Đằng sau con số lạnh lùng là những cuộc đời

thanhlinh

Junior Member
Tính đến ngày 31/10/2008, cả nước đã phát hiện 135.171 người nhiễm HIV. Tỉ lệ những người nhiễm HIV là phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh sản ngày càng tăng cao. Đó là những thông tin mang tính cảnh báo cho toàn xã hội trước nguy cơ căn bệnh thế kỷ này đang tiến đến cửa của mọi nhà. Nhân ngày 1/12, Ngày Thế giới phòng chống AIDS, Webtretho đã gặp gỡ và phỏng vấn bà Nguyễn Ban Mai , Thư ký của Tiểu ban điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con thuộc ban điều hành phòng chống AIDS các tỉnh phía Nam về vấn đề này.


Thưa bà, từ năm 1993, khi ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam đến nay, theo bà sự hiểu biết về căn bệnh thế kỷ này của người Việt Nam nói chung và người phụ nữ Việt Nam nói riêng đã có tiến triển nhiều hay chưa? Nhiều người vẫn chủ quan cho rằng HIV không nằm trong nhóm 10 căn bệnh có số lượng tử vong cao nhất trên thế giới. Có nghĩa là đó chưa phải là một thảm họa như báo chí tuyên truyền?

Bác sĩ Ban Mai: Căn bệnh này thực sự đang phát triển khá nhanh trên thế giới và tại Việt Nam. Người ta tính ra đã có những làng, xã của Thái Lan bị xóa trắng trên bản đồ. Còn nếu ở Việt Nam, nếu tính người nhiễm thì cũng đã có thể coi là có những quận huyện bị xóa trắng với con số 135.171 người nhiễm. Năm 2005 ta và thế giới còn rất lạc quan và cho rằng phải đến năm 2010 Việt Nam mới đạt con số này. Thế nhưng nay mới 2008 thì chúng ta đã có số lượng người nhiễm là như vậy. Theo bạn đó có phải là nguy cơ hay không?

Hiện nay, việc xét nghiệm HIV ở các phụ nữ mang thai đã là bắt buộc chưa, thưa bà? Là một bác sĩ sản khoa, lại là Thư ký của Tiểu ban điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con thuộc ban điều hành phòng chống AIDS các tỉnh phía Nam, bà có thể nói gì về mức độ quan trọng của việc thực hiện xét nghiệm HIV cho tất cả những phụ nữ mang thai, vì theo quan niệm nhiều người: nhiễm thì đẳng nào cũng nhiễm rồi. Có biết cũng … ích gì?

Bác sĩ Ban Mai: Theo pháp luật của nhà nước việc xét nghiệm này là bắt buộc và theo chính sách là miễn phí. Thế nhưng chúng ta vẫn chưa thể thực hiện được đồng loạt và đều khắp ở mọi nơi.
Việc xét nghiệm này là vô cùng cần thiết. Trong các lọai bệnh thì đây chính là căn bệnh có tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con rất cao: 30-35%. Con HIV có khả năng xâm nhập tế bào bạch cầu. Sự trao đổi chất từ mẹ qua con khi còn là bào thai diễn ra qua bánh nhau. Bánh nhau giống như là một người bảo vệ của cơ thể đứa trẻ. Trong thời kỳ cuối của thai kỳ, những bánh nhau bị mỏng đi khiến con HIV dễ xâm nhập hơn. Thêm vào đó, những tổn thương của mẹ trong khi sanh cũng rất cao và việc lây nhiễm càng có nhiều cơ hội xảy ra.
Nếu được tư vấn và uống thuốc đầy đủ thì tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con chỉ còn 2-5%. Nghĩa là ta đã có cơ hội để cứu sống một đứa trẻ thì tại sao ta lại bỏ qua cơ hội đó. Bởi 75% những đứa trẻ nhiễm HIV từ mẹ sẽ chết rất nhanh.
Bên cạnh đó, nếu được tư vấn tốt, bệnh sẽ phát triển rất chậm. Có một minh chứng tốt là ca phát hiệm nhiễm đầu tiên vào năm 1993 của Việt Nam là một cô gái, cho đến giờ cô vẫn còn sống và rất khỏe mạnh vì được tư vấn tốt và chăm sóc sức khỏe tốt.

