Xóm "bồng bềnh" và những mảnh đời "mắc cạn"

G

Guest

Guest
Có ông vua bãi rác sẽ đón cái Tết buồn nhất trong cuộc đời dằng dặc buồn của mình. Và những cư dân của xóm bồng bềnh đang mắc cạn trên dòng sông Hồng cũng chưa biết sẽ xoay xở ra sao khi mà xuân đang cận, Tết đang kề.
Vương quốc ao tù của vua bãi rác
Những trận mưa hiếm hoi cuối mùa đông đã làm cho nước sông Hồng bớt cạn kiệt, nhưng xuống sông, tôi vẫn có cảm giác như lạc vào sa mạc. Dưới chân cát vàng phơi trong nắng, khô giòn.
Những trụ sắt dưới chân cầu Long Biên trơ ra trông như ống xương già rệu rã. Cầu Long Biên đã trăm tuổi và trong một thế kỷ qua chưa bao giờ nó lại trơ ra như thế. Dăm ba con cá chết khô phơi trên cát trông như đã hóa thạch cả nghìn năm.



View attachment 6616 Một con thuyền mắc cạn trên sông Hồng. (Ảnh: P.N)
Tôi nhìn thấy một ông lão đang ngồi trên con thuyền sắt, lặng im nhìn ra ngoài. Trước mặt ông, trên bãi đất rộng đầy những bì tải rác thải, bao nylon, vỏ lon, ống nhựa. Ở tổ 2, cụm 7, phường Phúc Xá này, người ta gọi ông là vua bãi rác.
Tôi bước vào vương quốc của vua - con thuyền chật chội, một mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ông lão bảo: “Nước cạn kiệt, nơi đây thành cái ao tù, bao nhiêu chất bẩn lâu ngày dồn tụ lại nên mới hôi thối như thế”.
Vua bãi rác tên Vũ Đình Bài, sinh ra ở đất Thái Lan, sau đó tình nguyện về Việt Nam, xung phong vào bộ đội, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Hòa bình, ông trở về quê nhà ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Ở quê chưa ấm chân thì nhà ông bị giải tỏa làm đường. Không chốn nương thân, hai vợ chồng xuôi Hà Nội, mua một con thuyền sắt vài triệu đồng, neo vào sông Hồng.
View attachment 6614 Ông Bài: “Tết đến nhớ con, cháu, nhớ quê mà không có tiền để về”
Hằng ngày họ lên chợ Long Biên nhặt rác, bao nylon hay bất cứ thứ gì có thể bán cho hàng đồng nát. Đêm, về ngủ trên thuyền. Họ gắn với sông vì để có nơi mà rửa rác trước khi nhập và cũng chẳng biết cư ngụ ở đâu giữa Hà Nội này nữa. Hai mươi năm nay vợ chồng ông Bài sống trên thuyền như thế, cuộc sống cứ thế trôi đi, tưởng như đã yên phận an cư cho đến một ngày... sông Hồng trơ đáy.
Ông Bài lắc đầu, bảo: “Sông Hồng khô hạn đã khiến cho cuộc sống của chúng tôi đảo lộn. Thuyền bị mắc cạn trong cái vũng nước này, cả xóm chài phải chịu bao nhiêu thứ ô nhiễm. Dân xóm chài phải bỏ đi nơi khác hết vì sông khô kiệt thì còn cá đâu mà đánh. Nước cạn nhưng ruồi muỗi lại nhiều vô kể. Bệnh tật rình rập và ập đến bất cứ lúc nào”.
Cả một ngày nhặt rác, hai vợ chồng ông lão cũng chỉ kiếm được khoảng 30 nghìn đồng. Nhưng trong khoản thu nhỏ nhoi ấy, họ phải chi hơn 10 nghìn đồng để mua nước. Số tiền còn lại dành cho gạo muối, dầu đèn...
Ông lão 76 tuổi này phải đi bộ lên bờ sông, vào nhà dân mua nước. Sau đó, ông lại quằn lưng gánh vượt qua những dải cát vàng mấp mô để xuống thuyền. Nước về đến thuyền thì vua gần như kiệt sức.
“Ở giữa sông mà phải dành gần một nửa thu nhập của mình để mua nước, ngay cả nước tắm giặt, tôi xót lắm. Nhưng không còn cách nào khác”, ông Bài than thở.
View attachment 6615
Ông Lê Văn Xoài: “Năm nay làm ăn thất bát, sông Hồng cạn, đã nghèo lại gặp eo”
Hai mươi năm sống trên thuyền, chưa bao giờ vua bãi rác chứng kiến sông Hồng lại khô cạn đến mức như vậy. Tôi hỏi: “Ông có nghe nói tới hiện tượng biến đổi khí hậu hay El Nino không?”.
