Ra trường và đi làm vài năm nhưng Yến vẫn chưa yêu ai. Quen chàng nào cô cũng nhìn bằng ánh mắt dè dặt, sợ họ nhanh chóng "có mới nới cũ".
Yến, nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội, bắt đầu hoài nghi về thế giới đàn ông từ khi còn là một cô bé học cấp hai, lúc biết bố phản bội mẹ. Ngày ấy, mẹ Yến là người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, lại hết mực chăm sóc cho gia đình. Thế nhưng, bố cô đã theo một người phụ nữ khác, trẻ hơn, làm nghề bưng bê ở nhà hàng. Sau khi biết chuyện, mẹ Yến luôn sống trong đau khổ, buồn bã. Còn Yến cảm thấy cuộc đời thật bất công và cô mất niềm tin vào tình yêu, hôn nhân.
Càng lớn, Yến thấy mình càng giống mẹ, cũng xinh xắn, hiền lành nhưng ít nói. Và cô sợ mình sẽ gặp phải những người đàn ông bội bạc như bố. Vì thế, với những chàng trai tỏ ra quan tâm, săn đón, Yến thường lảng tránh và cảm thấy không tin tưởng.
"Tôi không muốn mình lặp lại cuộc đời mẹ, trao gửi đời mình cho một người đàn ông không xứng đáng để rồi ôm lấy đau khổ. Nhưng mãi mà tôi chưa tìm được một người tạo cho mình cảm giác an toàn khi ở bên cạnh. Tôi rất hoang mang và sợ hôn nhân. Có lẽ, sau này tôi cũng vẫn lấy chồng, để có con, nhưng tôi sẽ yêu họ thật ít để khỏi bị tổn thương nếu lỡ họ có phản bội mình", Yến chia sẻ trên một diễn đàn online.
Còn Bích, một cô gái 27 tuổi ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã có người yêu, cũng luôn sống trong tâm trạng hoài nghi "nửa kia" bởi ám ảnh chuyện bố ngoại tình từ khi cô còn nhỏ.
Ảnh minh họa Bích cho biết, từ lúc 10 tuổi, cô và người anh trai phải khổ sở vì chứng kiến cảnh bố mẹ suốt ngày cãi nhau, mẹ khóc lóc và có lần còn tự tử suýt chết khi biết bố có bồ. Sau đó, dù hai người vẫn chung sống, nhưng không khí gia đình luôn nặng nề, ngột ngạt. Họ không cãi nhau nữa, nhưng cũng chẳng mấy khi nói cười. Bích thấy mẹ hay cáu gắt, lúc nào cũng hằn học khi nói về đàn ông.
Mẹ cũng luôn quản lý con gái rất chặt, thường hay nói với Bích những câu như: "Đừng có yêu đương làm gì, yêu sớm, khổ sớm", hay "tránh xa cái lũ đàn ông ra, thằng nào cũng đểu giả như nhau thôi"... khiến Bích càng hoang mang.
Mãi đến năm 26 tuổi, Bích mới yêu. Đó là một anh chàng cùng cơ quan, hơn cô 2 tuổi, khá chín chắn, điềm đạm, đã theo đuổi Bích rất lâu và tỏ ra khá chiều chuộng cô. Thế nhưng, Bích không tận hưởng niềm hạnh phúc được yêu lâu vì luôn có cảm giác sợ bị bỏ rơi, và luôn ghen tuông nếu thấy người yêu tỏ ra quan tâm tới người khác phái. Dần dần, không chịu nổi những cảm xúc thất thường của Bích, cũng như mệt mỏi vì sự kiểm soát quá đà của cô, chàng chủ động chia tay. Lúc này, Bích càng đau khổ và thù hằn đàn ông.
Theo chuyên gia tư vấn Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn Tình yêu - hôn nhân - gia đình thuộc Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, không hiếm cô gái vì mối quan hệ không tốt đẹp của bố mẹ mà đâm nghi ngờ về hôn nhân, tình yêu. Những người từng chứng kiến bố phản bội mẹ luôn có cảm giác sợ bị đánh cắp niềm tin.
