 5-0 khiến dân chủ nhà òa khóc vì biết khó có thể cứu được Brazil. Kết quả đội nhà bị loại khỏi vòng chung kết với tỉ số 1-7 là một kỳ tích bóng đá và là sự nhục nhã cho Brazil.
Lúc banh liên tục vào khung thành, tôi và các bạn đang xem cứ ngỡ đó là cảnh chiếu lại của những trái vào gôn từ trước.
"Năm nay Hoa Kỳ cũng vào được vòng 32, rồi tiến lên vòng 16 làm nhiều người Mỹ mừng. Trong “nhóm tử thần”, đội Mỹ đã sống sót qua những trận đầu tiên nên tinh thần bóng đá của dân Mỹ lên cao đôi chút"



Các bạn ở Mỹ có nhận xét số điểm thắng như thế chỉ có trong football Mỹ, là môn thể thao banh cà-na mà mỗi lần touchdown, tức đem banh vào đất đối thủ là được 6 điểm, sau đó nếu đá quả banh lọt khung thành thì thêm 1 điểm nữa. Không mấy ai ngờ bóng đá có thể đạt tới số điểm 7-1 như đã xảy ra.
Những ngày đầu của World Cup 2014 không khí say mê bóng đá ở Mỹ cũng được hâm nóng hơn so với những lần trước, cao hơn cả World Cup 1994 tổ chức tại đây. Tuy nhiên mức độ nhiệt tình với bóng đá của người Mỹ còn thấp so với giải bóng cà-na SuperBowl hay giải bóng chày World Series hàng năm.
Năm nay Hoa Kỳ cũng vào được vòng 32, rồi tiến lên vòng 16 làm nhiều người Mỹ mừng. Trong “nhóm tử thần”, đội Mỹ đã sống sót qua những trận đầu tiên nên tinh thần bóng đá của dân Mỹ lên cao đôi chút.
Phó Tổng thống Joe Biden có mặt tại sân vận động để ủng hộ khi đội tuyển Mỹ gặp Ghana. Hôm 1/7 Mỹ đá với Bỉ, Tổng thống Barack Obama cùng cả trăm viên chức nhà nước xem trực tuyến truyền hình ủng hộ đội nhà. Tuy nhiên trận này tiền đạo Clint Dempsey không phá lưới được trái nào, trong khi thủ môn Tim Howard cứu đội Mỹ nhiều phen. Đá thêm giờ, Mỹ thua Bỉ vào phút chót 1-2 với một trái lọt lưới nhờ trung vệ Julian Green.
[h=2]Khán giả gia tăng[/h]
140712112549_usa_512x288_afp.jpg
Tổng thống Obama theo dõi một trận đấu của tuyển Mỹ tại World Cup với công chúng.


Từ New York, Chicago sang San Francisco, Los Angeles, San Jose là những nơi có đông người gốc Đức, Ba Lan hay Mỹ La-tinh sinh sống nên có màn hình lớn dựng trong sân vận động và ngoài quảng trường để cổ động viên theo dõi các trận đấu của đội tuyển Mỹ.
Theo Nielsen, tổ chức kiểm chứng số khán giả truyền hình, đã có 21,6 triệu người Mỹ xem trận hôm 1/7, đông thứ nhì trong lịch sử bóng đá Hoa Kỳ. Trận đá giữa Mỹ và Bồ Đào Nha hôm 22/6, với kết quả huề 2-2, có đông người Mỹ xem nhất, với 24,7 triệu, nhưng là con số khiêm nhường so với hơn một trăm triệu người xem trận vô địch SuperBowl mỗi năm.
Bóng đã vẫn chưa trở thành môn thể thao được nhiều người Mỹ chú ý hay ưa chuộng.
"Theo sắc dân, 79% người Mỹ gốc Hispanic “có quan tâm” tới World Cup. Một thăm dò khác của YouGov cho thấy 26% người da trắng, 33% da đen và 47% gốc Hispanic có theo dõi sát hoặc rất sát những trận đấu"



