"Độc chiêu" khẳng định... "quyền em"

tuyet_loan08

Junior Member
Trong cuộc "chiến đấu" này, ngay cả các bà vợ có thu nhập ít hơn chồng cũng hăng hái tham gia với nhiều “chiêu” độc. Tất nhiên, các ông chồng không dễ chấp nhận...


Chạy đua quyền lực?
Tình yêu dẫn đường đến hôn nhân, nhưng sau thời trăng mật đam mê, những va chạm trong cuộc sống chung sẽ tạo ra nhiều sóng gió. Sống bên nhau càng lâu, có khi nhiều cặp vợ chồng lại thấy khổ. Nhiều ông chồng bỗng nhìn bà vợ mình như người lạ. Vì sao cô ta lại làm nhiều chuyện... trái ý chồng như vậy? Sao cô ta ngày càng quá quắt trong thái độ, lời nói, hành vi? Có ông chồng không thể dạy con, vì bị vợ cản đường, che chắn. Có ông chồng mệt mỏi vì chốn riêng của mình thường xuyên bị bới tung lên. Số đông các ông chồng còn nhận ra “cái dịu dàng” đang bị khủng hoảng, bà vợ như không cần phải ngọt ngào với chồng nữa. Trước sự hoang mang, bực tức của các ông, các bà vợ kiêu hãnh lý giải: “Đơn giản là quyền làm vợ”.

2010310141016-quyen%20em.jpg



Người ta thường vận dụng đến quyền của mình khi mong đợi không thành, khi lợi ích cá nhân bị thiệt thòi. Đàn ông cần gì ở người phụ nữ? Trong sâu thẳm, đàn ông cần một bà vợ biết “hầu” chồng, cụ thể là đáp ứng nhu cầu tình dục và chăm sóc dạ dày của anh ta. Nếu cảm thấy không thỏa mãn, anh ta sẽ tung ra “quyền anh”.

Theo tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học VN), với sức khỏe và các điều kiện xã hội hiện nay, đàn ông vẫn có nhiều lợi thế hơn phụ nữ trong việc kiếm tiền. Tiếng nói của người mang tiền về nhà, ít nhiều luôn có sức mạnh áp đặt, dù đôi khi chỉ là vô tình. Bạo lực gia đình là đỉnh điểm của “quyền anh” có thể để lại hậu quả nặng nề. Còn phụ nữ, họ xem chồng là chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần. Vị trí xã hội, nghề nghiệp, thu nhập của ông chồng quyết định “thành phần xã hội” của gia đình: trí thức, công nhân hay nông dân... Nhiều bà vợ không phụ thuộc về kinh tế nhưng vẫn muốn nuôi dưỡng cảm giác thuộc về chồng mình. Khi có con, cũng là khi họ có thêm nhiều nỗi lo trong cuộc sống, nên càng sợ mất người đàn ông của mình, người cha của những đứa con. Vì thế, nhân danh sự an toàn của con cái, họ sử dụng tối đa “quyền em” trong việc giữ chồng.

Từ đó, các bà vợ tự cho mình quyền được...ghen, khi nhận ra các dấu hiệu như không mang đủ tiền về nhà, lơ là nghĩa vụ làm chồng, giảm sút trách nhiệm làm cha. Cảm thấy chồng không mang lại sự an toàn, ổn định và bền vững cho gia đình, các bà vợ bắt đầu... ra trận: lục lọi cặp táp, túi quần, kiểm tra tin nhắn, nghe trộm điện thoại, theo dõi chồng... Cùng với các hành vi vừa lén lút vừa công khai này là những lời nhắc nhở, cằn nhằn, tra hỏi và cao điểm là nhiều cách trừng phạt khác đối với chồng.

Ở mức độ nhẹ, các bà không còn siêng năng chuyện cơm nước, bỏ bê gia đình, ôm con về nhà mẹ ruột. Họ có thể cho chồng “biết tay”, rằng họ không phải là đầy tớ, là nô lệ, dù mặt trái của “quyền em” là làm họ mất vị thế trong việc xây tổ, nữ tính ít nhiều bay đi. Các ông chồng có thể “thua” bà vợ nổi loạn, nhưng sẽ không còn coi đó là người đàn bà của gia đình, của mình. Mầm mống phản bội bắt đầu được “cấp đất” để sinh sôi.

Bà Nguyễn Thị Thương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn ly hôn & gia đình TP.HCM cho rằng, đàn ông thích kiểm soát và chủ động chuyện tình dục. Vì thế, phụ nữ thường đánh vào điểm này bằng cách xóa bỏ cơ chế “chồng muốn là được” và quyết định “chuyện đó” theo cách của mình. Các bà giành lấy quyền thích thì cho, hoặc ban phát như một món quà khuyến mãi khi chồng tỏ ra dễ thương, biết điều. Đây là một cuộc chiến mà các bà vợ trẻ, đẹp thường tận dụng vì biết chắc mình còn sức “mê hoặc” chồng. Bị cấm vận là một đòn chí tử đối với các ông chồng. Một số ông buộc phải nhượng bộ, một số chịu khó thay đổi bản thân. Các bà vợ luôn cố tận dụng “quyền em” ở dạng này trong thời kỳ còn huy hoàng của xuân sắc, bởi hiểu rõ tuổi xuân không thể lâu bền.