"Đối với trẻ, bố mẹ là người gần gũi nhất, và thường được trẻ thần tượng hóa, luôn đặt trọn tình cảm, niềm tin, nên việc ngoại tình của người lớn sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý, hành vi của trẻ. Nhiều cô gái cảm thấy thiếu tự tin về bản thân, ngờ vực người khác giới vì bố từng lừa dối mẹ. Có một số chàng trai từng biết mẹ phản bội bố cũng tỏ ra dè dặt, nghi ngờ phụ nữ, thậm chí muốn 'đá' trước vì luôn sợ bị cắm sừng. Tuy nhiên, các trẻ trai thường ít bị ám ảnh việc bố, mẹ ngoại tình hơn trẻ gái", bà Hà lý giải.
Thậm chí, một số cô gái nghi ngờ người khác giới đến nỗi tìm tới mối quan hệ với người cùng giới, mặc dù họ hoàn toàn không phải là lesbian.
Trường hợp của Khanh, 22 tuổi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một điển hình. Khi Khanh mới 10 tuổi, bố cô vì muốn có con trai, đã bỏ mặc 3 mẹ con cô để chung sống với một phụ nữ trẻ hơn và có con với cô ta. Mẹ cô đau khổ tột cùng, suốt cả tháng trời giam mình trong nhà khóc lóc, vừa cay đắng cho bản thân, vừa thương hai cô con gái. Sau đó, dù bố vẫn thường xuyên về nhà và chu cấp đầy đủ cho chị em Khanh nhưng cô vẫn rất hận bố và không bao giờ trò chuyện với ông.
Lớn lên, vì xinh đẹp và khá cá tính, Khanh được nhiều chàng trai săn đón. Nhưng cô thường ngó lơ tất cả và bị mang tiếng kiêu căng. Cuối những năm sinh viên, Khanh cũng yêu một anh chàng cùng khóa, nhưng mối tình chỉ kéo dài được vài tháng thì cô phát hiện người yêu vẫn thường xuyên liên hệ với người cũ. Không một lời tra hỏi hay tỏ thái độ giận dỗi, Khanh nói lời chia tay ngay, chẳng để "nửa kia" có cơ hội giải thích.
Sau mối tình đó, Khanh càng có cái nhìn ác cảm với phái mạnh. Thế rồi, một lần, Khanh bất ngờ khi nhận được lời tỏ tình của một cô bạn khá thân. Ban đầu, cô sốc và tìm cách tránh xa người bạn lesbian đó. Nhưng rồi, một thời gian, trong đầu Khanh bỗng nhiên nảy ra ý nghĩ "hay thử yêu người cùng giới xem sao, ít ra cũng có cảm giác an toàn hơn là ở bên cạnh đàn ông", và gật đầu đồng ý hẹn hò với cô bạn kia.
"Em không có cảm xúc gì đặc biệt với cô ấy cả, nhưng ở bên cạnh cô ấy, em có cảm giác yên tâm, không phải lo bị lừa dối, không mệt mỏi vì những nghi ngờ", Khanh thổ lộ với một chuyên gia tư vấn. Điều cô băn khoăn bây giờ là làm sao để vẫn giữ mối quan hệ với cô bạn les kia mà không cần có những cử chỉ thân mật, gần gũi.
Nhà tâm lý Trần Thị Hồng Hà cho biết, những đổ vỡ trong hôn nhân của bố mẹ, cùng cách ứng xử không tinh tế của người lớn có thể gây ra những tổn thương tâm lý với con cái, khiến trẻ có cái nhìn lệch lạc về cuộc sống gia đình, về người khác giới. Vì vậy, trong các gia đình, khi có chuyện "ngoài vợ, ngoài chồng", các đôi cần bình tĩnh, ứng xử khéo léo để hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực tới con cái. Và quan trọng nhất, hãy giúp con luôn có cái nhìn toàn diện, đúng đắn về cuộc sống, hôn nhân, về người khác giới, đừng nhồi nhét vào tâm hồn trẻ những suy nghĩ tiêu cực bởi chính điều này sẽ khiến trẻ khó có cuộc sống hạnh phúc khi trưởng thành.
