Những biến chứng nguy hiểm GS-TS Tạ Văn Bình, Giám đốc BV Nội tiết (Hà Nội) cho biết, người mắc bệnh ĐTĐ thường gặp những biến chứng nguy hiểm như: bệnh mạch vành - gây nhồi máu cơ tim; bệnh mạch máu não - gây đột quỵ; bệnh mạch máu ngoại vi, trong đó hay gặp nhất là bệnh mạch máu chi dưới - gây hoại tử dẫn đến phải cắt cụt chi. ĐTĐ gây tổn thương mạch máu nhỏ, mà hay gặp nhất là gây mù lòa, bệnh lý cầu thận, hủy hoại các dây thần kinh. Bệnh còn tạo cơ hội cho các bệnh nhiễm trùng phát triển và làm cho các bệnh lý này nặng lên. ĐTĐ còn là một trong những nguyên nhân gây bất lực ở nam giới.
* Bệnh mạch vành chiếm tỷ lệ cao ở người ĐTĐ (với khoảng 75%).
* Nhồi máu cơ tim ở người ĐTĐ không có triệu chứng điển hình là cơn đau thắt ngực, mà chỉ thấy mệt, tụt huyết áp.
* Tử vong do bệnh mạch vành ở người ĐTĐ cao gấp 4 lần người bệnh mạch vành không có bệnh ĐTĐ.
* Giảm nguy hiểm của bệnh mạch vành ở người ĐTĐ: bỏ ngay thuốc lá; tránh đồ ăn nhiều cholesterol, nhất là mỡ; giảm trọng lượng cơ thể nếu thừa cân, béo phì.
Kiểm soát tốt lipid máu bằng chế độ ăn, tập luyện và sử dụng thuốc. Nồng độ lipid ở người ĐTĐ phải thấp hơn người bình thường.
*Kiểm tra và luôn giữ nồng độ đường máu ở mức an toàn là việc làm cần thiết
Các mạch máu nhỏ có nhiều ở mắt và thận, điều này giải thích vì sao khi mạch máu nhỏ bị tổn thương thì mắt xuất hiện các triệu chứng giảm thị lực, mù lòa... hoặc ở thận (suy thận...). Nồng độ đường trong máu cao là yếu tố chính gây ra tổn thương các mạch máu nhỏ. Nếu người bệnh có mắc kèm bệnh tăng huyết áp thì sự hủy hoạåi các mạch máu nhỏ càng tăng. Tổn thương thận là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ. Ở người ĐTĐ týp 1, tổn thương thận thường biểu hiện khoảng 5 năm sau ngày phát hiện. Nhưng ở người mắc ĐTĐ týp 2, có thể nhận thấy ngay khi mới phát hiện ĐTĐ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã khẳng định hoàn toàn có thể làm chậm tiến triển bệnh, hạn chế mức độ nguy hiểm của biến chứng ở bệnh ĐTĐ.
Phòng tránh tai biến
Luôn giữ nồng độ đường máu ở mức an toàn là việc làm cần thiết. GS Tạ Văn Bình lưu ý: không chỉ nồng độ đường máu lúc đói mà quan trọng hơn là lượng đường sau ăn cũng cần kiểm tra. Quản lý đường máu tốt sẽ giúp giảm suy thận rõ rệt. Cần duy trì tình trạng chuyển hóa lipid bình thường, duy trì huyết áp ổn định ở mức an toàn (120/80 mmHg), phòng chống các rối loạn đông máu. Với người bệnh thận, cần phải quan tâm đến chế độ ăn hợp lý ngay từ khi mới phát hiện thận bị tổn thương. Luôn ghi nhớ: mắc ĐTĐ có suy thận nếu ăn chế độ đạm cao sẽ mau chóng đưa suy thận đến giai đoạn cuối.
Gìn giữ bàn chân
Chăm sóc bàn chân luôn được các bác sĩ quan tâm với người mắc ĐTĐ. Do đặc điểm về giải phẫu, chức năng, nên hai chân người bệnh ĐTĐ thường rất dễ bị tổn thương, viêm nhiễm. Từ những tổn thương nhỏ cũng có thể đưa đến trầm trọng, hoại tử, phải phẫu thuật cắt bỏ chi. Do các mạch máu lớn, nhỏ đưa máu đến nuôi dưỡng chân bị tổn thương, làm ứ trệ tuần hoàn, khiến cho chi dưới bị thiếu máu nuôi, nên bị hoại tử. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.
Vì vậy, không đi chân đất, cần đi giày dép mềm để tránh gây ra các vết thương. Điều trị tích cực nếu bị trầy xước, đặc biệt lưu ý khi bàn chân bị mất cảm giác hoặc tê bì, không có cảm giác bình thường, cảm thấy như “kiến bò” kéo dài. Khi đó, không nên ngâm chân vào nước nóng, chườm nước nóng, cắt móng chân quá sát, không làm vỡ các vết phỏng rộp ở bàn chân, vì sẽ gây sưng, viêm.
Thanh Niên