Các bà vợ có thâm niên hơn thì củng cố “quyền em” bằng các loại vũ khí khác: trình độ học vấn, thu nhập, kỹ năng, kinh nghiệm... Tiến sĩ Lê Thị Quý (Khoa Xã hội học - ĐH KHXH-NV Hà Nội) cho đó là các yếu tố tác động đến quá trình ra quyết định, nhằm tạo vị thế trong gia đình. Người quyết định chuyện lớn trong nhà thường là ông chồng nên đã gây bất lợi cho phụ nữ, bởi cuộc đời họ đành gắn với chữ “phải làm”, nhiều hơn là “muốn làm”. Thời kỳ mang thai, sinh nở, khiến cho các bà vợ tụt lại phía sau, giảm phần đóng góp kinh tế gia đình. Nếu các ông chồng không nhìn thấy việc nội trợ, sinh nở cũng là một đóng góp đáng kể, các bà vợ sẽ thấy mình chẳng là “cái đinh” gì trong gia đình, buộc các bà phải phòng thân, phát huy “quyền em”. Với sự hỗ trợ của các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, không ít bà vợ đã thực hiện được việc mang thai theo ý muốn, sinh con vào thời điểm thích hợp, nhưng không ít người cảm thấy vô cùng “tệ hại” khi không sinh được con trai, dù họ biết rõ họ không hề có lỗi.

Cạnh tranh dễ vướng vào ganh tỵ, đố kỵ, ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc gia đình. “Quyền em” khiêu khích “quyền anh”, “quyền anh” thúc đẩy “quyền em” mà hậu quả có khi là một cuộc... ly hôn - con đường giải thoát đang được nhiều phụ nữ chọn lựa. Có đủ điều kiện nuôi con, không ngại dư luận, các bà vợ trở nên bản lĩnh hơn, không muốn chịu đựng cảnh bất công. Tuy nhiên, “quyền em” theo hướng này đôi khi lại khiến các bà vợ “lười biếng” tìm kiếm giải pháp hàn gắn những xung đột vợ chồng, vốn là chuyện không thể tránh khỏi trong hôn nhân.

Cân bằng

“Tốt nhất là hai “võ sĩ” có quyền bình đẳng như nhau, rồi tùy từng trường hợp mà cân đối quyền lực, gia giảm theo một tỷ lệ thỏa đáng nào đó. Ví dụ mang thai, sinh con, cho con bú, vào bếp thì phát huy "quyền em", còn khi mưa to gió lớn, nhà dột, nhà ngập nước, xe xẹp bánh... thì "quyền anh" ra tay”

Đó là ý kiến, cũng là mong đợi của những người... chưa lập gia đình. Họ không muốn triệt tiêu “quyền anh” hay “quyền em”, mà cần có sự hợp tác hỗ trợ cho nhau trong việc xây dựng gia đình. Thế nhưng, khi thành người có gia đình, họ lại quên mất ý tưởng đó của chính mình, nhất là vào những lúc cảm thấy bị tổn thương bởi lời nói hay thái độ của người bạn đời. Họ sử dụng quyền vào mục đích bảo vệ bản thân hơn là bảo vệ gia đình.

“Quyền em” mạnh mẽ đúng nghĩa, là phải biết thúc đẩy và tạo điều kiện để “quyền anh” phát triển theo hướng tích cực. Bà vợ khôn ngoan là người biết mời gọi ông chồng vào vị trí trụ cột, chứ không phải tranh với anh ta để gia đình có hai cột. Nếu được vợ con tôn trọng, tin tưởng, ông chồng sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và sử dụng đúng quyền hạn của mình. Anh ta không còn phải lo lắng bị “quyền em” đè bẹp, lấn lướt, khiến cho anh ta mất mặt trước con cái, lép vế trước người thân. “Quyền em” mạnh nhất khi bà vợ giữ được nữ tính, sự dịu dàng, cùng với những phẩm chất, đức hạnh vốn có của người phụ nữ. Có bà “nội tướng” thông minh, sáng tạo, ông chồng dù “hô gió, gọi mưa” bên ngoài đến đâu, cũng vẫn muốn về nhà để được vợ chăm sóc.

“Quyền em” rất cần cho gia đình, nhưng không phải để đua với “quyền anh”. Vợ chồng là hai cá thể rất độc đáo, không cần phải “ăn thua” với nhau. Tình yêu làm cho trái tim quên đi quyền lực, có sức thúc đẩy mỗi người đi tìm hạnh phúc, dựa trên lợi ích chung của gia đình, trong đó có lợi ích cá nhân. Tình yêu và quyền lực rất khác nhau nhưng thường bị trộn vào nhau. Người ta có thể dùng sức mạnh của quyền lực để chiếm hữu tình yêu, nhưng thực chất tình yêu mang sức mạnh, như thân củi phải cháy đi để mùa đông có hơi ấm. Tình yêu không thể lớn lên bằng sức mạnh và không thể dùng quyền lực để duy trì tình yêu. Đừng để vì quyền của người bạn đời mà bà vợ, ông chồng lâm cảnh “phải cố yêu người mà sống”. Cho đi một món quà là cho đi một phần tài sản, nhưng cho đi trong hôn nhân là được nhận lại chính mình.



Theo PNO
( theo XinhXinh )
 
Back
Top