Theo Vnexpress
Yến, nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội, bắt đầu hoài nghi về thế giới đàn ông từ khi còn là một cô bé học cấp hai, lúc biết bố phản bội mẹ. Ngày ấy, mẹ Yến là người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, lại hết mực chăm sóc cho gia đình. Thế nhưng, bố cô đã theo một người phụ nữ khác, trẻ hơn, làm nghề bưng bê ở nhà hàng. Sau khi biết chuyện, mẹ Yến luôn sống trong đau khổ, buồn bã. Còn Yến cảm thấy cuộc đời thật bất công và cô mất niềm tin vào tình yêu, hôn nhân.
Càng lớn, Yến thấy mình càng giống mẹ, cũng xinh xắn, hiền lành nhưng ít nói. Và cô sợ mình sẽ gặp phải những người đàn ông bội bạc như bố. Vì thế, với những chàng trai tỏ ra quan tâm, săn đón, Yến thường lảng tránh và cảm thấy không tin tưởng.
"Tôi không muốn mình lặp lại cuộc đời mẹ, trao gửi đời mình cho một người đàn ông không xứng đáng để rồi ôm lấy đau khổ. Nhưng mãi mà tôi chưa tìm được một người tạo cho mình cảm giác an toàn khi ở bên cạnh. Tôi rất hoang mang và sợ hôn nhân. Có lẽ, sau này tôi cũng vẫn lấy chồng, để có con, nhưng tôi sẽ yêu họ thật ít để khỏi bị tổn thương nếu lỡ họ có phản bội mình", Yến chia sẻ trên một diễn đàn online.
Còn Bích, một cô gái 27 tuổi ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã có người yêu, cũng luôn sống trong tâm trạng hoài nghi "nửa kia" bởi ám ảnh chuyện bố ngoại tình từ khi cô còn nhỏ.
Ảnh minh họa Bích cho biết, từ lúc 10 tuổi, cô và người anh trai phải khổ sở vì chứng kiến cảnh bố mẹ suốt ngày cãi nhau, mẹ khóc lóc và có lần còn tự tử suýt chết khi biết bố có bồ. Sau đó, dù hai người vẫn chung sống, nhưng không khí gia đình luôn nặng nề, ngột ngạt. Họ không cãi nhau nữa, nhưng cũng chẳng mấy khi nói cười. Bích thấy mẹ hay cáu gắt, lúc nào cũng hằn học khi nói về đàn ông.
Mẹ cũng luôn quản lý con gái rất chặt, thường hay nói với Bích những câu như: "Đừng có yêu đương làm gì, yêu sớm, khổ sớm", hay "tránh xa cái lũ đàn ông ra, thằng nào cũng đểu giả như nhau thôi"... khiến Bích càng hoang mang.
Mãi đến năm 26 tuổi, Bích mới yêu. Đó là một anh chàng cùng cơ quan, hơn cô 2 tuổi, khá chín chắn, điềm đạm, đã theo đuổi Bích rất lâu và tỏ ra khá chiều chuộng cô. Thế nhưng, Bích không tận hưởng niềm hạnh phúc được yêu lâu vì luôn có cảm giác sợ bị bỏ rơi, và luôn ghen tuông nếu thấy người yêu tỏ ra quan tâm tới người khác phái. Dần dần, không chịu nổi những cảm xúc thất thường của Bích, cũng như mệt mỏi vì sự kiểm soát quá đà của cô, chàng chủ động chia tay. Lúc này, Bích càng đau khổ và thù hằn đàn ông.
Theo chuyên gia tư vấn Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn Tình yêu - hôn nhân - gia đình thuộc Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, không hiếm cô gái vì mối quan hệ không tốt đẹp của bố mẹ mà đâm nghi ngờ về hôn nhân, tình yêu. Những người từng chứng kiến bố phản bội mẹ luôn có cảm giác sợ bị đánh cắp niềm tin.