Một khảo sát do nhật báo Wall Street Journal, kênh truyền hình NBC và tổ chức Annenberg phối hợp thực hiện được phổ biến hôm 1/7, kết quả có đến 40% người Mỹ “hoàn toàn không quan tâm” đến World Cup, trong khi chỉ 22% xem đó là sự kiện “đáng chú ý” và 38% có chút chú ý đến các trận đấu kéo dài một tháng ở Brazil.
Theo sắc dân, 79% người Mỹ gốc Hispanic “có quan tâm” tới World Cup. Một thăm dò khác của YouGov cho thấy 26% người da trắng, 33% da đen và 47% gốc Hispanic có theo dõi sát hoặc rất sát những trận đấu. Theo tuổi, 42% giới trẻ tuổi từ 18-29 xem các trận đấu, 28% tuổi 30-44, 24% tuổi 45-64 và 25% trên 65 tuổi.
Tôi thuộc thế hệ người Việt thời 1970 nên từ những ngày còn học cấp 2 đã thích đọc truyện của Duyên Anh như “Mơ thành người Quang Trung”, “Bồn lừa” là chân dung những đứa trẻ Việt Nam say mê bóng đá với nhân vật chính trong truyện là những thiếu niên với cặp chân lừa banh rất giỏi.
Thời đó Việt Nam đã có những vận động viên nổi danh như Tam Lang, Phạm Văn Rạng, Trung đầu hói. Có ký giả Huyền Vũ nói nhanh như gió khi tường thuật từ sân cỏ.
Khi đến Mỹ sinh sống, tôi chẳng còn thấy hình ảnh quả bóng lăn trên sân cỏ. Thay vào là trái banh cà-na xoáy xoay bay vào không gian trong môn thể thao mang tính cách Mỹ là “football” (foot = chân, ball = banh), nhưng chân dùng để chạy, còn banh được ném đi hay ôm ghì trong tay mà chúi đầu chạy, gặp đối thủ cản là húc, tìm cách phá vòng vây để đem banh đến đích. Các vận động viên môn này vai phải độn và đầu đội nón an toàn trông như phi hành gia.
[h=2]Không cần tốn tiền[/h]
140701210237_partida_eua_x_bel_512x288_afp.jpg
Tuyển Mỹ đã lọt vào vòng 16 ở giải này và chỉ chịu dừng bước trước đội tuyển Bỉ.


Những năm sống ngoài nước Mỹ tôi đã cảm nghiệm được tính phổ thông của bóng đá khắp năm châu, từ châu Phi, châu Á đến châu Âu, nam Mỹ.
Muốn chơi bóng đá không phải tốn tiền mua nón bảo vệ, không cần sân rộng, cũng không cần trái banh đúng khuôn khổ, cứ tròn tròn là có thể lăn đá theo đôi chân. So với banh cà-na cần có sân rộng, có banh đúng chiều kích.
Với bóng đá, thích chơi là cứ ở trần, mặc quần đùi ra sân với vài đứa bạn. Có giầy hay không và banh cỡ nào cũng đá mà chẳng quan tâm đến an toàn, vì trong luật chơi bóng đá cấm không cho chạm vào người, không được sô đẩy nhau. Trong khi chơi banh cà-na húc thẳng vào người, đè hay vật nhau cho té uỵch là chuyện thường, dễ gây vẹo cổ, trẹo tay, trật chân.
World Cup 1986 được tổ chức tại Mexico, khi tôi đang công tác ở Đông Nam Á nên sau hơn một thập niên xa rời hình ảnh bóng đá tôi lại có nhiều cơ hội theo dõi các trận đá bóng quốc tế qua truyền hình.
"Với bóng đá, thích chơi là cứ ở trần, mặc quần đùi ra sân với vài đứa bạn. Có giầy hay không và banh cỡ nào cũng đá mà chẳng quan tâm đến an toàn, vì trong luật chơi bóng đá cấm không cho chạm vào người, không được sô đẩy nhau"