Ông Bài cười: “Tôi có biết biến đổi khí hậu hay El Nino là cái gì đâu, nhưng đã 20 năm qua tôi thấy sông Hồng thay đổi nhiều quá. Sông Hồng thay tính đổi nết, trở nên thất thường, không thể đoán biết trước được. Có phải vì người ta chặt rừng đầu nguồn, hay khai thác cát sỏi, rút ruột lòng sông? Những người sống nhờ sông như tôi hoang mang và lo sợ quá”.
Ông Bài đang mong nước lên từng ngày để cuốn đi rác rưởi và xú uế, để chiếc thuyền của hai vợ chồng lại ghé được vào bờ, chấm dứt những ngày oằn lưng gánh nước.
Ông lão 76 tuổi này có vẻ sợ Tết: “Tết là khoảng thời gian buồn nhất của hai vợ chồng tôi. Hai vợ chồng nằm co trong khoang thuyền chật hẹp, không biết đi đâu. Nhìn lên cầu Long Biên, thấy thiên hạ phơi phới qua lại, tủi thân lắm. Hai vợ chồng già chẳng biết làm gì cho qua ba ngày Tết. Nhớ con, nhớ cháu, nhớ quê hương mà không có tiền để về. Ngồi trên thuyền thêm nỗi buồn nhìn sông trơ đáy nước mắt cứ thế tuôn”.
Tết này, vua bãi rác chưa biết lấy gì để làm cơm cúng tổ tiên khi mà họ đang phải chạy ăn từng bữa toát mồ hôi.
“Thôi thì, nếu không có tiền đành thổi bát cơm trắng, thắp nén nhang, lòng thành khấn vái. Đêm giao thừa cũng cố ra mũi thuyền nhìn pháo hoa. 76 tuổi thì còn gì nữa mà mơ ước, chỉ dám mơ có một tấc đất ở quê mà về, để không chết rũ ở trên thuyền. Có lẽ Tết này sẽ là cái Tết buồn nhất của vợ chồng tôi”, ông Bài nói như độc thoại.
Chìm nổi ở xóm bồng bềnh
Cách thuyền ông Bài không xa là xóm bồng bềnh đang vang lên những thanh âm cuối ngày. Gọi là xóm bồng bềnh vì các túp lều đều được dựng trên sông, gá vào những tấm xốp và thùng phuy, lúc nào cũng trong trạng thái chơi vơi. Những túp lều được làm bằng đủ thứ chất liệu, vá chằng vá đụp. Chiếc thuyền sắt của ông Bài trở nên sang trọng chẳng khác gì thuyền rồng ở xóm bồng bềnh.
Anh Lê Văn Xoài, cư dân của xóm đứng trên miếng xốp lớn, rẽ làn nước thối, từ lều bước lên bờ, trò chuyện với tôi: “Năm nay xóm làm ăn khó khăn, thất bát lắm. Sông Hồng cạn, đã nghèo còn gặp eo, tiền mua gạo còn chẳng đủ, lại thêm tiền mua nước sạch”.
Xóm bồng bềnh sống bằng nghề nhặt rác. 17 chủ nhân của những túp lều đều phải dậy từ sáng sớm lên chợ Long Biên nhặt phế liệu, nylon, tải dứa, vỏ lon, chai nhựa… Nhặt xong, đưa ra sông Hồng rửa, trước khi nhập cho hàng đồng nát. Nhưng nước sông đã bẩn đến mức rửa lại làm rác bẩn thêm.
Chị Nguyễn Thị Lành, mỗi ngày đi rạc người chỉ kiếm được khoảng 40-50 nghìn đồng. Khoản tiền ít ỏi đó chị phải căng ra đắp đổi cho cả gia đình có 6 miệng ăn.
Ngoài kia, mấy đứa trẻ con chị Lành và hàng xóm đang đá bóng trên bãi cát. Mới đây thôi, bãi cát là đáy sông. Lũ trẻ đá bóng như để trốn thứ gió tái tê của bờ bãi sông Hồng. Những manh áo rách bay lên theo nhịp chạy.
Tết đang cận kề.
Người đàn bà này thở dài: “Nói không ai tin, bây giờ mà kiếm cho mỗi cháu một cái áo mới vào dịp Tết là việc không thể. Sống trên sông Hồng khổ đủ đường, nhất là mùa cạn kiệt này. Chúng tôi cũng tiến thoái lưỡng nan, muốn về quê cũng không một tấc đất cắm dùi, ngay cả lên bãi giũa sông Hồng để dựng lều để khỏi phải bồng bềnh cũng chẳng được, coi như mắc cạn ở đây”.
Hà Nội bỗng mưa to, mưa triền miên mấy ngày liền do ảnh hưởng của đợt gió mùa đông bắc. Hồ Hòa Bình đã xả nước cho hạ du vào vụ cấy. Nước sông Hồng lên. Nhưng cuộc sống của cư dân xóm bồng bềnh chẳng lên theo con nước. Nước nổi, bèo vẫn mắc cạn trên dòng sông trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn.
Theo Phùng Nguyên
 

Attachments

  • 2..jpg
    2..jpg
    22.2 KB · Views: 0
  • 1..jpg
    1..jpg
    28.3 KB · Views: 0
  • 3..jpg
    3..jpg
    30.9 KB · Views: 0
Back
Top