Thưa bà, có rất nhiều phụ nữ giới trí thức, công chức, văn phòng có một ý nghĩ khá chủ quan rằng mình không thể lây nhiễm HIV được. HIV là “dành cho” những đối tượng tiêm chích xì ke, ma túy, mại dâm…, những đối tượng có lối sống buông thả. Là một người hoạt động lâu năm trong lãnh vực này bà có thể có ý kiến gì về việc “khoanh vùng “ đối tượng này trong nhận thức của phụ nữ.

Bác sĩ Ban Mai: Có một câu tuyên truyền mà nhiều người đã quen và thấy nhàm chán, nhưng thực ra nó luôn luôn đúng: HIV không chừa một ai. Là người trong nghề, từng tham gia trực tiếp tư vấn cho rất nhiều phụ nữ, tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ được xem là thuộc tầng lớp trí thức bị nhiễm HIV. Tất cả mọi nhóm đối tượng đều có nguy cơ nhiễm. Có những người bệnh của tôi là những phụ nữ giàu có và có gia đình hạnh phúc. Tôi còn nhớ một bệnh nhân đặc biệt. Chị là Tổng giám đốc của một công ty nhà nước rất lớn. Chị bị phát hiện Ung thư cổ tử cung. Khi làm xét nghiệm mới phát hiện chị nhiễm HIV. Sau đó chồng chị thú nhận là có quan hệ với gái mại dâm. Tôi nhớ chị rất rõ vì những ngày đầu tiên đi khám bệnh, chị có thái độ khá là khó chịu, nếu không nói là hách dịch, của một quan chức lớn. Thế nhưng khi phát hiện căn bệnh mình đang mang trong người, chị suy sụp một cách thảm hại. Chị cứ khóc mãi và nhắc đi nhắc lại rằng chị không còn đủ tự tin để đứng trước hàng ngàn công nhân của chị nữa…

Có lẽ chị đã được tiếp xúc với rất nhiều cuộc đời, nhiều cảnh ngộ, chứng kiến nhiều trạng thái tinh thần của những người phụ nữ khi nghe thông tin mình nhiễm HIV….

