Cảnh giác với bướu tuyến tiền liệt

thanhlinh

Junior Member
Ở nam giới, tuyến tiền liệt (TTL) có kích thước 2-3 cm, nặng khoảng 20g nằm bao bọc lấy đoạn đầu của ống niệu đạo, hình giống như quả roi. Từ tuổi dậy thì, TTL sản xuất ra tinh dịch làm môi trường cho tinh trùng hoạt động. Ở người cao tuổi, nếu TTL phát triển phì đại sẽ gây triệu chứng tắc nghẽn đường tiểu, có khi dẫn đến ung thư.
Các loại bướu ở tuyến tiền liệt

Bướu ở TTL có hai loại: loại bướu lành tính và loại bướu ác tính hay ung thư.
tuyen_tien_liet.jpg
Hình ảnh minh họa tuyến tiền liệt trong cơ quan sinh dục nam. Ảnh: traphaco.com Bướu lành TTL: hay gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Hiện chưa biết rõ nguyên nhân gây bướu. Người ta cho rằng có các yếu tố ảnh hưởng như: bệnh thường gặp ở những người hoạt động tình dục nhiều, nhưng những người tu hành vẫn có thể bị bướu TTL; cơ chế tự miễn; viêm nhiễm TTL lúc trẻ thì khi cao tuổi dễ bị bướu lành TTL... Bướu lành TTL phần lớn không có triệu chứng. Chỉ khi bệnh nhân đến trên 60 tuổi mới xuất hiện những khó chịu trong khi đi tiểu và lúc đó bệnh nhân mới đi khám.
Ung thư TTL: ít gặp hơn bướu lành. Bệnh được phát hiện chủ yếu do nồng độ Prostate Specific Antigen (PSA) là kháng nguyên đặc hiệu của TTL trong máu. Trước đây người ta cho rằng ung thư TTL là một bngệnh của những nước Âu Mỹ vì tỷ lệ bệnh tại các nước này cao hơn rõ rệt so với các nước Á Phi. Ngày nay người ta thấy có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến ung thư TTL như: ung thư TTL cũng khá phổ biến ở các nước châu Á; các nước càng phát triển thì số lượng người ung thư TTL càng tăng; tuổi thọ bình quân càng cao thì tỷ lệ ung thư TTL càng nhiều.Người da trắng dễ mắc bệnh hơn người da màu; ăn nhiều thịt dễ mắc bệnh hơn; ăn nhiều đậu nành ít mắc bệnh có lẽ vì đậu nành có chất đối kháng nội tiết tố sinh dục nam; những người làm việc tiếp xúc nhiều với các chất phóng xạ dễ mắc bệnh; nếu ăn nhiều thịt, mỡ động vật chế biến ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra chất heterocyclic amines, hoặc khi nướng trên lửa sẽ sinh ra polycyclic aromatic hydrocarbons, là những chất gây ra ung thư; hoạt động tình dục nhiều cũng có thể gây ra ung thư TTL, tuy nhiên vấn đề này còn đang gây nhiều tranh cãi; phì đại TTL cũng có nguy cơ ung thư; yếu tố di truyền: nếu cha mắc bệnh thì con cũng dễ mắc bệnh...
Triệu chứng của bướu TTL
đầu tiên là rối loạn tiểu tiện nhẹ, bệnh nhân thường thấy một trong hai triệu chứng là tiểu đêm hoặc tiểu chậm. Đàn ông cao tuổi phải đi tiểu nhiều lần trong đêm; Lúc đi tiểu thì phải đứng một lúc lâu mới tiểu được. Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân thấy hiện tượng tiểu khó, phải rặn một lúc lâu mới bắt đầu tiểu được; cảm giác tiểu không hết nước tiểu dù cố gắng cũng khó tiểu hết. Thực ra khi đó bướu TTL đã có những chèn ép vào ống niệu đạo và bệnh đã ở vào giai đoạn muộn. Quá giai đoạn nói trên, bệnh có thể gặp các biến chứng: bí tiểu, đái ra máu, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sỏi bàng quang, sỏi thận, suy thận, ung thư đã di căn.
Xác định bướu TTL
Người ta chẩn đoán xác định bướu TTL bằng một hay nhiều phương pháp sau đây: sờ thấy TTL sưng to khi thăm trực tràng; siêu âm có thể chẩn đoán được bướu; soi bàng quang; thử kháng nguyên đặc hiệu TTL trong máu; sinh thiết.
Các phương pháp điều trị bướu TTL
- Nếu là bướu lành, thì phương pháp điều trị tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ. Trường hợp nhẹ bệnh nhân có thể được theo dõi hoặc dùng thuốc điều trị làm nhỏ bướu; làm giãn cơ vòng cổ bàng quang để dễ đi tiểu; dùng thuốc nam, thuốc bắc làm giảm bớt các triệu chứng kích thích bàng quang để bệnh nhân bớt tiểu nhiều lần.
- Ung thư TTL có 3 phương pháp chính để điều trị: phẫu thuật, dùng thuốc và xạ trị (dùng tia hay chất phóng xạ). Tuỳ theo tình trạng bệnh mà sử dụng phương pháp thích hợp. Nếu khối ung thư TTL đã xâm lấn ra ngoài vỏ bọc hoặc di căn ra nơi khác thì điều trị chỉ là tạm thời. Nội soi cắt đốt một phần tuyến để bệnh nhân đi tiểu được, còn phần lớn mô tuyến ung thư để lại. Sau đó mổ cắt bỏ 2 tinh hoàn để loại bỏ nguồn nội tiết androgen ảnh hưởng lên khối ung thư, hoặc tiêm thuốc ức chế androgen. Bệnh nhân phải được theo dõi bằng PSA, nếu PSA tăng gấp đôi nồng độ ban đầu, cần điều trị bằng thuốc hoặc tia xạ.
Trường hợp ung thư TTL ở giai đoạn còn khu trú, chưa di căn nên chọn phương pháp mổ cắt toàn phần TTL để lấy hết toàn bộ khối ung thư. Nhược điểm của phẫu thuật này là bệnh nhân đi tiểu không kiểm soát một vài tháng sau phẫu thuật rồi mới trở lại bình thường, vì hệ thống cơ vòng giữ nước tiểu đã bị cắt bỏ cùng với TTL.
Phương pháp xạ trị có thể áp dụng cho bất cứ giai đoạn nào của bệnh.



Theo SK&ĐS
 
Back
Top