Năm đó Argentina đánh bại Đức. Maradona trở nên thần tượng của Nam Mỹ, của cả giới trẻ ở Việt Nam hâm mộ bóng đá.
Nhưng với tôi Maradona không nổi tiếng bằng ca sĩ Madona của Mỹ thời bấy giờ. Hai cái tên na ná giống nhau, vì thế khi em trai viết thư xin anh “gửi về cho em một tấm hình Madarona khổ lớn”, không rõ lúc đó tôi đọc thư không kỹ hay trong đầu liên tưởng đến cô ca sĩ nhiều hơn là vận động viên bóng đá nên đã mua một tấm hình lớn của ca sĩ Mỹ gửi về cho em.
World Cup 1994 tổ chức tại Mỹ, em tôi đã qua đây đoàn tụ. Lo học hành, hội nhập vào đời sống mới và không khí bóng đá ở Mỹ không còn hào hứng như ở Việt Nam nên dần dần niềm đam mê bóng đá nóng bỏng của em cũng đã nguội đi, như tôi và nhiều người khác đã từng trải nghiệm.
Mấy tuần qua, những lúc ngồi xem bóng lăn trên sân cỏ ở Brazil tôi thường lên mạng chia sẻ cảm nhận với các bạn xa gần.
Toàn cầu đang hướng về Brazil. Cơn say bóng đá đang bừng lên từ Yaoundé, Amsterdam, Hà Nội, Berlin sang Mexico City, Johannesburg, Buenos Aires nhưng vẫn chưa đến được New York, San Francisco hay Los Angeles một cách mãnh liệt.
[h=2]Còn là xa vời[/h]
140604104948_usa_football_team_512x288_reuters.jpg
Tuyển Mỹ dưới sự dẫn dắt của HLV Klinsmann có một trình diễn khá tốt ở World Cup này.


Bóng đá ở Mỹ gọi là “soccer” – vì nếu gọi “football” sẽ bị lầm ngay – và có cụm từ “soccer mom” để chỉ những bà mẹ ở nhà lo cho con cái, lo việc bếp núc. Có người Mỹ cho rằng môn thể thao này không sôi động, xem rất chán vì chậm và nhiều trận chẳng có điểm nào. Thắng vì những trái phạt đền chỉ là may mắn.
Nhưng nếu so với bóng chày (baseball) thì cũng chậm như thế mà nhiều người Mỹ vẫn mê môn thể thao này và hàng năm có giải World Series.
Nước Mỹ giàu có, nhiều người cũng muốn đội tuyển Mỹ đạt kết quả tốt hơn nên nên đã từng thuê Pelé, Beckham làm huấn luyện viên nhưng cũng chưa đủ để đưa Hoa Kỳ qua vòng 16 quốc gia.
"Thể thao là một nét văn hoá. Mà nước Mỹ có những môn thể thao rất khác với thế giới. Thay đổi nếp sinh hoạt đó là một điều khó"



World Cup có thể xem như hệ thống đo lường thập phân cả thế giới đang dùng, trừ Hoa Kỳ, dù nước Mỹ đã có những luật lệ khuyến khích chuyển đổi qua hệ thống này cho hòa nhịp với thế giới. Tuy nhiên, trên ESPN khi tường thuật trận đấu, phóng viên Mỹ vẫn tính khoảng cách với đơn vị “yard line”, (1yd = 91.44 cm) dùng đo chiều dài trong các trận banh cà-na.
Thể thao là một nét văn hoá. Mà nước Mỹ có những môn thể thao rất khác với thế giới. Thay đổi nếp sinh hoạt đó là một điều khó.
Người Mỹ đã phát minh ra mạng xã hội Facebook, Twitter để có thể đưa thông tin và hình ảnh đến với hàng chục triệu người ở khắp nơi trên thế giới trong vài giây. Nhưng đem bóng đá gần lại hơn với người dân Mỹ còn là điều xa vời.
World Cup 1994 được tổ chức tại Hoa Kỳ, đến nay đã 20 năm nhưng tinh thần bóng đá của dân Mỹ vẫn chưa lên cao hơn.
Năm đó tôi bắt đội Brazil và đã thắng. Năm nay tôi đoán Đức sẽ giành cúp vô địch. Có bạn nào đánh cá theo tôi không?
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một nhà báo tự do hiện sống tại California, Hoa Kỳ.


Theo BBC Vietnamese
 
Back
Top