"Đối với trẻ, bố mẹ là người gần gũi nhất, và thường được trẻ thần tượng hóa, luôn đặt trọn tình cảm, niềm tin, nên việc ngoại tình của người lớn sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý, hành vi của trẻ. Nhiều cô gái cảm thấy thiếu tự tin về bản thân, ngờ vực người khác giới vì bố từng lừa dối mẹ. Có một số chàng trai từng biết mẹ phản bội bố cũng tỏ ra dè dặt, nghi ngờ phụ nữ, thậm chí muốn 'đá' trước vì luôn sợ bị cắm sừng. Tuy nhiên, các trẻ trai thường ít bị ám ảnh việc bố, mẹ ngoại tình hơn trẻ gái", bà Hà lý giải.
Thậm chí, một số cô gái nghi ngờ người khác giới đến nỗi tìm tới mối quan hệ với người cùng giới, mặc dù họ hoàn toàn không phải là lesbian.
Trường hợp của Khanh, 22 tuổi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một điển hình. Khi Khanh mới 10 tuổi, bố cô vì muốn có con trai, đã bỏ mặc 3 mẹ con cô để chung sống với một phụ nữ trẻ hơn và có con với cô ta. Mẹ cô đau khổ tột cùng, suốt cả tháng trời giam mình trong nhà khóc lóc, vừa cay đắng cho bản thân, vừa thương hai cô con gái. Sau đó, dù bố vẫn thường xuyên về nhà và chu cấp đầy đủ cho chị em Khanh nhưng cô vẫn rất hận bố và không bao giờ trò chuyện với ông.
Lớn lên, vì xinh đẹp và khá cá tính, Khanh được nhiều chàng trai săn đón. Nhưng cô thường ngó lơ tất cả và bị mang tiếng kiêu căng. Cuối những năm sinh viên, Khanh cũng yêu một anh chàng cùng khóa, nhưng mối tình chỉ kéo dài được vài tháng thì cô phát hiện người yêu vẫn thường xuyên liên hệ với người cũ. Không một lời tra hỏi hay tỏ thái độ giận dỗi, Khanh nói lời chia tay ngay, chẳng để "nửa kia" có cơ hội giải thích.
Sau mối tình đó, Khanh càng có cái nhìn ác cảm với phái mạnh. Thế rồi, một lần, Khanh bất ngờ khi nhận được lời tỏ tình của một cô bạn khá thân. Ban đầu, cô sốc và tìm cách tránh xa người bạn lesbian đó. Nhưng rồi, một thời gian, trong đầu Khanh bỗng nhiên nảy ra ý nghĩ "hay thử yêu người cùng giới xem sao, ít ra cũng có cảm giác an toàn hơn là ở bên cạnh đàn ông", và gật đầu đồng ý hẹn hò với cô bạn kia.
"Em không có cảm xúc gì đặc biệt với cô ấy cả, nhưng ở bên cạnh cô ấy, em có cảm giác yên tâm, không phải lo bị lừa dối, không mệt mỏi vì những nghi ngờ", Khanh thổ lộ với một chuyên gia tư vấn. Điều cô băn khoăn bây giờ là làm sao để vẫn giữ mối quan hệ với cô bạn les kia mà không cần có những cử chỉ thân mật, gần gũi.
Nhà tâm lý Trần Thị Hồng Hà cho biết, những đổ vỡ trong hôn nhân của bố mẹ, cùng cách ứng xử không tinh tế của người lớn có thể gây ra những tổn thương tâm lý với con cái, khiến trẻ có cái nhìn lệch lạc về cuộc sống gia đình, về người khác giới. Vì vậy, trong các gia đình, khi có chuyện "ngoài vợ, ngoài chồng", các đôi cần bình tĩnh, ứng xử khéo léo để hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực tới con cái. Và quan trọng nhất, hãy giúp con luôn có cái nhìn toàn diện, đúng đắn về cuộc sống, hôn nhân, về người khác giới, đừng nhồi nhét vào tâm hồn trẻ những suy nghĩ tiêu cực bởi chính điều này sẽ khiến trẻ khó có cuộc sống hạnh phúc khi trưởng thành.
Theo Vnexpress