Cơn tetany điển hình làm thành dáng “bàn tay đỡ đẻ”. Ảnh: Nature
Ở một số người đang làm việc bình thường đột nhiên thấy tê rần khắp người, sau đó là co thắt các bắp cơ toàn thân, nhiều nhất là ở tay và chân, vẻ mặt hốt hoảng, thở nhanh. Đây là các biểu hiện của cơn tetany (sự co cứng cơ), thường gặp ở các cô gái trẻ, công nhân may mặc khi làm việc tăng ca, sinh viên và học sinh, nhất là vào mùa thi căng thẳng.
Tetany là tình trạng thần kinh cơ bị kích thích dẫn đến co thắt cơ toàn thân. Cơn tetany điển hình rất dễ nhận biết, được báo trước bằng loạn cảm ở đầu các ngón, cảm giác khó chịu toàn thân. Tiếp đó xuất hiện các cơn co cứng, thường đối xứng rõ rệt ở ngọn chi. Ở tay gấp các khớp bàn ngón, duỗi các khớp liên đốt, ngón cái khép vào lòng bàn tay làm thành dáng "bàn tay đỡ đẻ”. Ở chân làm duỗi các cơ ở bàn chân, cẳng chân.
Đôi khi có co cứng các cơ vòng quanh miệng làm môi vẩu ra như mõm cá, hoặc cơ ở thân làm thân có tư thế ưỡn cong. Bệnh nhân có cảm giác khó chịu, lo lắng, vã mồ hôi. Ngoài ra có thể co thắt ở thanh quản, cơ hoành dạ dày và môn vị.
Từ đầu năm 2008 đến nay có khoảng 300 bệnh nhân đến khám và điều trị tại BV Cấp cứu Trưng Vương với biểu hiện là tetany, phần lớn gặp ở các cô gái trẻ, là công nhân may mặc, sinh viên, học sinh...
Đa số tetany là do hạ canxi máu, tuy nhiên tetany còn có thể xảy ra trong các tình huống sau đây: kiềm hóa máu, hạ kali máu, giảm manhê máu.
Hạ canxi máu
Hạ canxi máu là tình trạng ion canxi tự do trong máu giảm xuống thấp, dưới 4,2mg/dl.
Biểu hiện triệu chứng rất khác nhau, tùy thuộc mức độ và tốc độ của hạ canxi máu. Hạ canxi cấp tính mức độ vừa thường gây ra cơn tetany điển hình như đã kể trên. Ở mức độ nặng hơn có thể gây co thắt thanh quản, lú lẫn, co giật, tụt huyết áp do nhịp tim chậm và suy tim mất bù.
Hạ canxi máu mãn tính có thể không gây ra triệu chứng gì, về lâu làm đục thủy tinh thể, lắng đọng canxi ở hạch đáy não.
Nguyên nhân gây hạ canxi máu do giảm cung cấp hoặc do giảm hấp thu: chế độ ăn thiếu canxi, thiếu vitamin D, bệnh rối loạn hấp thu, nối ruột non, xơ gan, viêm tụy mãn. Hoặc là do canxi bị mất đi vì mắc bệnh suy thận mãn, dùng thuốc lợi tiểu, nghiện rượu. Có thể do bệnh nội tiết: suy tuyến cận giáp, giả suy tuyến cận giáp, ung thư tuyến giáp dạng tủy gây tiết calcitonin, hạ canxi máu có tính gia đình. Có khi do các nguyên nhân khác: hạ manhê máu, nhiễm trùng huyết, giảm albumin máu, tăng phosphat máu, thuốc kháng sinh như aminoglycoside...
Điều trị hạ canxi máu trước tiên là đánh giá mức độ, trường hợp nặng thì bù canxi qua đường tĩnh mạch, nếu nhẹ cho uống canxi. Kế tiếp là tìm và điều trị nguyên nhân hạ canxi máu. Đa số triệu chứng sẽ giảm ngay sau khi bù canxi.
Để phòng ngừa hạ canxi máu, nhớ cung cấp đầy đủ lượng canxi và vitamin D hằng ngày bằng chế độ ăn hoặc thuốc bổ sung. Nếu hạ canxi do hạ manhê máu xảy ra ở người uống rượu thì giảm rượu và tăng cường ăn các thực phẩm có lợi cho sức khỏe.
Canxi có nhiều ở sữa, sữa chua, phô mai, rau cải xanh, trái cây múi có tép như cam, bưởi, quít. Ước tính 200ml sữa tươi, sữa chua = 2 chén bông cải xanh = 300mg canxi.
Theo BS NGUYỄN THANH HẢI - BV cấp cứu Trưng Vương, TP.HCM