Chân nặng, bị vọp bẻ về đêm

thanhlinh

Junior Member
Vopbe_01.jpg
Suy tĩnh mạch khiến các tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo. Ảnh: T.N
Chân có cảm giác nằng nặng, đau nhức và thường bị vọp bẻ về đêm... là một trong những biểu hiện của căn bệnh suy tĩnh mạch chi dưới.
Nữ mắc nhiều hơn nam
Báo cáo của PGS-TS Phạm Nguyễn Vinh - Phó giám đốc Viện Tim (TP.HCM) tại buổi sinh hoạt chương trình tim mạch sau đại học, do Hội Tim mạch TP.HCM và Viện Nghiên cứu dược phẩm Servier tổ chức hôm 12.6 ở TP.HCM cho biết: nguyên nhân của suy tắc tĩnh mạch là do hậu quả của huyết khối tĩnh mạch (huyết khối tĩnh mạch là do những nguyên nhân: ung thư, bất động lâu, do di truyền, thai kỳ, sử dụng thuốc ngừa thai); bất thường thành tĩnh mạch do di truyền. Tần suất mắc bệnh suy tĩnh mạch chi dưới xảy ra ở nữ nhiều hơn nam giới (56% ở nữ, 44% ở nam), xảy ra nhiều nhất là ở người từ 50 tuổi trở đi. Và, càng lớn tuổi thì tình trạng càng nặng. Qua khảo sát hơn 4 ngàn bệnh nhân (trên 18 tuổi, thuộc cả hai giới nam và nữ) đến khám tại phòng khám của Viện Tim (TP.HCM) trong năm 2007 cho thấy: gần 50% số bệnh nhân có triệu chứng nặng ở chân, kế đến là đau chân, nhức hay căng chân, sưng chân, vọp bẻ về đêm; và nữ mắc nhiều hơn nam.
Tương tự, theo PGS-TS Nguyễn Hoài Nam (Đại học Y-Dược, TP.HCM), suy tĩnh mạch mãn tính là bệnh tập trung nhiều ở phụ nữ tuổi lao động (chiếm gần 70%). Suy tĩnh mạch thường xảy ra ở chi dưới là do hệ thống tĩnh mạch ở chi dưới chịu sức nặng của cơ thể khi chúng ta đứng nhiều, đứng lâu, cũng như các tĩnh mạch ở chi dưới dài, phức tạp. Nguyên nhân của bệnh suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới là do các yếu tố như: chủng tộc (người da trắng và người da vàng hay bị hơn người da đen); do công việc nghề nghiệp phải đứng hay ngồi nhiều; mang thai nhiều lần; sử dụng thuốc ngừa thai cũng là một yếu tố nguy cơ; béo phì; chế độ ăn nhiều thịt và chất bột, đường, ít rau và trái cây...
Hậu quả của bệnh
Theo PGS-TS Phạm Nguyễn Vinh, hậu quả của suy tĩnh mạch sâu chi dưới (hay suy tĩnh mạch mãn tính) là nghẽn tĩnh mạch sâu, suy van tĩnh mạch. Biểu hiện lâm sàng của suy tĩnh mạch mãn tính gồm: cảm giác nặng, căng ở cẳng chân theo tư thế; phù cổ chân, bàn chân; nâng cao cẳng chân thì triệu chứng sẽ giảm; giãn tĩnh mạch nông; đau, ngứa, chàm cẳng chân; viêm tế bào dưới da.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, giãn tĩnh mạch là biến chứng của bệnh suy tĩnh mạch. Một khi bệnh nhân được chẩn đoán là giãn tĩnh mạch nông, khi đó bệnh đã ở giai đoạn 3 hoặc 4 theo phân loại 6 độ của Tổ chức Y tế thế giới. Có hai loại giãn tĩnh mạch: giãn tĩnh mạch sâu và giãn tĩnh mạch nông. Giãn tĩnh mạch nông rất dễ phát hiện bằng hình ảnh các tĩnh mạch nổi lớn, ngoằn ngoèo và có khi tạo thành từng búi lớn, thường ở những bệnh nhân bị bệnh lâu năm mà không điều trị, hoặc điều trị không đúng. Còn giãn tĩnh mạch sâu, các triệu chứng thường kín đáo hơn như: phù chân khi đứng lâu, cảm giác tức nặng và nhiều hơn là đau bắp chân, thỉnh thoảng bị chuột rút nhất là vào buổi tối. Bởi các triệu chứng không rõ ràng, nên bệnh nhân dễ lầm tưởng mình bị bệnh khác và điều trị tốn kém khá nhiều nhưng không hết bệnh. Biến chứng nữa là hai chân sưng to; đau buốt mặt sau cẳng chân; viêm tắc tĩnh mạch; các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng; ở giai đoạn cuối bị giãn to toàn bộ hệ thống tĩnh mạch; ứ trệ tuần hoàn, gây loét; nhiễm trùng, chảy máu vết loét; nguy hiểm hơn, cục máu đông hình thành trong lòng tĩnh mạch di chuyển đến tim và có thể gây thuyên tắc phổi làm bệnh nhân tử vong.
Việc điều trị suy tĩnh mạch mãn tính, theo PGS-TS Phạm Nguyễn Vinh là tùy trường hợp, tùy từng giai đoạn bệnh, mà bác sĩ có thể chọn một trong các phương pháp như: điều trị nội khoa; dùng băng ép; tiêm chất gây xơ; phẫu thuật; laser...
Để phòng bệnh suy tĩnh mạch cần tránh đứng lâu, ăn uống nhiều rau quả tươi...


Theo Thanh Tùng
 
Back
Top