Bác sĩ Ban Mai: Nhiều vô cùng. Nhưng đa số những phụ nữ ở nhóm có nguy cơ nhiễm cao, họ khá bình tĩnh khi biết tin. Có lẽ bởi họ đã chuẩn bị tinh thần khi xét nghiệm. Còn ở các phụ nữ trí thức, văn phòng, sự suy sụp, hoảng loạn thấy rất rõ. Thêm một điều rất quan trọng là trong khi các phụ nữ ở nhóm nguy cơ cao thường chịu tư vấn, uống thuốc thì những phụ nữ nhóm trí thức, văn phòng có khi lại bỏ đi luôn, cho tới tận ngày sanh. Họ mặc cảm, lo sợ bị kỳ thì…
Mới gần đây, chúng tôi gặp một trường hợp khá nhức đầu. Bệnh nhân là hộ lý của một bệnh viện. Khi chị ta đến sanh, chúng tôi làm test nhanh và phát hiện nghi lây nhiễm. Chúng tôi lập tức cho chị ta uống thuốc phòng ngừa khẩn cấp. Thế nhưng chị ta lại làm toáng lên hỏi chúng tôi cho chị uống gì và vì sao. Lúc đầu chúng tôi còn nói xa gần là nghi chị bị một căn bệnh có thể lây từ mẹ sang con. Thế nhưng chị ta nhất định không chịu, cứ đòi bỏ về nếu chúng tôi không giải thích rõ. Cuối cùng, chúng tôi phải nói thẳng là nghi chị nhiễm HIV, chị ta mới chịu thôi. Theo kinh nghiệm chúng tôi cảm thấy chị ta đã biết mình nhiễm từ những ngày đầu mang thai, nhưng do tâm lý qúa sợ hãi nên cố tránh né, không đi khám và điều trị… Người trong ngành của chúng tôi mà còn có tâm lý như thế nữa là…
Trong nhiều năm tư vấn cho những phụ nữ nhiễm HIV, tôi luôn nhớ đến trường hợp của một người phụ nữ. Chị có chồng là thủy thủ tàu viễn dương. Và anh đã mang căn bệnh thế kỷ ấy về từ nước ngoài, lây cho chị. Chỉ đến khi sanh đứa con thứ hai, chị mới phát hiện mình bị nhiễm. Lúc đó là năm 1997. Khi ấy, chúng tôi mới vừa có thuốc điều trị. Chị được tư vấn và uống thuốc miễn phí. Con chị sanh ra không bị nhiễm HIV. Sau đó, có một lần chị gọi điện thoại cho tôi và khóc rất nhiều. Chị nói chồng chị bị tai nạn giao thông, phải vào bệnh viện. Bây giờ chắc chắn người ta sẽ phát hiện được việc anh nhiễm HIV. Tôi đã phải động viên chị: “Hãy vượt qua thử thách này”. Sau đó anh chết. Chị lại bị thêm một chấn thương nặng: Tại khu phố chị ở, người ta biết được. Những đứa con của chị về hỏi chị: “Sao tụi trẻ con bảo không chơi với con của con mụ Sida?” Chị phải dối con: “Con nhìn mẹ có khỏe mạnh không? Làm sao mẹ bị SIDA được”. Thời gian đó, chị làm thiết kế cho một công ty may mặc. Chúng tôi mời chị đi nói chuyện về HIV cho các buổi tuyên truyền với người nhiễm. Đáng tiếc là tổ chức quốc tế tài trợ đã gửi thư cho chị về văn phòng công ty, nơi chị làm việc. Ở đó người ta bóc thư chị ra xem và ngay ngày hôm sau chị bị đuổi việc. Đó quả là những điều khủng khiếp với chị vì chị một mình nuôi hai con nhỏ… Hiện nay, được sự giúp đỡ của một tổ chức nước ngoài, các con chị đã được gửi ra nước ngoài học hành. Chị đã lo cho chúng một tương lai tốt đẹp. Còn chính chị đang là một thành viên tuyên truyền tích cực của chúng tôi.

Ở ngoài cộng đồng, quả thật là việc kỳ thị vẫn còn khá nặng nề. Thế nhưng trong chính ngành Y của bà, liệu một phụ nữ đi khám bệnh, sanh con mà trong ghồ sơ có ghi là nhiễm HIV có thể sẽ gặp những kỳ thị đó hay không?

Bác sĩ Ban Mai: Thực chất bây giờ trong ngành y đại đa số chúng tôi đã hiểu biết rất rõ về HIV. Riêng ở bệnh viện Từ Dũ, tôi có thể khẳng định là không hề có thái độ kỳ thị. Bởi vì mọi người gần như đã “miễn nhiễm” với căn bệnh này. Thêm một điều, làm trong nghề này lâu năm tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, hơn ai hết chúng tôi rất hiểu và thông cảm với họ. Đằng sau những con số lạnh lùng là những cuộc đời, những số phận rất đau khổ. Chúng tôi chia sẻ với họ điều ấy.

Thưa bác sĩ, có những suy nghĩ theo kiểu: Đã nhiễm HIV thì không nên lập gia đình, không nên sanh con nữa. Theo bà điều đó là đúng hay không?

Bác sĩ Ban Mai: Thực ra làm vợ làm mẹ là khao khát chính đáng của mỗi phụ nữ. Xét về góc độ chuyên môn, chúng tôi chỉ có thể nói một điều rằng với người nhiễm HIV một lần mang thai là một lần bệnh nặng hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc họ chết nhanh hơn. Đứa trẻ sẽ bị bỏ rơi, đa phần là được gia đình đưa vào trại trẻ mồ côi. Thế là lại thêm một gánh nặng cho xã hội. Thêm những tổn thương tâm lý lớn cho một con người. Đó là những vấn đề người mẹ nhiễm HIV cần phải cân nhắc…
Xin cảm ơn bà về những thông tin bổ ích này.



Khánh Chi Webtretho
 

Attachments

  • HIV..jpg
    HIV..jpg
    20 KB · Views: 0
Back
Top