Bệnh loét giác mạc

thanhlinh

Junior Member

Nếu ví con mắt như một cái máy ảnh, thì giác mạc là một thấu kính quan trọng trong hệ thống quang học của máy ảnh đó. Giác mạc chiếm đến 2/3 lực khúc xạ của mắt, vì vậy những tổn thương trên giác mạc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của người bệnh. Một trong những tổn thương rất nặng của giác mạc gây ảnh hưởng trầm trọng đến thị lực là bệnh loét giác mạc.
Nguyên nhân gây loét giác mạc
Đây là một bệnh khá thường gặp và là một trong những nguyên nhân dẫn đến mù lòa. Loét giác mạc là hiện tượng mất tổ chức giác mạc do hoại tử, gây ra bởi một quá trình viêm trên giác mạc. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra loét giác mạc: do vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, phế cầu, lậu cầu, trực khuẩn mủ xanh, moraxella...); do nấm (aspergillus fumigatus, fusarium solant, candida albicans, histoblasma,...); do virut (her pes simple, herpes zoster) hoặc do ký sinh trùng (acanthamoeba). Khi giác mạc còn nguyên vẹn thì hầu hết các yếu tố gây bệnh không xâm nhập được vào giác mạc. Loét giác mạc thường xuất hiện sau một chấn thương gây tổn hại lớp tế bào biểu mô (lớp tế bào bề mặt của giác mạc). Chấn thương giác mạc có thể từ bên ngoài: chấn thương trong sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp, đặc biệt là chấn thương trong nông nghiệp (do hạt thóc bắn vào mắt hoặc lá quệt vào mắt). Do vậy, trong các mùa gặt số lượng bệnh nhân bị loét giác mạc thường tăng lên. Tổn thương giác mạc cũng có thể do bệnh tại mắt (do lông quặm, lông xiêu cọ vào mắt) hoặc do những phương pháp điều trị phản khoa học: đánh mộng mắt bằng búp tre, đắp nhái vào mắt để điều trị...
Biểu hiện của bệnh
Khi bị loét giác mạc bệnh nhân sẽ thấy mắt bị đỏ, đôi khi sưng nề, mắt cộm chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, rất khó mở mắt. Thị lực bệnh nhân giảm nhiều, trường hợp nặng mắt chỉ còn cảm nhận được ánh sáng. Khám mắt sẽ thấy mi và kết mạc phù nề, trường hợp nặng có thể gây sụp mi mắt. Trên giác mạc có một ổ loét. Tùy nguyên nhân mà ổ loét có đặc điểm khác nhau. Nếu loét giác mạc do vi khuẩn: ổ loét có ranh giới không rõ, đáy ổ loét thường phủ một lớp hoại tử bẩn, khi nhuộm giác mạc bằng fluorescein 2% ổ loét sẽ bắt màu xanh, nếu ổ loét hoại tử nhiều sẽ có màu vàng xanh. Nếu loét giác mạc do nấm: ổ loét ranh giới rõ, bờ gọn thường có hình tròn hoặc bầu dục, đáy ổ loét thường phủ một lớp hoại tử dày, đóng thành vảy gồ cao, bề mặt vảy khô ráp và khó bóc. Nếu loét giác mạc do virut herpes: ổ loét có thể có hình cành cây hoặc hình địa đồ. Nếu loét giác mạc do acanthamoeba (amíp): ổ loét giác mạc thường kèm theo áp xe giác mạc hình vòng. Giác mạc xung quanh ổ loét bị mờ đi (do thâm nhiễm các tế bào viêm và dịch). Tiền phòng có thể có ngấn mủ.
Điều trị bệnh
Loét giác mạc là môt bệnh nặng, khó điều trị và gây ra nhiều biến chứng. Khi điều trị khỏi bệnh sẽ để lại sẹo trên giác mạc gây giảm thị lực. Trường hợp bệnh nặng, điều trị không hiệu quả có thể phải bỏ nhãn cầu.
Khi bị loét giác mạc, bệnh nhân cần phải đến khám tại các cơ sở nhãn khoa. Tại đây, nhân viên y tế nạo ổ loét giác mạc lấy bệnh phẩm, làm xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh và điều trị bằng các thuốc đặc hiệu. Nếu điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc trong những trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật ghép giác mạc, với mục đích thay thế giác mạc bệnh lý bằng mô giác mạc lành. Bệnh nhân tuyệt đối không được mua thuốc tại các hiệu thuốc để tự điều trị. Hiện nay, tại các hiệu thuốc có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa corticosteroid được bán tràn lan. Nếu bệnh nhân bị loét giác mạc mà dùng những thuốc này sẽ làm bệnh trở nên trầm trọng và gây ra những biến chứng rất nguy hiểm. Khi bị các chấn thương mắt dù nhẹ bệnh nhân cũng nên đến các cơ sở nhãn khoa để khám và điều trị, tránh để muộn có thể gây ra biến chứng loét giác mạc. Đặc biệt, khi bị bụi bay vào mắt, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để lấy, không nên tự ý lấy hoặc nhờ người khác lấy ra có thể gây biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân cũng không nên dụi mắt vì sẽ làm tổn thương nặng thêm.


ThS. lê xuân cung (Bệnh viện Mắt Trung ương) SK & ĐS
 
Back
Top