Cách phòng chống nhồi máu cơ tim

thanhlinh

Junior Member
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm. Nó có thể gây đột tử và là kẻ thù số 1 với quả tim của bạn. Bạn có thể tránh được kẻ thù đó không? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Khi bạn có trách nhiệm với bản thân mình và sức khỏe của mình, hãy thay đổi ngay những thói quen xấu, điều chỉnh những yếu tố nguy cơ, lúc đó bạn sẽ có nhiều cơ hội tránh được bệnh lý nguy hiểm này. Hãy hành động đi khi mọi thứ còn chưa quá muộn.
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Có hai nhân tố gây nên nguy cơ bệnh mạch vành mà không hề có triệu chứng ở giai đoạn sớm là mỡ máu cao và tăng huyết áp. Nhiều người có nguy cơ tiềm ẩn này nhưng vẫn có thể sống bình thường mà không thấy có triệu chứng nào cả. Do đó, khi kiểm tra sức khỏe định kỳ đều đặn, chúng ta có thể phát hiện ra những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn khi nó còn chưa gây ra bệnh lý nguy hiểm. Khi phát hiện ra bệnh lý tiềm ẩn, chúng ta có thể khống chế nó để giảm nguy cơ thấp nhất bệnh lý mạch vành có thể gặp phải.
Lý tưởng nhất là mọi người nên kiểm tra cholesterol toàn phần (cholesterol xấu) và HDL cholesterol (cholesterol tốt) ở độ tuổi từ 20. Nếu cholesterol toàn phần dưới 200 mg/dl và HDL cholesterol trên 35 mg/dl, nên kiểm tra lại máu sau 5 năm. Những người có nồng độ cholesterol toàn phần cao nên kiểm tra thường xuyên hơn. Huyết áp cũng nên kiểm tra thường kỳ 2 năm/1 lần. Bởi nhiều lúc huyết áp tăng lên mà chúng ta không biết được.
Kiểm tra sức khỏe thường kỳ là rất quan trọng, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường, tiền sử gia đình nhiều người bị nhồi máu cơ tim.
Loại bỏ các yếu tố nguy cơ
Các nghiên cứu cho thấy khi thay đổi lối sống, giảm các yếu tố nguy cơ, bệnh nhân bệnh mạch vành sẽ có cuộc sống lâu dài hơn. Thay đổi lối sống không có nghĩa đi khám định kỳ là đủ. Có rất nhiều điều có thể giúp cho bạn có một trái tim mạch khỏe hơn. Sau khi cùng bác sĩ điều trị các nguy cơ thì sau đây là một số thay đổi có thể giúp cho bạn.
Không hút thuốc lá
Nếu bạn chưa hút thuốc lá, thì đừng nên bắt đầu thử. Tránh hút thuốc lá là cách tốt nhất để duy trì sức khỏe và dự phòng nhồi máu cơ tim, ung thư phổi và nhiều bệnh lý đe dọa cuộc sống khác.
Giữ cân nặng ở mức độ thích hợp
Khi bạn tăng cân, cũng làm tăng theo hàm lượng cholesterol máu, triglycerid, huyết áp tăng và dễ bị đái tháo đường, hàm lượng HDL máu giảm. Vì vậy, rất quan trọng khi giữ cân nặng của bạn ở mức tốt nhất. Nếu bạn đang bị quá cân, hãy có chương trình giảm cân. Giảm cân sẽ làm cho bạn có trái tim khỏe mạnh, tránh được bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim.
Ăn thức ăn ít chất béo
Mỡ máu thường có xu hướng tăng lên khi tuổi của bạn càng ngày càng tăng. Chế độ ăn ít chất béo và hàm lượng cholesterol thấp sẽ giúp bạn ngăn cản quá trình này. Chế độ ăn này có thể dự phòng được nhồi máu cơ tim.
- Khống chế loại thức ăn và lượng thức ăn bạn ăn hằng ngày.
- Không nên ăn nhiều thịt, cá và thịt gia cầm trong 1 ngày.
- Cố gắng ăn nhiều hơn các thức ăn như rau, cơm, mì, đậu. Chỉ ăn kèm với số lượng nhỏ thịt, cá hoặc thịt gia cầm.
- Chỉ 5-8 thìa cà phê dầu hoặc mỡ dùng để chế biến thức ăn trong 1 ngày.
- Cố gắng chế biến thức ăn ít hoặc không có chất béo như luộc, chần, hạn chế dùng đồ rán.
- Không nên ăn phủ tạng động vật như gan, não, thận, tim ...
- Ăn nhiều rau, quả.
Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục đều đặn có thể giúp bảo vệ bạn trước nhồi máu cơ tim. Bất cứ loại thể dục nào cũng cần thiết và nên làm. Cố gắng tập thể dục 3-4 lần/tuần, mỗi lần 30-60 phút.
Lý tưởng nhất là bạn tập với tần số tim khoảng 50-70% mức gắng sức tối đa của bạn. Mức tim tối đa này được tính đơn giản là 210 trừ đi tuổi của bạn. Các phương pháp tốt nhất là chạy, bơi, đạp xe và đi bộ. Trước khi tập luyện, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ của bạn, đặc biệt khi bạn đã vào tuổi trung niên hoặc đã lớn tuổi và có bệnh tim hoặc một bệnh lý nào đó.
Tránh căng thẳng
Căng thẳng có thể làm hại trái tim của bạn hoặc làm tăng nguy cơ cho bạn, bạn hãy làm gì đó để tránh điều này. Hãy thư giãn trong thời gian ngắn trong giờ làm việc, vào ban đêm và trong những ngày nghỉ.
Uống rượu vừa phải
Một số nghiên cứu cho thấy dùng rượu với mức độ vừa phải (1-2 cốc/ngày) có thể giúp bảo vệ quả tim của bạn. Tuy nhiên, nếu uống nhiều hơn, điều này sẽ làm hại bạn. Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp, tăng cân nặng, tăng triglycerid máu và có thể gây rối loạn nhịp tim. Nếu bạn không uống thì không nên thử bắt đầu. Nếu bạn đang uống, thì nên uống vừa phải và nên bỏ rượu nếu bạn chú ý đến những tác dụng phụ của nó (suy gan, bệnh cơ tim do rượu, tai nạn khi điều khiển xe cộ...).
Với phụ nữ đang sử dụng thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai có thể sử dụng nhiều năm mà không có tác dụng phụ nào. Tuy nhiên, bạn nên kiểm tra y tế thường xuyên. Hằng năm, bạn nên kiểm tra huyết áp, triglycerid và đường máu.

Sức khỏe & Đời sống
 
Back
Top