Đột quỵ: Bất ngờ nhưng vẫn có thể dự báo

thanhlinh

Junior Member
BVBachMai.jpg
Luyện tập phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân tại trung tâm phục hồi chức năng BV Bạch Mai
Người bệnh có thể bị liệt suốt đời, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Căn bệnh nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong muốn nói đến ở đây là bệnh đột quỵ tỷ lệ người mắc bệnh này trong xã hội hiện đại đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt ở lứa tuổi thanh niên. Đáng lưu ý hơn, có tới 70% người bệnh tử vong trên đường chuyển đến các cơ sở y tế cấp cứu.

Tỷ lệ mắc cao ở các nước đang phát triển
Về bản chất, tai biến mạch máu não (TBMMN) là một hội chứng lâm sàng do mạch máu não bị tắc nghẽn, bị vỡ, bị dị dạng động tĩnh mạch làm cho sự tuần hoàn máu trong não trở nên thất thường, xảy ra xuất huyết não hoặc rối loạn mạch máu não, thiếu máu não. Trên thế giới, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai sau bệnh nhồi máu cơ tim (7 triệu người tử vong). Theo Tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO), riêng trong năm 2006, có 5 triệu người tử vong do bệnh TBMMN hay còn gọi là đột quỵ. Hầu hết số đó ở các nước có thu nhập thấp và trung bình (chiếm 4,61 triệu người), còn ở các nước thu nhập cao chỉ có 0,78 triệu người. Khi đánh giá về chỉ số Daly (số năm trong cuộc đời bị mất do tàn tật), ở các nước đang phát triển, ước tính có 63 triệu năm đã bị mất do tàn tật, hậu quả của đột quỵ, chiếm khoảng 4,5% chỉ số Daly nói chung. Tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại chưa có một thống kê tổng thể nào về tỷ lệ mắc bệnh cũng như gánh nặng của bệnh TBMMN. Tuy nhiên, con số báo cáo của các bệnh viện chuyên tim mạch như Bệnh viện Tim TƯ, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... 30% số bệnh nhân nhập viện là do mắc TBMMN. Còn ở khoa Hồi sức cấp cứu của các bệnh viện, bệnh nhân TBMMN chiếm đa số.

Đâu là nguyên nhân ?
Tại buổi khai mạc “Chương trình đào tạo cơ bản điều trị đột quỵ” do Bộ Y tế kết hợp với WSO tổ chức mới đây, các bác sỹ chuyên khoa cho biết, nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới và tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Mặc dù vậy, áp lực công việc, cuộc sống ít vận động... cũng đã và đang làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ở lứa tuổi thanh niên. Ngoài yếu tố tuổi cao, những người bị cao huyết áp, huyết áp thấp; người có lượng cholesterol cao trong máu; người mắc bệnh tiểu đường; người hút thuốc lá nhiều đồng thời mắc một hay cả bốn chứng bệnh kể trên có nguy cơ hàng đầu bị đột quỵ.

Phòng bệnh bằng cách nào ?
Đột quỵ được coi là một thảm họa nhưng nó hoàn toàn có thể dự phòng và điều trị được. Các dự án nghiên cứu sâu hơn của WSO cho thấy, việc dự phòng sẽ có hiệu quả hơn bằng cách xây dựng và phổ biến những chương trình chăm sóc đột quỵ trong giai đoạn cấp cũng như lâu dài. Theo nhận định của WSO, hệ thống chăm sóc đột quỵ của những nước có tỷ lệ tử vong do đột quỵ cao, trong đó có Việt Nam, thường kém phát triển. Ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hệ thống tư vấn, chăm sóc đột quỵ của nước ta chưa cơ bản nên bệnh nhân thường được chẩn đoán muộn, tỷ lệ bệnh nhân bị tử vong trên đường đi cấp cứu khá cao. Hiện trên địa bàn Hà Nội mới có Bệnh viện Bạch Mai đang thí điểm triển khai đơn vị chuyên sâu để tư vấn, điều trị, phục hồi chức năng, quản lý giám sát bệnh nhân sau khi phục hồi cho bệnh nhân. Tới đây, Bộ Y tế chủ trương xây dựng các đơn vị đột quỵ tại khoa Hồi sức cấp cứu của các bệnh viện, tiến tới sẽ xây dựng các trung tâm đột quỵ ở từng vùng.

Cũng theo ông Kính, để phòng bệnh, người dân phải có ý thức kiểm soát những nguy cơ dễ dẫn đến đột quỵ bằng cách khám sức khỏe định kỳ hàng năm, đặc biệt với những người từ tuổi trung niên trở lên. Khi phát hiện có những biểu hiện về huyết áp cao, cholesterol cao trong máu, tiểu đường và có vấn đề về động mạch máu não thì phải cảnh giác, uống thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ và sống lành mạnh.

Theo Đức Trung
 
Back
Top