Ảnh: www.corbis.com Ăn uống luôn luôn là mối quan tâm lớn của con người, hỏi rằng có một công thức nấu ăn nào hoàn hảo cho tuổi thọ thì câu trả lời là không có, nhưng những lời khuyên thực tế sẽ là: thực phẩm phải đa dạng, hàm lượng dinh dưỡng cao và cân bằng.
Hàng năm, trong 12 ngày lễ tết âm lịch thì Tết Nguyên đán là quan trọng nhất. Tết là ngày sinh hoạt đón xuân của đại gia đình. Một trong cái vui sum họp gia đình là ăn uống.
Khi nào thì ăn?
Tất nhiên câu trả lời thường là: đói thì ăn. Nhưng trong các dịp lễ tết, hội nghị do sự mời chào và do các thức ăn hấp dẫn nên dù đã no người ta vẫn ăn thêm. Ðặc biệt những bữa ăn ngày Tết Nguyên đán thường được chuẩn bị rất chu đáo, phần lớn là các bữa đại tiệc. Trong bữa tiệc có nhiều loại thịt, cá, giò, chả v.v... cộng với sự đa dạng của đồ uống, vì thế cần phải biết lựa chọn thức ăn cho thích hợp để giữ được điều độ.
Cần phải chia các bữa ăn một cách hợp lý:
Một số người ăn bữa sáng, bữa trưa nhẹ, bữa tối có sum họp đầy đủ đại gia đình mới ăn một bữa thịnh soạn - bữa thịnh soạn buổi tối làm cho cholesterol tăng cao, những tảng mỡ không mời mà ngang nhiên xâm lấn vùng bụng, vùng hông. Người ta đã chứng minh rằng những người ăn một bữa no mỗi ngày thì cholesterol sẽ cao hơn ở những người ăn ít một, nhiều lần trong ngày. Và đây có lẽ cũng là lý do mà cholesterol ở nữ giới, lúc trẻ thấp hơn ở nam giới vì quý cô, quý bà hay ăn quà vặt còn quý ông thì nhồi nhét bữa cho xong.
Ăn một bữa no buộc bộ máy tiêu hóa thức ăn (dạ dày, các tuyến tiêu hóa) phải làm việc quá sức, tuyến tụy phải tiết nhiều insulin trong một thời gian quá ngắn, sẽ làm giảm dần khả năng tiết insulin dẫn tới bệnh tiểu đường (BTÐ). Ðây cũng chính là một trong các nguyên nhân của TÐ tuýp 2 xảy ra ở các nước phát triển. Nhìn vào tình hình ăn uống của thế giới hiện nay, chúng ta thấy nổi lên sự chênh lệch quá đáng. Ví dụ, mức tiêu thụ thịt bình quân đầu người hàng ngày của các nước đang phát triển là 50g thì ở Mỹ là 250g; mỡ ở vùng Viễn Ðông là 10g thì ở châu Âu là 50g, ở Mỹ 56g. Mức ăn quá dư thừa trên đã dẫn tới bệnh béo phì từ đó dẫn tới xơ vữa động mạch và các bệnh mạch vành chết người.
Ðể tránh tình trạng trên, chúng ta cần chọn thức ăn và lượng thực phẩm hợp lý.
Ngoài giá trị dinh dưỡng, thực phẩm phải giúp cho các chức phận của cơ thể hoạt động tốt, phải có giá trị phòng bệnh, chữa bệnh, nâng cao sức khỏe. Với người già, nhu cầu năng lượng giảm đi 30% vì thế mỗi ngày người già chỉ cần cung cấp 1800-2000 calo là đủ.
Ðể có lượng calo trên, mỗi ngày trước hết nên tránh ăn nhiều mỡ động vật, loại mỡ động vật có nhiều mỡ bão hòa làm tăng cholesterol máu. Chất cung cấp nhiều năng lượng nhất là bột, gạo, ngô, khoai, mì (gạo ăn khoảng 300-400g/ngày).
Ăn đạm động vật: gà, vịt, cá, tôm, cua, ốc... xen kẽ các đạm thực vật, nhiều rau và nước. Nhiều nhà sư ăn chay rất thọ.
Rau quả cung cấp rất nhiều vitamint.
Ảnh: www.corbis.com
- Ăn nhiều rau, hoa quả chín vì là nguồn cung cấp vitamin. Các chất xơ trong thức ăn như măng, các loại rau... sẽ giúp tăng tốc độ di chuyển của thức ăn trong ruột, tránh táo bón. - Cần phải uống đủ nước. Người già thường mất cảm giác khát nên mỗi ngày phải tự uống khoảng 1,5 lít nước, không chờ quá khát mới uống.
Trào lưu đô thị hóa đã làm thay đổi cách ăn và lối sống với thu nhập cao, ăn theo túi tiền và sở thích, ăn nhiều mỡ nhiều thịt, nhiều đường, giảm rau, uống nhiều bia rượu, nước ngọt, với phong cách ăn nhanh các thực phẩm chế biến sẵn đã làm tăng bệnh béo phì, tim mạch, ung thư, tiểu đường...
Bữa ăn là nguồn vui trong gia đình. Trong giai đoạn chuyển tiếp và do tác động của cơ chế thị trường, đặc biệt ở các thành phố, bữa ăn gia đình bị xáo trộn. Các hàng cơm bán sẵn ở đường phố, các cửa hàng thức ăn nhanh và các tiệm ăn phát triển cũng góp phần làm giảm vị trí bữa ăn trong gia đình. Nhưng nếu chúng ta quan niệm gia đình là tế bào của xã hội thì cần phải duy trì và tổ chức tốt bữa ăn trong gia đình, trước hết là bữa ăn tối và các ngày nghỉ. Ðây là dịp để tất cả các thành viên trong gia đình có dịp họp mặt đông vui sau một ngày, một tuần làm việc và học tập căng thẳng để không những được nếm những món ăn ngon, quen thuộc, chế biến theo truyền thống gia đình mà còn là một dịp chia sẻ sự vui buồn và niềm hân hoan khi gặp nhau.
Nhìn lại những thay đổi của bữa ăn trong ít thập niên qua chúng ta cần suy nghĩ làm thế nào công nghệ hóa, hiện đại hóa bữa ăn mà vẫn giữ gìn được truyền thống và hương vị dân tộc quen thuộc. Từ nạn thiếu dinh dưỡng, chúng ta cũng đang lo ngại nạn thừa dinh dưỡng và dinh dưỡng kém vệ sinh, không an toàn. Ăn uống hợp lý là một biện pháp phòng và chống một số bệnh và tăng thêm tuổi thọ.
GS. TS Trần Đức Thọ
Báo Sức Khoẻ & Đời Sống